Nhà cung cấp tự nguyện chịu giám sát chất lượng, tự nguyện ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng, đây là hành động trách nhiệm…được gắn “Tick xanh trách nhiệm”.
Sở Công Thương TP.HCM vừa tổ chức buổi làm việc với các hệ thống phân phối tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm” để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc khi triển khai đến các nhà cung cấp.
Qua đó, tiếp tục tháo gỡ, nâng cao hiệu quả chương trình, góp phần mang đến lợi ích cho cộng đồng trong việc minh bạch chất lượng hàng hóa.
Sáu siêu thị tích cực triển khai Tick xanh trách nhiệm
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại – Sở Công thương TP.HCM, cho biết hơn một năm triển khai, chương trình đã nhận được sự tham gia của 11 hệ thống phân phối lớn trên địa bàn TP.HCM.
Tính đến nay, có sáu hệ thống phân phối đã vận động các nhà cung cấp tham gia tích cực, gồm: Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, Central Retail… Các hệ thống phân phối khác vẫn đang tiếp tục triển khai.
Tổng cộng đến nay có 169 nhà cung cấp (NCC) đã kết nối vào hệ thống quản lý “Tích xanh trách nhiệm” với 385 sản phẩm đủ điều kiện được công nhận.
Trong đó, Saigon Co.op có nhiều nhất với 306 sản phẩm, Bách Hóa Xanh có 78 sản phẩm.
“So với tổng số lượng NCC đang bán hàng vào các siêu thị, con số này còn khá khiêm tốn…”- ông Hùng nhận xét.
Theo ông Hùng, hệ thống quản lý “Tick xanh trách nhiệm” hoàn toàn độc lập, do Hội Công nghệ cao TP.HCM vận hành, đặt tại Công viên Phần mềm Quang Trung và có tính bảo mật cao.
Qua quá trình làm việc với các siêu thị, Hội Công nghệ cao TP.HCM nhận thấy các đơn vị còn gặp một số vướng mắc.
Trong đó, có các vấn đề liên quan đến kỹ thuật như có trường hợp nhà cung cấp đã được siêu thị A phê duyệt “Tick xanh trách nhiệm” nhưng siêu thị B chưa duyệt.
Một số hệ thống bán lẻ chưa xác định rõ bộ phận nào sẽ phê duyệt sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm” hay NCC đặt vấn đề có quy định bắt buộc tham gia hay không, họ được lợi ích nào khi tham gia. Ngoài ra, các hệ thống phân phối đề xuất đẩy mạnh truyền thông quảng bá tick xanh nhiều hơn.
Đại diện GS25 cho biết, hệ thống quản lý “Tick xanh trách nhiệm” có những hạng mục đặc thù nên chưa hoàn toàn đồng bộ với hệ thống quản lý nội bộ của GS25, đồng thời cũng làm gia tăng chi phí vận hành.
Tuy nhiên, Hội Công nghệ cao TP.HCM cho biết sẽ phối hợp đưa ra các giải pháp kỹ thuật để kết nối phù hợp. Vì vậy, GS25 sẽ tiếp tục báo cáo lãnh đạo và triển khai thực hiện.
GS25 đang làm việc với Bộ phận Mua hàng để vận động tất cả các NCC cùng tham gia chương trình Tick xanh dựa trên tinh thần NCC nên thực hiện đúng những gì mình đã cam kết về chất lượng.
Đặc biệt, đại diện một hệ thống phân phối khác cho biết, khi vận động NCC tham gia tick xanh họ thường đặt ra một số câu hỏi phía siêu thị chưa đủ thông tin hoặc tự tin trả lời.
Vị đại diện này đề xuất Sở Công thương có thể tổ chức một buổi gặp gỡ chung để giải đáp những thắc mắc “từ bên trong” của các NCC.
Cũng theo nhà phân phối này, chương trình tick xanh rất có ý nghĩa khi Sở Công thương mong muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Tuy nhiên, NCC vẫn còn nhiều băn khoăn dẫn đến sự chần chừ, trong khi siêu thị không thể bắt buộc hay áp dụng chế tài đối với việc tham gia tự nguyện này.
Bên cạnh đó, cho thấy có những NCC rất có tâm, nếu xảy ra vi phạm thường là do sơ suất hoặc thiếu thông tin.
Ví dụ, trong quá trình kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào, siêu thị phát hiện sản phẩm của NCC có lỗi. Nguyên nhân có thể do NCC đó thu mua hàng hóa từ nhiều vùng khác nhau mà không kiểm soát trực tiếp tại nguồn của người nông dân.
Mặt khác, khi NCC được siêu thị lưu ý, họ cũng nhận ra ví dụ hàng hóa lấy từ vùng A có vấn đề họ chủ động ngưng thu mua vùng A…
Vì vậy, mong muốn Sở Công thương xem xét, tìm kiếm các giải pháp kiểm soát để đạt được mục tiêu chung của chương trình.
Giải đáp các băn khoăn, Sở Công thương TP.HCM khẳng định chương trình “Tick xanh trách nhiệm” được triển khai trên cơ sở tự nguyện
Theo đó, doanh nghiệp công bố một sản phẩm đạt tick xanh chính là lời cam kết về việc tuân thủ mọi quy định hiện hành và đảm bảo chất lượng đúng như đã công bố.
Tinh thần cốt lõi là nếu NCC cam kết sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ…thì sản phẩm phải thực sự đúng như vậy.
Việc tham gia “cuộc chơi” này giúp khẳng định uy tín cũng như bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Chúng tôi dự kiến đề xuất UBND TP.HCM có cơ chế cho phép Sở sử dụng nguồn kinh phí để tập trung đầu tư quảng bá mạnh mẽ hơn chương trình tick xanh.
Trước mắt, Sở sẽ ưu tiên hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá cho các hệ thống phân phối đang triển khai tốt chương trình “Tick xanh trách nhiệm”.
Trong tuần tới, Sở sẽ gửi thông tin về chương trình đến UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức, các phòng kinh tế trực thuộc, trong đó nhấn mạnh và ưu tiên giới thiệu các hệ thống phân phối đang thực hiện tốt.
Ví dụ, thông qua các kênh thông tin của địa phương, Sở sẽ thông báo cho người tiêu dùng biết siêu thị Co.opmart có bán sản phẩm đạt chuẩn “Tick xanh trách nhiệm”, để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn, mua sắm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM
“Tick xanh trách nhiệm” sẽ trở thành tiêu chí ưu tiên để siêu thị mua hàng
Đại diện Saigon Co.op cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục vận động các nhà cung cấp tham gia chương trình. Bên cạnh đó, Saigon Co.op sẽ bổ sung “Tick xanh trách nhiệm” vào hợp đồng ký kết với NCC và dự kiến đưa tiêu chí tick xanh thành một tiêu chí ưu tiên khi hợp tác đối với các NCC mới.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết qua theo dõi và báo cáo từ các doanh nghiệp, sau hơn một năm triển khai, chương trình “Tick xanh trách nhiệm” đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Đáng chú ý, người tiêu dùng đã hưởng ứng và ưu tiên lựa chọn sản phẩm tick xanh, điều này cũng tác động làm thay đổi suy nghĩ của một số nhà cung cấp.
Tuy nhiên, vẫn còn những NCC đắn đo giữa việc đứng ngoài cuộc chơi hay tích cực tham gia.
Một số hệ thống phân phối triển khai còn chậm do nhiều lý do, bao gồm cả việc cử nhân sự phụ trách chương trình chưa thực sự sát sao, có sự quan tâm giới hạn, hoặc thay đổi nhân sự dẫn đến thông tin về chương trình và nỗ lực vận động NCC còn hạn chế.
“Kinh nghiệm từ các hệ thống lớn như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh cho thấy chương trình có thể triển khai thành công, thể hiện qua số lượng NCC và sản phẩm đăng ký tick xanh cao tại các hệ thống này”-ông Phương nói.
Ông Phương thông tin thêm, mục tiêu của chương trình là giúp thay đổi nhận thức của cả NCC và nhà phân phối về cách thức kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Trước đây, mỗi nhà phân phối thường tự kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào của mình. Khi tham gia chương trình này, cùng một nhóm sản phẩm sẽ được nhiều hệ thống siêu thị kiểm soát.
Hơn nữa, thông qua sự phối hợp với các cơ quan quản lý địa phương, tần suất kiểm tra, kiểm soát, lấy mẫu sẽ nhiều hơn.
Đối với NCC, nếu bị phát hiện vi phạm, chế tài sẽ lớn hơn so với trước đây (có thể chỉ bị một hệ thống siêu thị ngừng hợp đồng). Nếu vi phạm trong chương trình tick xanh, NCC có nguy cơ mất cả một thị trường phân phối hiện đại.
Do đó, đòi hỏi NCC phải kiểm tra, kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng như đã cam kết.
Trong giai đoạn thí điểm hiện tại, nếu sản phẩm nào bị phát hiện vi phạm, biện pháp xử lý tạm thời là gỡ logo tick xanh khỏi sản phẩm đó.
“Giai đoạn tiếp theo là sàng lọc, chương trình sẽ có các chế tài cụ thể và nặng hơn.
Bên cạnh việc gỡ logo, thu hồi sản phẩm, tùy mức độ và nguyên nhân vi phạm, sẽ có hướng dẫn khắc phục hoặc công bố thông tin chính thức đến người tiêu dùng”-ông Phương nói.
Chương trình “Tick xanh trách nhiệm” do TP.HCM phát động từ tháng 3-2024.
Tham gia chương trình, các nhà bán lẻ cùng hợp tác, cam kết cùng hành động, cùng ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng; liên kết hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp.
NCC tự nguyện chịu giám sát chất lượng, tự nguyện ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng, đây là hành động trách nhiệm, được người tiêu dùng tin tưởng, nhà bán lẻ đánh giá cao, được gắn “Tick xanh trách nhiệm”.
Người tiêu dùng chọn lựa và giám sát sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.
Theo Báo Pháp Luật