Thời gian qua, waterless cosmetics (mỹ phẩm không chứa nước), blue beauty nổi lên như những xu hướng mới trong ngành làm đẹp. Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu những khái niệm làm đẹp khác cũng liên quan đến việc bảo vệ môi trường qua bài viết sau đây.
1. Sustainable Beauty
Tính từ “bền vững” dường như đã không còn xa lạ đối với ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp. Sustainable beauty là từ dùng để chỉ những sản phẩm an toàn cho người sử dụng và không gây nguy hại đối với môi trường sống, từ bao bì đến những thành phần bên trong.
Ngoài ra, làm đẹp bền vững không chỉ xoay quanh quy trình sản xuất mà còn hướng đến những ý nghĩa nuôi dưỡng và hồi sinh môi trường sống. Trong quá trình R&D sản phẩm, sự bền vững thể hiện ở việc làm cầu nối với người sản xuất nông sản, khai thác một cách tối ưu nhất cho môi trường.
Để nhận diện sản phẩm của xu hướng sustainable beauty, bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Vegan (thuần chay).
- Cruelty-free (không thử nghiệm trên động vật).
- Eco-friendly packaging (bao bì thân thiện với môi trường).
- Non-Toxic ingredients (thành phần không độc hại).
2. Green Beauty
Green Beauty là thuật ngữ dùng để chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, sử dụng các nguồn tài nguyên bền vững, có thể tái chế được.
Bên cạnh đó, quy trình sản xuất và cách đóng gói cũng đảm bảo thân thiện với hành tinh xanh của chúng ta. Green beauty cũng được gọi là làm đẹp sinh thái (eco-beauty).
Không dừng lại ở đó, green beauty còn được thể hiện qua cách chúng ta dùng và lựa chọn mỹ phẩm. Nhà bảo vệ môi trường Amber Jackson gợi ý cách lựa chọn loại kem chống nắng dạng khoáng và không trôi khỏi da khi đi tắm biển. Sản phẩm này giúp chất kem không thấm vào nước, gây hại cho san hô và các loài cá biển.
Hay nữ tác giả Kathryn Kellogg lại gợi ý lối làm đẹp không lãng phí: sử dụng toner dạng xịt để tiết kiệm sản phẩm và bông cotton, chọn cake mascara (mascara dạng sáp) được đựng trong lọ thủy tinh tái sử dụng.
3. Clean Beauty
Xu hướng clean beauty được biết đến trong việc tránh sử dụng những sản phẩm có:
- Thành phần độc hại (cho dù thành phần đó đã được khoa học chứng minh là độc hại hay vẫn còn đang tranh cãi).
- Chất gây ung thư, kích ứng và rối loạn nội tiết
- Có tác động xấu đến môi trường (kể cả khi chúng có nguồn gốc từ tự nhiên).
Một số thành phần không an toàn mà bạn cần tránh mỗi khi lựa chọn mỹ phẩm: Paraben, Aluminum Compouds (phức hợp của nhôm), Ethoxylated, Formaldehyde, Refined petroleum (dầu mỏ đã qua chế biến), Hydroquinone, Talc (bột Tan gây ung thư), Triclosan (một loại chất kháng khuẩn), Silica (chất ăn mòn nhẹ), Oxybenzone và Fragrances (mùi hương trong nước hoa).
Trên lý thuyết là vậy nhưng chuẩn mực của clean beauty kỳ thực không quá khắt khe. Nếu trong sản phẩm làm đẹp có chứa một lượng nhỏ những chất đó và nó có vai trò nhất định (như tác nhân kết dính, chất làm ổn định hay mùi nhân tạo) thì chúng vẫn được chấp nhận.
Một thương hiệu đi theo xu hướng clean beauty sẽ minh bạch trong việc liệt kê đầy đủ các thành phần trong sản phẩm của họ. Và tất nhiên, những thành phần đó không chỉ hoàn toàn từ tự nhiên, hữu cơ, mà còn phải đảm bảo độ an toàn cho người dùng và môi trường sống.
4. Organic Beauty
Organic beauty là cách gọi chung của các loại mỹ phẩm sử dụng nguyên liệu được nuôi trồng hữu cơ. Những nguyên liệu này được trồng mà không sử dụng sinh vật biến đổi gen (GMO), thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, chất bảo quản tổng hợp, hóa dầu, hay bức xạ ion hóa.
Để đảm bảo tìm kiếm đúng sản phẩm chăm sóc da hữu cơ, bạn có thể dựa vào chứng nhận USDA Organic (Được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chứng nhận là thành phần hữu cơ).
Theo Soil Association (Hiệp hội về Đất, có trụ sở tại Anh Quốc), bạn nên chọn mỹ phẩm organic theo các tiêu chí:
5 KHÔNG
- Không thử nghiệm trên động vật.
- Không GMO.
- Không có hóa chất gây tranh cãi.
- Không chứa paraben và phthalates.
- Không có màu tổng hợp, thuốc nhuộm hoặc mùi hương.
- Không có hạt nano.
6 CÓ
- Có hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn (lên đến 60%).
- Có các thành phần hữu cơ có nguồn gốc bền vững.
- Có các thành phần phân hủy sinh học.
- Có quy trình sản xuất minh bạch.
- Có bao bì tối giản với hàm lượng tái chế đạt mức tối đa.
- Có bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh học.
5. Blue Beauty
Blue Beauty gợi đến cho chúng ta sự thân thiện với đại dương ngay từ tên gọi.
Gần giống như thuật ngữ “Green Beauty” ở trên, nhưng ở xu hướng mới blue beauty này, các sản phẩm sẽ hướng đến việc hạn chế lãng phí và tái chế nhựa cũng như bảo vệ đại dương khỏi các loại hóa chất có trong thành phần.
Theo Jeannie Jarnot, Nhà sáng lập và CEO của Beauty Heroes, ngoài việc sử dụng các thành phần an toàn với đại dương thì quy trình sản xuất bao bì tái sử dụng nhiều lần cũng là điểm nhấn của xu hướng blue beauty.
Điều quan trọng và cũng là khác biệt mà blue beauty hướng đến chính là vòng đời của các sản phẩm làm đẹp. Liệu vỏ và bao bì của chúng có thể tái sử dụng trong mục đích khác hay không; những thương hiệu mỹ phẩm có chính sách hỗ trợ thu gom vỏ đã qua sử dụng không; hay quy trình tái chế có tác động đến môi trường biển hay không.
6. Waterless Cosmetic
Waterless cosmetic (mỹ phẩm giảm hoặc không chứa nước) được đánh giá là xu hướng bảo vệ hành tinh và cả làn da của bạn.
Shanu Walpita, nhà dự báo xu hướng và cũng là người sáng lập Futurewise Studio cho biết, nước là thành phần phổ biến nhất có trong mỹ phẩm, từ nước tẩy trang, gel dưỡng ẩm, đến các loại serum lẫn nước hoa. Song xu hướng mới hiện nay chính là sử dụng sản phẩm làm đẹp không có nước trong thành phần.
Việc thêm nước xem như một chất độn làm tăng khối lượng mỹ phẩm sẽ khiến chất lượng bị sụt giảm. Từ đó hiệu quả sử dụng chậm hơn, bạn càng phải mua nhiều sản phẩm hơn khiến gia tăng chất thải và gây ô nhiễm môi trường.
Các sản phẩm chăm sóc da, làm đẹp không chứa nước được xem là một cách giúp bảo tồn nguồn tài nguyên nước nói riêng và môi trường nói chung. Hiện nay, có rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm như Unilever , L’Oréal và Procter & Gamble đã cam kết sẽ cắt giảm lượng nước trong sản phẩm. Hay thương hiệu mới Pinch of Color mang đến mỹ phẩm có công thức hoàn toàn không chứa nước.
Theo Vietcetera.