Mô hình 3P là gì? Tại sao cleantech là công nghệ của tương lai?
Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, hiện nay có khoảng 3800 startup Việt đang hoạt động với những đổi mới sáng tạo và gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Nhận thức được những vấn đề cấp bách về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nhiều startup ra đời với sứ mệnh cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bền vững, góp phần bảo vệ không gian sống khỏi những tác động của ô nhiễm môi trường.
Nếu đang có dự định startup một doanh nghiệp xanh và phát triển bền vững, những thuật ngữ sau chắc chắn sẽ dành cho bạn.
1. Mô hình 3P – phương pháp mới cho sự phát triển bền vững
Mô hình 3P là viết tắt của: People – Planet – Profit (Con người – Hành tinh – Lợi nhuận). Theo tiến sĩ – luật sư Julie Fraser : “Một tổ chức bền vững phải đạt được sự cân bằng hợp lý giữa trách nhiệm xã hội (con người), các nguyên tắc thân thiện với môi trường (hành tinh) và lợi nhuận kinh tế (lợi nhuận).”
Đối với các doanh nghiệp ưu tiên phát triển bền vững, việc hạn chế các chất thải độc hại, rác thải chôn lấp hay tạo một hệ sinh thái mới, đóng góp cho nguồn tài nguyên thiên nhiên đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu.
Câu chuyện về Pizza 4P’s khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng mô hình 3P vào việc vận hành doanh nghiệp vì đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể cho môi trường qua việc sử dụng nguồn cung ứng địa phương và bền vững, giúp giảm lượng khí thải carbon liên quan đến vận chuyển thực phẩm.
2. Cleantech: Công nghệ sạch của tương lai
Theo Cambridge Dictionary: Cleantech (Công nghệ sạch) là công nghệ giúp giảm thiểu hoặc tránh gây hại cho môi trường như năng lượng tái tạo hoặc phương pháp vận chuyển không gây ô nhiễm.
Cleantech đem lại những ảnh hưởng tích cực cho môi trường, giúp giảm thiểu rác thải nhựa, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương thông qua việc thu gom và phân loại rác thải nhựa, góp phần xóa đói giảm nghèo. Cleantech cũng đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn bằng những công nghệ tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm hữu ích như vật liệu xây dựng, thân thiện với môi trường.
3. Eco – Entrepreneurship: Doanh nghiệp sinh thái
Doanh nghiệp sinh thái là những doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, công nghệ, dịch vụ bền vững, thân thiện với môi trường, không chỉ tạo ra lợi nhuận trong kinh doanh mà đồng thời còn góp phần giảm thiểu các vấn đề về ô nhiễm.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp sinh thái ra đời ngày càng nhiều và nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình. Nổi bật là Mekong Rustic – mô hình du lịch chuyên xây dựng các tour khám phá chú trọng vào trải nghiệm của du khách, cho họ cơ hội hòa vào cuộc sống của người dân Việt Nam như: đi chợ nổi, bắt cá, ghé thăm các làng nghề truyền thông,…
4. Eco-friendly packaging: Giải pháp win – win cho doanh nghiệp và môi trường
Eco-friendly packaging (Bao bì thân thiện với môi trường) là những bao bì được làm từ vật liệu tái chế, ít tác động đến mức tiêu thụ năng lượng hoặc tài nguyên thiên nhiên và có thể tái sử dụng nhiều lần như xốp axit polylactic (PLA) – loại xốp làm từ thực vật lên men như ngô, khoai mì,… và giấy bọc chống sốc.
Bao bì bền vững giúp doanh nghiệp tiết kiệm các chi phí sản xuất và xử lý rác thải, đồng thời đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
5. Circular business model: mô hình kinh tế tuần hoàn
Theo báo cáo về kinh doanh tuần hoàn của OECD: Mô hình kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp tạo ra các giá trị bền vững bằng cách thiết kế các sản phẩm, dịch vụ và hệ thống ưu tiên tuổi thọ, tái sử dụng, tân trang và tái chế. Mô hình này trái ngược với nền kinh tế truyền thống, nơi sản phẩm được sản xuất, sử dụng và xử lý như chất thải.
Hiện nay, kinh tế tuần hoàn đang trở nên phổ biến vì tác động tích cực đến môi trường, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc xử lý chất thải từ việc tái chế vật liệu. Nhờ vậy lợi nhuận được cải thiện đáng kể.
IKEA- nhà bán lẻ nội thất và đồ gia dụng của Thuỵ Điển là ví dụ nổi bật về việc áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc thiết kế sản phẩm bền vững, có thể sửa chữa, thu hồi và tái chế đồ nội thất cũ ở một số quốc gia.
Nhu cầu và nhận thức về sự phát triển bền vững và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của mọi người ngày càng được nâng cao. Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp xanh không chỉ tạo nên một tương lai bền vững mà còn là những nhà tiên phong trong một thị trường đang phát triển có ý thức và đóng góp tích cực cho việc bảo vệ môi trường. Đây không còn là một khái niệm xa vời mà là mô hình thực tế mà các startup có thể áp dụng cho doanh nghiệp của mình trong thời gian tới.
Rachel Võ trên VCTR