Quốc hội quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm dừng dự án này.
Nội dung trên nêu tại Nghị quyết kỳ họp thứ 8, được Quốc hội thông qua chiều 30/11.
Theo đó, Chính phủ được giao bố trí nguồn lực thực hiện việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo kết luận của cấp có thẩm quyền. Chính phủ cũng cần giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa, bổ sung luật liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Như vậy, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được khởi động lại, sau 8 năm tạm dừng.
Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Do đó, phát triển nguồn điện này giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 theo cam kết tại COP26.
Chưa kể, phát triển điện hạt nhân giúp Việt Nam có cơ hội tranh thủ thu hút nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao qua các chương trình hợp tác và tạo cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp lĩnh vực này.
Địa điểm chọn đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ. Đây là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
Chính phủ cho biết sau khi được duyệt chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sẽ giao các cơ quan, bộ, ngành rà soát, cập nhật định hướng phát triển điện hạt nhân trong các chiến lược phát triển có liên quan như chiến lược phát triển năng lượng, ngành điện… Nhà chức trách sẽ lập Quy hoạch phát triển điện hạt nhân, trong đó làm rõ tiềm năng phát triển các loại hình, gồm quy mô lớn, nhỏ hay siêu nhỏ.
Phát triển điện hạt nhân sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người, môi trường và hiệu quả đầu tư, theo Chính phủ.
Tại Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chiều 30/11 nêu các quy định chung về phát triển loại năng lượng này. Theo đó, quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, phù hợp với quy hoạch điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng. Việc đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động, bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử, các luật khác liên quan.
Tính đến cuối tháng 8, thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 373.735 MWe và 62 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971 MWe. Điện hạt nhân cung cấp khoảng 10% điện năng sản xuất trên toàn thế giới và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước. Bên cạnh 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.
Hiện công nghệ điện hạt nhân đã phát triển, chủ yếu là xây mới lò phản ứng nước nhẹ (LWR) công nghệ thế hệ III+; nghiên cứu, hoàn thiện lò phản ứng thế hệ IV và thương mại hóa lò công suất nhỏ kiểu module (SMR). Công nghệ điện hạt nhân hiện cũng được nghiên cứu phát triển để hỗ trợ khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, phát huy hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp.
Theo VnExpress