Tây Nguyên được quy hoạch là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn, hình thành các khu vực sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước…
Và Tây nguyên cũng đồng thời sẽ hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định rõ những mục tiêu mà vùng Tây Nguyên hướng tới.
MỞ HƯỚNG PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN “NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG”
Vùng Tây Nguyên bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 tỉnh gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tổng diện tích tự nhiên là 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên cả nước, dân số gần 6 triệu người với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có gần 2,2 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tây Nguyên từ lâu không chỉ là “phên giậu” quốc gia, mà còn là địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của cả nước; đồng thời thuộc vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Quyết định 371/QĐ-TTg đặt mục tiêu đến năm 2050, Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nơi đây sẽ hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và là trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia; đồng thời hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách.
Với đặc thù không gian sinh thái, giàu bản sắc văn hóa, hệ sinh thái rừng Tây Nguyên được Đảng, Chính phủ quan tâm bảo tồn và phát huy để trở thành nền tảng phát triển vùng; trong đó coi trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
Xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Với lợi thế sẵn có của mình, Tây Nguyên sẽ phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng.
Tập trung phát triển các cây trồng chủ lực gồm cây công nghiệp (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, dâu, bông vải, mía,…), cây ăn quả (sầu riêng, bơ, chanh leo, chôm chôm, mít,…), dược thảo dược liệu, sâm Ngọc Linh, rau quả, hoa ôn đới gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu; phát triển các vùng chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thuỷ sản tập trung; thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm).
Nơi đây cũng sẽ hình thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp vùng và hành lang kinh tế; liên kết các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa các địa phương.
Tây Nguyên còn có lợi thế về rừng. Vì vậy, sẽ hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp nhằm nâng cao đời sống của người làm nghề rừng; đồng thời cũng cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia.
Hình thành các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển kinh tế rừng, khuyến khích trồng rừng sản xuất ở những nơi có điều kiện phù hợp về đất đai, tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản. Tiếp tục phát triển bền vững các vùng nguyên liệu bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến lâm sản…
HÀI HÒA GIỮA HIỆN ĐẠI VÀ TRUYỀN THỐNG
Tây Nguyên không chỉ là “nóc nhà”, là “phên giậu”, Tây Nguyên còn được ví như “lá phổi xanh” của khu vực và quốc gia.
Theo Quyết định số 816/QĐ-BNN-KL ngày 20/3/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023, tính đến 31/12/2023, tổng diện tích rừng vùng Tây Nguyên là 2,59 triệu ha (cả nước 14.860.309 ha); trong đó, rừng tự nhiên chiếm 2,1 triệu ha và rừng trồng là 0,49 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng là 46,34%.
Con số cụ thể chia ra như sau: Kon Tum 632,9 ngàn ha, gồm 552,3 ngàn ha rừng tự nhiên và 80,6 ngàn ha rừng trồng; Gia Lai: 650 ngàn ha, gồm 478,7 ngàn ha rừng tự nhiên và 171,3 ngàn ha rừng trồng; Đắk Lắk: 506,6 ngàn ha, gồm 411 ngàn ha rừng tự nhiên và 94,7 ngàn ha rừng trồng; Đắk Nông: 258,1 ngàn ha, gồm 196 ngàn ha rừng tự nhiên và 62,1 ngàn ha rừng trồng; và Lâm Đồng: 538 ngàn ha, gồm 454,7 ngàn ha rừng tự nhiên và 83,3 ngàn ha rừng trồng.
Các con số trên cho thấy sự không đồng đều về độ che phủ rừng ở từng địa phương riêng lẻ. Như Gia Lai hiện sở hữu diện tích rừng che phủ cao, đồng thời tỷ lệ rừng trồng cũng cao so với rừng tự nhiên, nhưng Đắk Lắk lại có có độ bao phủ rừng rất thấp, cả rừng tự nhiên và rừng trồng.
Điều này cho thấy tình trạng suy giảm diện tích và chất lượng rừng vẫn diễn ra mạnh mẽ; mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển sản xuất lương thực, phát triển cây công nghiệp dài ngày với bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; tình trạng dân di cư tự do đang là vấn đề lớn gây áp lực vào rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp.
Mục tiêu bảo vệ, khôi phục, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn đến năm 2030 đạt diện tích 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%.
Để Tây Nguyên hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, quy hoạch vùng đặt trọng tâm phát triển ngành dịch vụ trong mối quan hệ tương hỗ phát triển với các ngành nông nghiệp, công nghiệp; tập trung phát triển thị trường cung ứng và tiêu thụ trong vùng và ngoài vùng theo các hành lang kết nối vùng và với cảng biển lớn ra các thị trường quốc tế.
Trong đó, phát triển thương mại hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với điều kiện đặc thù của thị trường khu vực đô thị, nông thôn. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa qua biên giới trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng ở một số cửa khẩu quốc tế chính.
Trong mục tiêu, định hướng phát triển xanh và bền vững, Tây Nguyên cũng tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch đặc thù theo các địa bàn trọng điểm, gắn với di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, văn hóa cà phê và du lịch cộng đồng.
Theo VnEconomy.