Ông Lê Anh Sơn, Tổng Giám đốc Phenikaa-X cho biết, dựa trên yêu cầu bài toán từ Samsung Electronics Thái Nguyên (SEVT), Phenikaa-X đã nghiên cứu và phát triển giải pháp robot AMR Pallet Mover cho kho hàng của Samsung trong thời gian 4 tháng.
Tháng 4/2024, Phenikaa-X, thành viên của Tập đoàn Phenikaa đã bàn giao cho Nhà máy Samsung Electronics Thái Nguyên (SEVT). Nhờ đó, SEVT trở thành nhà máy Samsung Electronics đầu tiên trên toàn thế giới triển khai robot AMR Pallet Mover vào hoạt động.
AMR Pallet Mover có khả năng chịu tải trọng lên đến 1.000 kg, không cần bất cứ ai điều khiển, chúng có thể hoàn toàn tự động tìm đường đi, lấy và chuyển hàng. ThS. Khổng Minh – Trưởng phòng Robotics của Phenikaa X – chia sẻ, 1 robot AMR Pallet Mover có thể thay thế cho 6 lao động, có thể làm việc liên tục 8-10 tiếng, sau đó mất 2 phút rưỡi để thay pin và tiếp tục hoạt động.
Ông Lê Anh Sơn – Tổng giám đốc của Phenikaa-X đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện một doanh nghiệp Việt Nam sở hữu công nghệ lõi để tạo ra những chú robot tự hành.
Cuộc hợp tác với Samsung diễn ra như thế nào, thưa ông?
Samsung đã liên hệ với Phenikaa-X. Yêu cầu của Samsung là muốn tạo ra một robot tự động hoàn toàn, không cần sự điều khiển trực tiếp từ con người. Robot này sẽ có khả năng tự giao tiếp với các hệ thống khác để xử lý thông tin. Chẳng hạn, nếu hệ thống quản lý kho báo thiếu một sản phẩm nào đó, robot sẽ tự động hiểu và tự mình đi lấy sản phẩm đó.
Để thực hiện yêu cầu của Samsung, bài toán đặt ra là việc tích hợp robot vào hệ thống quản lý kho của Samsung, đòi hỏi kỹ thuật viên phải sử dụng một ngôn ngữ lập trình khác biệt. Điều này tạo ra thách thức cho những đơn vị chỉ phân phối robot và hỗ trợ kỹ thuật bởi vì phải là những đơn vị trực tiếp tạo ra robot mới có đủ khả năng để thực hiện việc này.
Samsung đã tiếp cận nhiều nhà cung cấp robot trong nước, tuy nhiên, do hầu hết các đơn vị ở Việt Nam chỉ đóng vai trò nhà phân phối mà không phải nhà sản xuất, nên họ không có khả năng thực hiện yêu cầu này và đã từ chối.
Sau đó, Samsung tiến hành kiểm tra và phỏng vấn những đối tác đã nhận bài toán, đánh giá khả năng của đội ngũ, cách họ tích hợp hệ thống và khả năng đáp ứng của cơ sở vật chất… trước khi quyết định chọn đơn vị nào để hợp tác. Cuối cùng, Phenikaa-X đã được chọn.
Tại sao Samsung lại lựa chọn một doanh nghiệp Việt Nam mà không phải là công ty nước ngoài có thương hiệu hơn?
Có nhiều công ty robot khắp thế giới sẵn lòng cung cấp sản phẩm cho nhà máy của Samsung. Phía Samsung cũng không nhất thiết phải hợp tác với một đối tác ở Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố quyết định khiến Samsung chọn Phenikaa-X là khả năng nghiên cứu phát triển (R&D) và đang hoạt động tại Việt Nam.
Làm chủ toàn bộ công nghệ lõi của sản phẩm robot tự hành nên Phenikaa-X có thể thay đổi và tích hợp sản phẩm với các hệ thống của khách hàng một cách linh hoạt.
Trong khi đó, các đơn vị sản xuất robot ở nước ngoài đã sản xuất hàng loạt rồi sẽ không dành thời gian cho việc R&D cụ thể cho từng khách hàng. Họ không muốn thay đổi chức năng của robot để phù hợp với yêu cầu đặc biệt của một đơn vị cụ thể vì điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng bán hàng và sản xuất hàng loạt của họ. Còn Phenikaa-X sẵn sàng đồng hành với Samsung để làm việc này.
Bên cạnh đó, vì chúng tôi hoạt động tại Việt Nam nên có thể nhanh chóng hỗ trợ Samsung khi có sự cố, không như các công ty nước ngoài phải mất thời gian chờ một chuyên gia bay sang và chi phí phải trả thường rất cao. Điều này tạo ra một điểm mạnh quan trọng của Phenikaa-X trong việc cung cấp dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ.
Có khó khăn gì trong quá trình cung cấp robot?
Vấn đề lớn nhất liên quan đến bảo mật. Do yêu cầu bảo mật cao của Samsung, việc xác nhận và cấp quyền truy cập vào hệ thống của họ để phân tích và chuẩn bị cho tích hợp là một vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, Samsung xem dự án này như một phần của hoạt động R&D của toàn tập đoàn, do đó họ đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho kỹ thuật viên của Phenikaa-X tiếp cận với thông tin cần thiết.
Bên cạnh đó là việc tối ưu hóa không gian kho để phù hợp với việc vận hành robot tự động cũng là một thách thức lớn đòi hỏi sự thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng từ cả hai bên. Câu hỏi là cần phải thay đổi cách sắp xếp kho hay chỉnh sửa thông số kỹ thuật của robot?
Cuối cùng là phải thay đổi cả hai, mỗi bên đều phải nhường nhịn một chút.
Robot tự hành có chia cấp bậc như xe tự hành không? Nếu có, Robot của Phenikaa-X đạt cấp độ nào?
Robot ít chia thành cấp bậc rõ ràng như xe tự hành nhưng cũng đánh giá dựa trên mức độ tự hành, tức là tự hành hoàn toàn là cấp 5.
Tuy nhiên, để đạt được cấp độ 5 thực sự rất khó khăn do yêu cầu robot phải có khả năng tự động tích hợp hoàn hảo với hệ thống của nhiều công ty khác nhau, mà mỗi công ty lại sử dụng phần mềm riêng biệt, nên có thể coi là Phenikaa-X hiện đang sản xuất robot có thể xếp vào loại cấp độ 5-.
Khả năng nhân rộng sản xuất của robot Phenikaa-X?
Khi đã có khách hàng thì khả năng nhân rộng sản phẩm của Phenikaa-X rất đơn giản.
Thông tin về việc Phenikaa-X cung cấp robot cho nhà máy Samsung đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư FDI. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải đào tạo thị trường, truyền thông về độ hiệu quả của sản phẩm, Phenikaa-X sẽ có cơ sở để mở rộng sản xuất hàng loạt.
Chủ tịch Phenikaa-X Hồ Xuân Năng là một doanh nhân rất quan tâm đến Khoa học- Kĩ thuật. L à người làm việc trực tiếp v ới ông Năng trong mảng công nghệ, ông thấy những điều gì thể hiện được cái tâm huyết của ông Năng trong lĩnh vực này?
Tôi quyết định trở lại Phenikaa một phần vì thấy được sự đam mê khoa học của anh Hồ Xuân Năng. Anh ấy là người đầy tình yêu với khoa học, sở hữu kiến thức uyên thâm và phong cách suy nghĩ độc đáo. Anh Hồ Xuân Năng luôn sẵn lòng thử nghiệm với các dự án khoa học và không ngại đầu tư hoặc đối mặt với thất bại.
Trong ngành công nghệ, thất bại không phải là điều hiếm gặp vì công nghệ luôn thay đổi và cạnh tranh liên tục. Mặc dù vậy, cơ hội để phát triển vẫn rất lớn và sau khi đã phát triển thành công, nguy cơ thất bại sẽ giảm đi nhờ vào việc đa dạng hóa sản phẩm dựa trên một nền tảng công nghệ lõi.
Toàn bộ vốn của Phenikaa-X vẫn đến từ tập đoàn Phenikaa, có khi nào xảy ra tình trạng “hết tiền” và cần tìm nhà đầu tư mới không?
Trước khi Phenikaa đầu tư vào một lĩnh vực nào, tập đoàn đã lập kế hoạch rõ ràng cho các giai đoạn phát triển 3 năm, 5 năm, cụ thể về việc sử dụng vốn và đặt ra các KPI để kiểm soát hàng tháng. Trong chiến lược này bao gồm nhiều chỉ tiêu cụ thể liên quan đến công nghệ, khách hàng và các phương diện khác. Mỗi tháng, họ sẽ đánh giá lại việc thực hiện các KPI để đảm bảo rằng mọi hoạt động phù hợp với chiến lược đề ra.
Cách tiếp cận này khác biệt so với các tổ chức khác, vì Phenikaa không chỉ đặt KPI hàng năm mà còn chia nhỏ thành các mục tiêu hàng tháng, quý, nửa năm để đảm bảo rằng mục tiêu liên tục được theo dõi và đánh giá dựa trên chiến lược đã định. Do đó, mọi thứ đều theo kế hoạch.
Sau 4 năm thành lập, ông đánh giá Phenikaa-X đang ở trong giai đoạn nào của một startup và khả năng phát triển của Phenikaa-X?
Phenikaa-X hiện vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, tuy nhiên, các startup nếu thất bại thường sau khoảng 2 – 3 năm, Phenikaa-X đã đi được đến năm thứ 4 cho thấy doanh nghiệp đang có tiềm năng phát triển rất lớn.
Phenikaa-X cũng đang tích cực phát triển đa dạng hóa sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ tự hành, bao gồm xe tự hành, máy bay không người lái và robot tự hành vận chuyển hàng hóa (loại dành cho nhà máy và loại dành cho quán cà phê, nhà hàng). Gần đây, Phenikaa-X đang triển khai robot tự hành trong lĩnh vực y tế tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội và bệnh viện 199 tại Đà Nẵng. Những robot này có khả năng vận chuyển các mẫu phẩm đến khu vực xét nghiệm, và có thể thay thế 2 – 3 nhân viên làm việc tương đương.
Về xe tự hành, Phenikaa-X đang chạy thử nghiệm ở Bình Dương. Tổng km thử nghiệm trong các môi trường khác nhau đã chạy được khoảng 25.000 km và đang chờ đợi các quy định pháp luật từ Chính phủ liên quan đến việc cho phép xe thông minh chạy trên đường để có thể chính thức thương mại hóa, sau đấy Phenikaa-X có thể sẽ triển khai robot taxi.
Với lĩnh vực công nghệ đòi hỏi phải có một đội ngũ R&D chất lượng, chiến lược thu hút nhân sự của Phenikaa-X như thế nào?
Trong chiến lược nhân sự, Phenikaa-X có lợi thế là có sự hỗ trợ của Phenikaa Uni. Sinh viên mới ra trường từ Phenikaa Uni có kỹ năng tốt và có năng lực làm việc thường ở lại làm việc tại Phenikaa-X do các bạn đó đã được đào tạo, thực hành và thực tập tại công ty và đã quen thuộc với môi trường làm việc tại Phenikaa-X. Điều này giúp cân bằng giữa mong muốn có mức lương cao và môi trường làm việc tốt. Phenikaa-X muốn tạo ra một môi trường làm việc khiến nhân viên cảm thấy an tâm và muốn gắn bó lâu dài, như một ngôi nhà thực sự.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường robot trong nước?
Xu hướng toàn cầu hiện nay đang chuyển dần sang sử dụng robot để tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu rủi ro liên quan đến lao động con người. Tại Việt Nam, dự báo trong vòng 3-5 năm tới, quá trình ứng dụng robot vào sản xuất sẽ diễn ra nhanh chóng. Robot có thể làm việc không mệt mỏi, luôn đúng giờ và tuân thủ mọi thao tác, qua đó hạn chế sự chậm trễ của 1 khâu nào đó trong chuỗi sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho các đơn vị.
Đối tượng khách hàng và Phenikaa-X đang nhắm đến là gì?
Thị trường mục tiêu của Phenikaa-X bao gồm thị trường quốc tế và các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp ở nước ngoài thường sẵn lòng chi trả một mức giá cao cho các giải pháp tự động di chuyển do hiệu quả của chúng. Trong khi đó, việc triển khai các giải pháp tại Việt Nam giúp Phenikaa-X chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của sản phẩm.
Các doanh nghiệp FDI cũng thường có cái nhìn khác biệt so với doanh nghiệp nội địa về việc đầu tư vào công nghệ tự động như robot. Họ có xu hướng nhìn nhận mức chi phí đầu tư cho robot là hợp lý, thậm chí là bình thường, vì họ so sánh chi phí đó với chi phí hàng năm phải trả cho công nhân.
Nếu robot có thể thay thế được hai ca làm việc của công nhân, chi phí đầu tư cho robot sẽ tương đương với chi phí trả cho công nhân hàng năm, do đó họ sẵn sàng đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng so sánh chi phí đầu tư ban đầu cho một công nhân (khoảng 10 triệu đồng) với chi phí đầu tư cho một robot (khoảng 1 tỷ đồng) và coi đó là một khoản đầu tư quá lớn không khả thi.
Bên cạnh đó, các FDI hầu hết đã có lộ trình về cam kết về giảm thải và không carbon trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới bắt đầu xây dựng chiến lược cho quá trình này. Sự áp dụng robot vào sản xuất không chỉ tạo ra sự tự động hoá mà còn hỗ trợ cho chiến lược giảm thải carbon. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi xe cộ sử dụng trong nhà máy cũng góp phần vào lượng thải khí nhà kính hàng năm, và việc sử dụng robot có thể giảm đáng kể lượng phát thải này.
Những sản phẩm Phenikaa-X đã làm tại Việt Nam một phần là để chứng minh là nó sử dụng được và nó có hiệu quả, mang tính chất giới thiệu tới những doanh nghiệp nước ngoài.
Nếu đánh ra thị trường nước ngoài, robot của Trung Quốc rất mạnh, làm thế nào Phenikaa-X cạnh tranh được với doanh nghiệp Trung Quốc?
Chúng tôi cũng coi các doanh nghiệp Trung Quốc là đối thủ lớn nhất trong việc bán hàng bởi vì giá của các robot Trung Quốc khá cạnh tranh. Tuy nhiên, Phenikaa-X đánh giá cao chất lượng sản phẩm của mình, tương đương với các tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, và do đó không quá lo ngại trước sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Với việc sở hữu công nghệ lõi, giá cả phải chăng, cùng với dịch vụ hỗ trợ tốt, Phenikaa-X tin tưởng vào khả năng cạnh tranh của mình.
Tùy thuộc vào yêu cầu của từng khách hàng, một số có thể chọn sản phẩm dựa trên giá cả, trong khi những người khác tìm kiếm trải nghiệm tốt nhất, không mắc sai sót hoặc tích hợp tốt với hệ thống của họ mà không quan tâm nhiều đến giá.
Bên cạnh đó, mối quan hệ ngoại giao tốt của Việt Nam với các quốc gia khác cũng là lợi thế, giúp mở rộng thị trường.
Được biết, ông cũng đang cùng với ông Nguyễn Tuấn Anh – cựu CEO Grab Việt Nam khởi nghiệp với startup chế tạo robot giao hàng tự lái đầu tiên Made in Vietnam, dự án này đang ở giai đoạn nào? Giao thông Việt Nam được đánh giá là khá hỗn loạn, theo ông liệu sản phẩm robot tự hành có phù hợp với cả giao thông ở Việt Nam?
Hiện nay Phenikaa-X vẫn đang cùng nghiên cứu và cung cấp công nghệ cho robot giao hàng tự lái và vẫn đang chạy thử ở các khu đô thị để thu thập dữ liệu.
Đối với những người làm kỹ thuật, càng hỗn loạn lại càng thích, thách thức càng lớn thì hứng thú giải quyết càng cao. Nếu như chúng tôi có thể giải quyết được việc đó đồng nghĩa với việc ở đâu nó cũng chạy được. Nếu robot chạy được ở đường Hà Nội thì chạy ở Nhật Bản hay Hàn Quốc là quá dễ. Đây là mục tiêu chúng tôi cũng đang cố gắng để giải quyết.
Tuy nhiên, thực ra đối với tôi, sự hỗn loạn của giao thông Việt Nam không phải điều đáng lo mà thứ đáng lo là hành vi của người đi đường, điều này thì khó đoán trước được. Điều này khác biệt rõ rệt so với môi trường giao thông ở nước ngoài, nơi mọi người thường tuân theo luật lệ một cách nghiêm ngặt hơn và có xu hướng giữ khoảng cách với xe tự hành để đảm bảo an toàn. Ở Việt Nam, điểm rất lạ là một số người lại có xu hướng lạng lách, đánh võng trước xe tự hành để quan sát phản ứng của xe khi gặp tình huống bất ngờ.
Theo Nhịp sống thị trường