Về dài hạn, xét về mô hình kinh tế vĩ mô, thế giới sẽ từng bước chuyển dịch các hoạt động đầu tư “nâu” sang các hoạt động đầu tư “xanh”. Hay nói cách khác, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh đã, đang và sẽ là mục tiêu và sự lựa chọn có tính thời đại và mang tầm vóc toàn cầu của thế giới trên hành trình phát triển bền vững trong tương lai.
Lạm dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên và gia tăng những chất thải độc hại trong quá trình phát triển của loài người đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy và thách thức về ô nhiễm môi trường, khủng hoảng sinh thái, biến đổi khí hậu, thậm chí là những nguy cơ hiện hữu đe dọa sự tồn vong của chính xã hội loài người. “Kinh tế xanh” (Green Economy) là một lựa chọn tất yếu có tính thời đại và mang tầm vóc toàn cầu để ứng phó với nguy cơ mang tính thảm họa nhân loại này.
Về bản chất, phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là thực hiện sự phát triển bền vững trong điều kiện mới, nâng cao GDP, cải thiện chất lượng cuộc sống gắn liền với mục tiêu chung là giữ gìn, tái tạo lại môi trường, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế với môi trường, còn chiến lược phát triển và phương thức thực hiện phải căn cứ vào điều kiện thực tế của từng quốc gia và giai đoạn cụ thể.
Một nền kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội và ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và mất cân bằng hệ sinh thái. Khác với nền kinh tế nâu, đầu tư công trong kinh tế xanh cần phải ưu tiên cho duy trì và phát triển nguồn vốn tự nhiên, nhất là những nguồn tài sản thuộc sở hữu chung, mang lại lợi ích cho mọi người. Sự đầu tư đó cũng cần chú ý tới nhóm người nghèo, bởi sinh kế và an sinh của họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên và họ là những đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai cũng như sự biến đổi khí hậu.
Kinh nghiệm quốc tế về phát triển phát triển xanh.
Về dài hạn, xét về mô hình kinh tế vĩ mô, thế giới sẽ từng bước chuyển dịch các hoạt động đầu tư “nâu” sang các hoạt động đầu tư “xanh”. Hay nói cách khác, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh đã, đang và sẽ là mục tiêu và sự lựa chọn có tính thời đại và mang tầm vóc toàn cầu của thế giới trên hành trình phát triển bền vững trong tương lai. Bước ngoặt đáng ghi nhận trong nỗ lực này là tại Hội nghị của các quan chức cấp Bộ trưởng do UNEP tổ chức ở Nairobi, Kenya (tháng 02/2011) nhằm chuẩn bị nội dung và thảo luận những vấn đề cần đưa ra bàn thảo và thống nhất để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường năm 2012 ở Rio de Janeiro, Brazil, các quốc gia cơ bản nhất trí mục tiêu hướng tới của các nền kinh tế toàn cầu là kinh tế xanh, trong đó cần chú trọng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Với tinh thần đó, kinh tế xanh đã mở ra một hướng tiếp cận rộng hơn cả về nhận thức và thực tiễn chính sách kinh tế, nhất là chính sách đầu tư công cho khôi phục tài nguyên và môi trường cấp vĩ mô và vi mô, phạm vi quốc gia và trên toàn thế giới.
Trung Quốc là một ví dụ điển hình về sự cấp thiết lựa chọn tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh. Sau hơn 45 năm mở cửa và phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng, bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng, thiếu hụt lớn nguồn tài nguyên và năng lượng cho phát triển kinh tế.
Thách thức đó đã buộc Trung Quốc phải chuyển dịch từ phương thức phát triển kinh tế tiêu hao nhiều tài nguyên sang phương thức tiết kiệm tài nguyên, nhấn mạnh bảo vệ môi trường và GDP xanh, khuyến khích đổi mới kỹ thuật, sản xuất xanh và phát triển bền vững. Thành phố Thẩm Dương và thành phố Đại Liên, Trung Quốc đang tiến hành quy hoạch lại các nhà máy sản xuất cũ gây ô nhiễm đang được thay thế dần, các khu bãi rác nay đã trở thành quảng trường vui chơi giải trí, hệ thống giao thông có giải phân cách xanh và trồng hoa, nước thải được thu gom xử lý. Các khu công nghiệp mới có sự lựa chọn và thay đổi kết cấu ngành nghề so với trước đây, trong đó phát triển 5 lĩnh vực chính là công nghệ môi trường, chế tạo ôtô sử dụng năng lượng mới thân thiện với môi trường, sản xuất điện bằng năng lượng gió và mặt trời, du lịch và công nghệ cao được ưu tiên mời gọi đầu tư. Trung Quốc đang hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển theo hướng carbon thấp và tăng trưởng xanh, với kỳ vọng sẽ tạo ra sức cạnh tranh của các ngành sản xuất của Trung Quốc trên thị trường thế giới.
Ở Hoa Kỳ, kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, đang có sự xem xét lại và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm, áp dụng chiến lược “tái công nghiệp hóa”. Tháng 11/2009, Tổng thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ phải chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững. Trong chiến lược tái công nghiệp hóa cho giai đoạn 10 năm tới nhằm phát triển công nghệ mới, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hoa Kỳ muốn trở thành nước đi đầu trong công nghệ sạch. Hướng tiếp cận mới theo “kinh tế carbon thấp”, giảm thiểu phát thải khí nhà kính được thể hiện trong một số đạo luật đang được đưa ra bàn thảo để đi đến quyết định ban hành, như đạo luật AB 32 liên quan đến tiêu chuẩn môi trường, giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm và phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Cách tiếp cận ở Hoa Kỳ luôn lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế để thực thi chính sách, động lực thị trường thúc đẩy đổi mới công nghệ, thực thi bảo vệ môi trường có khoa học và kế hoạch rõ ràng theo từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, tùy theo đặc trưng từng vùng mà có kế hoạch khác nhau.
Ở các nước Tây Âu và Nhật Bản, xu hướng phát triển cũng hướng tới nền kinh tế sạch và phát triển nền kinh tế xanh. Trước đó, các nước này đã trải qua một thời kỳ dài của quá trình công nghiệp hóa và phải trả giá cho vấn đề suy giảm tài nguyên và chất lượng môi trường. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, xu hướng phát triển đã có sự thay đổi, quan điểm thân thiện với môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên thông qua chuyển đổi mô hình phát triển, đầu tư vào khoa học và công nghệ, xử lý ô nhiễm, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải (3R). Hiện nay đang hướng tới lộ trình thực hiện và thúc đẩy các ngành sản xuất sạch và phát triển các ngành carbon thấp mới hình thành, nằm trong hệ thống kinh tế toàn cầu của nhóm nước công nghiệp phát triển (OECD), Tây Âu ra sức thúc đẩy đưa các chỉ tiêu về carbon thấp vào hệ thống quy định quốc tế, với sự ra đời của tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế về “dấu chân carbon” đã mở màn cho quá trình này.
Ở Đức, lĩnh vực công nghệ môi trường có thể sẽ phát triển gấp 4 lần và chiếm 16% ngành sản xuất công nghiệp từ nay đến năm 2030, mang lại nhiều việc làm hơn cả trong lĩnh vực sản xuất xe hơi và máy móc – hai ngành công nghiệp mũi nhọn của Đức. Ngân hàng Thế giới (WB) đã tính toán: 148 tỷ USD đã được đầu tư vào các ngành công nghệ sạch vào năm 2007, tăng 60% so với năm 2006. Còn Nhật Bản tích cực xu hướng giảm thiểu carbon thông qua Nghị định thư Kyoto, thực hiện triệt để 3R và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Từ cuối năm 2009, Nhật Bản đã thực hiện phát động chiến lược tăng trưởng mới, tập trung vào hai ngành công nghiệp mới là ngành môi trường và năng lượng, ngành y tế.
Nhóm các nước mới nổi lên nhờ quá trình công nghiệp hóa như Hàn Quốc, Singapore từ những năm 80 của thế kỷ XX không phải trả giá nhiều cho môi trường nhờ tiếp nhận công nghệ mới của các nước công nghiệp phát triển và những bài học kinh nghiệm của các nước đó trước đây. Mô hình phát triển của các nước này ngay từ đầu đã chú trọng tới môi trường và tiết kiệm tài nguyên, chính vì vậy họ đã rút ngắn khoảng cách phát triển, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế mà còn chú trọng tới môi trường. Hiện nay, các nước này tiếp tục phát triển theo xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế carbon thấp và hướng tới nền kinh tế xanh. Từ năm 2008, Hàn Quốc đã dành 80% trong gói kích cầu kinh tế khoảng 38,1 tỷ USD để dùng cho sự chuyển dịch từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh. Mới đây, tại hội chợ Barcelona, hãng Samsung ra mắt mẫu điện thoại di động đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng mặt trời, báo hiệu công nghệ xanh được ứng dụng sang các sản phẩm đời sống số. Hàn Quốc còn đầu tư gần 40 tỷ USD trong 4 năm tới nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật xanh cùng công nghiệp mũi nhọn tổng hợp. Chính phủ Hàn Quốc cũng cho xây dựng hệ thống vận tải xanh, bao gồm đường sắt thải ít khí carbon và 3.000 km đường xe đạp quanh bốn con sông xanh. Khoảng 2 triệu ngôi nhà xanh và văn phòng làm việc sử dụng ít năng lượng và điện sẽ được xây dựng tại quốc gia này.
Các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo và trình độ phát triển trung bình ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh có trình độ công nghệ thấp hơn các nước phát triển, sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khai thác và xuất khẩu tài nguyên, lao động giá rẻ, sẽ bị lôi kéo vào xu thế phát triển mới. Tuy nhiên, theo nội hàm phát triển kinh tế xanh, đây sẽ là cơ hội cho các nước này tham gia để khôi phục nguồn tài nguyên tái tạo, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ môi trường, tăng phúc lợi và giảm nghèo. Việc tiếp cận mô hình phát triển kinh tế xanh sẽ đặt ra nhiều thách thức, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ và năng lực thực thi. Để vượt qua được những thách thức đó, các nước đang phát triển không chỉ phải phát huy nội lực, mà còn cần sự trợ giúp của các nước phát triển, nhất là nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực thực thi.
Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, ví dụ như Lào cũng đang trong quá trình xây dựng một lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia. Campuchia cũng đang nỗ lực xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết sau khi ban hành lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia.
Có thể thấy, kinh tế xanh, phát triển bền vững đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Nguồn: dangcongsan.vn