Trong 3 tiêu chuẩn ESG, quản trị (G) có tác động lớn nhất đến tài chính và sự phát triển trường tồn của doanh nghiệp. Thế nhưng, quản trị bền vững liệu có phải chỉ dành cho doanh nghiệp “giàu”?
Quản trị tốt – bí kíp để doanh nghiệp có thể phát triển trường tồn
ESG (Environmental (môi trường) – Social (xã hội) – Governance (quản trị) là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bộ tiêu chuẩn này đo lường định hướng, hoạt động của một doanh nghiệp ở các phương diện môi trường, xã hội và quản trị, sẽ giữ vai trò quan trọng, đảm bảo trạng thái phát triển bền vững trong dài hạn cho tổ chức và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Trong 3 yếu tố E, S, G thì quản trị (G) là yếu tố thường được các nhà phân tích đầu tư xem xét đầu tiên. Một cuộc khảo sát ESG của Viện CFA cho thấy 67% số người được hỏi trên toàn cầu đã xem xét quản trị (G) trong phân tích và ra quyết định đầu tư của họ trước khi các yếu tố môi trường (E) và xã hội (S).
Các nghiên cứu của Viện CFA chỉ ra rằng trong 3 tiêu chuẩn ESG thì quản trị (G) có mối liên hệ rõ ràng nhất với hiệu quả tài chính. Quản trị tốt là nền tảng cho hiệu suất của công ty, về cả việc tạo ra giá trị cho cổ đông lâu dài và tạo ra sự thịnh vượng rộng lớn hơn cho xã hội và tất cả các bên liên quan.
Chia sẻ về việc quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG, ông Đỗ Cao Bảo – Ủy viên HĐQT, Chủ tịch Ủy ban Nhân sự và lương thưởng Tập đoàn FPT – cho rằng một doanh nghiệp muốn phát triển trường tồn cần xác định được giá trị cốt lõi và phải có nhân sự chia sẻ những giá trị cốt lõi đó.
“Muốn như vậy, lãnh đạo phải là người có tài năng, khát vọng lớn, có nhiều trải nghiệm thực tiễn và có năng lực lãnh đạo, quản trị… Nếu không có chiến lược nhân lực bền vững, doanh nghiệp sẽ khó phát triển lớn mạnh”, ông khẳng định.
Theo ông, nhiều doanh nghiệp lầm tưởng nhân viên cần thu nhập, nhưng bản chất đó không phải là số một. Bởi họ cần điều đầu tiên là cơ hội phát triển bản thân, tức học được bao nhiêu, tích lũy được bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu kiến thức. Nếu người nào cho điều đó là số một thì mới là nhân viên quan trọng của công ty. Tiếp đó họ cần được đánh giá đúng năng lực và đóng góp cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp nên chọn người hài hòa giữa vấn đề phát triển bản thân và thu nhập cho những vị trí chủ chốt. Nếu công ty chỉ chọn nhân viên ưu tiên thu nhập sẽ không thể thành công”, ông nói.
Không nhất thiết phải là doanh nghiệp “nhà giàu” mới làm được
Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân – cho rằng trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp nên tập trung vào việc duy trì hoạt động và phát triển cơ bản. “Nếu không có đủ nguồn lực và tài chính, mọi chiến lược bền vững sẽ trở nên vô nghĩa”, ông Lê Anh nói.
Theo ông, sau khi đạt được sự ổn định, doanh nghiệp cần chuyển hướng mạnh mẽ hơn vào các chiến lược bền vững để đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững trong môi trường kinh doanh đầy biến động như hiện nay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên xem phát triển bền vững là một khoản đầu tư mang tính chiến lược thay vì chỉ là một khoản chi phí. Bằng việc đầu tư vào phát triển bền vững và đạt được các chứng chỉ xanh, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn, đặc biệt là trong các thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ hay châu Âu.
Ông Lê Anh cũng cho rằng quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG không nhất thiết phải là doanh nghiệp “nhà giàu” mới làm được. “Với cam kết và nỗ lực không ngừng, mọi doanh nghiệp đều có thể góp phần vào sự phát triển bền vững và tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội và môi trường”, ông nhấn mạnh.
Vì vậy, doanh nghiệp chưa có nhiều tài chính cũng có thể thực hiện quản trị theo định hướng ESG bằng nhiều cách. Ông cho rằng các doanh nghiệp có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như áp dụng các biện pháp tiết kiệm và quản lý tài nguyên hiệu quả hay xây dựng chính sách và quy trình quản lý chất lượng, môi trường và an toàn lao động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp khác để học hỏi và triển khai các biện pháp ESG hiệu quả. Tham gia các hiệp hội doanh nghiệp và diễn đàn về phát triển bền vững để cập nhật thông tin và xu hướng mới.
Sau đó, doanh nghiệp có thể thiết lập các chỉ số đo lường hiệu quả của các hoạt động ESG và thực hiện báo cáo định kỳ về các hoạt động và kết quả ESG để đánh giá, cải thiện liên tục.
Cùng quan điểm với ông Lê Anh, ông Phạm Thế Hùng – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Thiết bị gia dụng Sơn Hà Bắc Ninh – cho biết từ năm 2008, khi Sơn Hà lần đầu tiến sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp này đã bắt đầu triển khai các tiêu chí ESG và nhận được nhiều hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài, đặc biệt là Đức.
“Chia sẻ về yếu tố quản trị doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tiêu chí quản trị (G) rất khó thực hiện. Nhưng bản chất, đây là vấn đề từ doanh nghiệp”, ông Hùng nói.
Theo ông, các công ty nước ngoài không hề gặp khó khăn đối với tiêu chí quản trị doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp nơi ông làm việc đã có tầm nhìn, kế hoạch và thực hiện để cải thiện vấn đề quản trị.
“Hiện, cả tập đoàn chỉ có 2 phó tổng giám đốc, không có tổng giám đốc nhưng tôi vẫn quản trị, nắm được gần 30 doanh nghiệp thành viên. Đặc biệt, với doanh nghiệp đa ngành như Sơn Hà, việc quản trị, kiểm soát doanh nghiệp càng khó hơn”, ông nói.
Ông Hùng cho rằng đối với nhiều doanh nghiệp, tiêu chí quản trị doanh nghiệp rất khó thực hiện. Tuy nhiên, đối với ông, tiêu chí này không còn khó khăn bởi lãnh đạo doanh nghiệp đã quan tâm và thực hiện vấn đề quản trị từ trước.
Bài toán vốn vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp
Ông Nguyễn Vân – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) – cho rằng doanh nghiệp cần quan tâm tới việc quản trị bền vững ngay từ khi bắt đầu sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài.
Theo ông, quản trị bền vững không chỉ được áp dụng tại các tập đoàn lớn mà các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể thực hiện. Xu hướng này tạo ra một cơ hội để kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp có trách nhiệm hơn đối với môi trường và xã hội.
Các doanh nghiệp quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG phải áp dụng các chiến lược và hoạt động kinh doanh để vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các bên liên quan trong hiện tại nhưng đồng thời cũng bảo vệ, duy trì và tăng cường nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên sẽ cần trong tương lai.
Nói với phóng viên Dân trí về những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thực thi ESG, đặc biệt đối với vấn đề quản trị, ông Mạc Quốc Anh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) – cho rằng vấn đề chi phí, bài toán vốn đang là rào cản đối với doanh nghiệp. Bởi việc áp dụng các công nghệ mới, chuyển đổi sang quy trình sản xuất bền vững thường đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, có thể gây áp lực tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng thiếu nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của phát triển bền vững do đó có tâm lý ngại đầu tư vào các giải pháp bền vững. Bên cạnh đó, họ cũng gặp khó trong việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp từ tư duy của lãnh đạo đến thói quen làm việc của nhân viên… việc này thường mất khá nhiều thời gian”, ông Mạc Quốc Anh nhìn nhận.
Theo vị này, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn gặp phải sự phản đối trong nội bộ lãnh đạo, cổ đông, nhân sự làm việc lâu dài. Họ cũng lo ngại giảm lợi nhuận trong ngắn hạn vì phải thay đổi các quy trình và áp lực từ các đối thủ cạnh tranh, khách hàng chưa sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm bền vững…
Do đó, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ về các quy định, pháp lý đồng bộ khi triển khai thực thi các tiêu chí ESG.
Theo Dân trí