Tập đoàn năng lượng quốc doanh Equinor (Na Uy) xác nhận hủy kế hoạch đầu tư vào điện gió ngoài khơi của Việt Nam, theo Reuters.
“Chúng tôi đã quyết định ngừng phát triển kinh doanh tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội”, người phát ngôn Equinor Magnus Frantzen Eidsvold nói.
Trước quyết định này, vài năm qua, tập đoàn năng lượng của Na Uy đã rút khỏi hơn chục quốc gia nơi họ có hoạt động dầu khí để tập trung vào năng lượng tái tạo và các hệ thống carbon thấp. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Equinor đóng cửa một văn phòng phụ trách phát triển điện gió ngoài khơi quốc tế. Văn phòng đại diện tại Hà Nội được mở vào tháng 5/2022.
Equinor quyết định rời khỏi Việt Nam sau khi xem xét thường xuyên danh mục tài sản năng lượng tái tạo của mình. “Ngành điện gió ngoài khơi đang phải đối mặt với nhiều trở ngại đáng kể trong thời gian gần đây và chúng tôi cần phải có kỷ luật trong cách tiếp cận của mình”, ông nói với Reuters.
Equinor là một trong những công ty năng lượng lớn nhất Na Uy, tập trung vào 3 mảng dầu khí, khí LNG và hydrogen, năng lượng tái tạo. Trong đó, Equinor đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi tại châu Âu và Mỹ. Tại Anh, họ có dự án Dogger Bank, là trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới.
Tập đoàn này niêm yết trên các sàn Oslo và New York, vốn hóa trên 73 tỷ USD. Tập đoàn năng lượng của Na Uy có doanh thu 25,46 tỷ USD trong quý kết thúc vào ngày 30/6, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 12 tháng gần đây, doanh thu giảm trên 18%, còn khoảng 105,3 tỷ USD.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 600 GW, triển vọng nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035.
Equinor cũng đánh giá Việt Nam “có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở châu Á”. Tuy nhiên, hai nguồn tin cao cấp giấu tên nói với Reuters dự báo kịch bản tốt nhất Việt Nam chỉ có thể lắp đặt khoảng 1 GW công suất điện gió ngoài khơi vào cuối thập kỷ này, do các rào cản về quy định.
Theo nhóm phân tích của WB, Việt Nam thu hút sự quan tâm của quốc tế với các kế hoạch năng lượng tái tạo nhưng chính sách chậm trễ khiến một số nhà đầu tư tiềm năng xem xét lại kế hoạch. Năm ngoái, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) dừng kế hoạch đầu tư mảng này ở Việt Nam.
Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào 2030 và tăng lên 70.000-91.500 MW vào 2050. Song hiện chưa có dự án nào được duyệt quyết định chủ trương, giao chủ đầu tư và hành lang pháp lý phát triển nguồn điện này cũng chưa rõ ràng.
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà hôm 23/8, Bộ Công Thương kiến nghị giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi. Họ cũng cho biết đang hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia đầu tư lĩnh vực này. Tuy vậy, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi cần rõ dự án, mô hình, cách triển khai… để cơ quan quản lý có căn cứ giải quyết bài toán về hành lang pháp lý, khảo sát, quy hoạch.
Theo Reuters