Trước sự kỳ vọng và tiêu chuẩn mới của người tiêu dùng, nhà đầu tư và những thay đổi trong chính sách công, các chỉ số và báo cáo ESG dần trở thành 1 phần tất yếu của doanh nghiệp.

Để bứt tốc trên đường đua tăng trưởng, cơ hội và thách thức nào cho doanh nghiệp khi:

  • 90% số người tham gia khảo sát cho biết đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách nhìn của họ với các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững?
  • 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn cho các sản phẩm, dịch vụ từ những thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”?

Trong 3 năm trở lại đây, khi COVID-19 để lại những “dư chấn” đối với môi trường, nền kinh tế, và đời sống xã hội, thì các hoạt động bền vững được quan tâm hơn bao giờ hết.

Mặc dù còn khá mới mẻ ở Việt Nam, hiện nay những tiêu chuẩn ESG – thuật ngữ viết tắt bởi ba chữ cái đầu của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị) – được xem là chìa khóa để phát triển mạnh mẽ và bền vững trong mọi lĩnh vực.

Xây dựng mô hình ESG từ yếu tố “G”

Phát triển bền vững không phải là một xu hướng, mà là tư duy trong chiến lược xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Chính vì vậy, từ góc độ của doanh nghiệp, quy trình xây dựng mô hình ESG sẽ theo thứ tự G-S-E:

  • G – Governance: Quá trình quản trị doanh nghiệp.
  • S – Social: Các mối quan hệ cả trong và ngoài doanh nghiệp như đối tác, khách hàng, công chúng, nhân viên.
  • E – Environmental: Tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Vì sao “G” lại là điểm xuất phát?

Lý giải nguyên nhân việc quản trị được coi là bước đầu tiên trên hành trình thực hiện ESG, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB – ông Trần Hùng Huy đã chia sẻ: “Nếu ESG là đích đến, thì trước tiên cần có hướng đi đúng, bởi mục tiêu ở mỗi thời điểm có thể thay đổi, nhưng hướng đi đúng sẽ giúp doanh nghiệp không rơi vào chiếc vòng luẩn quẩn của hàng trăm ngã rẽ khác nhau. Yếu tố G – Quản trị trong ESG chính là để một công ty đi đúng hướng”.

ACB đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của toàn bộ nhân viên trong việc bảo vệ môi trường | Nguồn: Ngân hàng Á Châu ACB

Trên thực tế, chữ G và S đã được ngân hàng thực hiện từ những ngày đầu thành lập. Riêng đối với yếu tố E, trong những năm gần đây, ACB đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp xanh, đồng thời nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của toàn bộ nhân viên trong việc bảo vệ môi trường.

Trong chiến lược kinh doanh, việc thực hiện mô hình ESG có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng ổn định trước những biến động, đồng thời tiếp cận và nắm bắt cơ hội đầu tư, hợp tác và mở rộng thị trường. Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, mức tăng trưởng của các thương hiệu với cam kết bảo vệ môi trường có mức tăng trưởng khá cao – khoảng 4%/năm.

Bên cạnh đó, một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA), Việt Nam-Vương Quốc Anh (UKVFTA) cũng bao gồm một số điều khoản liên quan đến ESG như quyền lao động hay thương mại “xanh”.

Điều này nhấn mạnh sự quan tâm của các nhà đầu tư, cũng như những cam kết hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và các quốc gia phát triển trên thế giới. Doanh nghiệp cần đáp ứng những tiêu chí đó để hưởng lợi từ những FTAs này, đồng thời nắm bắt những cơ hội kinh doanh trong bối cảnh mới.

Vai trò tiên phong của người lãnh đạo

Để chèo lái con tàu doanh nghiệp đi đúng hướng thì tầm nhìn của “thuyền trưởng” cũng như quá trình quản trị doanh nghiệp đóng vai trò là kim chỉ nam.

Khảo sát của PwC năm 2022 cho thấy phần lớn (67%) số người được phỏng vấn xếp hạng yếu tố G – Quản trị là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là yếu tố S – Xã hội (67%) ưu tiên thứ hai và yếu tố E – Môi trường (55%) là ưu tiên thứ ba.

Chiến lược phát triển bền vững đã được ACB triển khai từ 10 năm trước khi khái niệm này còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Chủ tịch HĐQT của ACB Trần Hùng Huy khẳng định: “Cách đây 10 năm, ESG là một điều gì đó rất xa vời, ngay cả những nhân sự cấp cao của ACB cũng tỏ ra e ngại do nguồn lực để thực hiện kế hoạch phát triển bền vững không cân xứng với lợi nhuận mà nó đem lại.

Tuy nhiên, ESG là tầm nhìn 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí là 100 năm chứ không phải ngày một ngày hai. Đây là những nỗ lực của ACB để hướng tới thế hệ tương lai”.

ESG là những nỗ lực của ACB để hướng tới thế hệ tương lai | Nguồn: Ngân hàng Á Châu ACB

Vốn là một người có tầm nhìn với tư tuy đầu tư dài hạn, nhận thấy xu hướng phát triển bền vững là tất yếu cho tương lai, Chủ tịch HĐQT ACB đã quyết định triển khai các dự án về phát triển bền vững từ năm 2013.

Trên hành trình thực hiện ESG, cam kết về phát triển bền vững nhận được sự đồng lòng từ 93% nhân viên ACB và được lồng ghép vào chiến lược của ngân hàng. Đặc biệt, ngày 27/10/2023 vừa qua, ACB đã chính thức phát hành Báo cáo Phát triển bền vững 2022, trở thành ngân hàng tiên phong tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững (ESG).

Hành động THẬT, nỗ lực BỀN, phát triển VỮNG

Thực hiện ESG là một hành trình đòi hỏi sự cam kết nghiêm ngặt, hợp tác chặt chẽ và nỗ lực bền bỉ. Hành trình ấy có thể bắt đầu từ việc xây dựng văn-hóa-bền-vững trong doanh nghiệp, đến đóng góp cho sự phát triển kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm, và cuối cùng là lan tỏa tư duy bền vững trên hành trình tô xanh Trái đất và phát triển một xã hội bền vững.

Việc xây dựng một “doanh nghiệp xanh” có thể đến từ những thay đổi trong nội bộ như hướng dẫn tiết kiệm điện tại văn phòng, giảm thiểu việc sử dụng cốc nhựa một lần, khuyến khích tái sử dụng/tái chế giấy, hay chính sách làm việc tại nhà để giảm thiểu khí thải ra môi trường trong quá trình di chuyển tới nơi làm việc, v.v.

Bắt đầu từ “0” để gần lại “0”

Những nỗ lực của doanh nghiệp hướng tới tạo tác động bền vững lên môi trường là sự tích lũy từ con số 0, để đóng góp cho hành trình đạt được cam kết “Net-Zero” (Phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Phải có bắt đầu, thì mới có đích đến.

Một ví dụ điển hình cho cam kết của doanh nghiệp với ESG là chương trình “Gần Lại O” được Ngân hàng ACB thực hiện từ năm 2013. Cụ thể, ACB đã cung cấp bộ công cụ giảm nhựa cho hơn 15.000 nhân viên, hơn 1 triệu khách hàng để giúp thay đổi dần thói quen dùng đồ nhựa một lần trong hành vi tiêu dùng hàng ngày.

Với ACB, nâng cao nhận thức của nhân sự về vấn đề môi trường cũng là một phần không thể thiếu trong quá trình triển khai ESG | Nguồn: Ngân hàng Á Châu ACB

Bên cạnh đó, ACB còn đẩy mạnh số hóa các quy trình và giảm thiểu dùng giấy trong các hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, ACB còn có những hành động cụ thể khác như phát động dọn 300 tấn rác nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, sử dụng thảm tái chế từ lưới đánh cá trong Chương trình Thảm trung hòa carbon (The Carbon Neutral Floors) và nhiều chương trình cộng đồng ở các địa phương.

Việc nâng cao nhận thức của nhân sự về vấn đề môi trường cũng là một phần không thể thiếu trong quá trình triển khai ESG. Bởi lẽ, tầm nhìn chiến lược hay kế hoạch cụ thể của lãnh đạo chỉ có thể thành hiện thực khi nguồn nhân lực được đảm bảo có đủ năng lực để sẵn sàng thực thi.

Trong trường hợp của ACB, lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh: Nhân sự chính là “tài sản của doanh nghiệp”, mà tài sản cần được xây dựng, gọt giũa cho phù hợp với định hướng phát triển tương lai của ngân hàng.

Vì vậy, ngoài việc đầu tư một môi trường làm việc chất lượng và tập trung phát triển nghiệp vụ, ACB cũng chú trọng cung cấp các khóa học về môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải để nâng cao nhận thức và thúc đẩy thay đổi hành vi của nhân viên đối với các vấn đề môi trường.

Kiên trì hành động và thận trọng đánh giá

Thực hiện ESG là chiến lược dài hạn, là tầm nhìn của 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí là hàng trăm năm. Việc công bố Báo cáo Phát triển bền vững 2022 sau 10 năm thực thi chiến lược phát triển bền vững của Ngân hàng ACB là một minh chứng cho sự bền bỉ và thận trọng trong mọi hành động của doanh nghiệp.

Trước thực trạng Greenwashing (tạm dịch: Tẩy xanh) và những case study liên quan đến vấn đề này, các doanh nghiệp như ACB cũng thường xuyên quan sát và cân nhắc để đảm bảo tính trung thực và hiệu quả của các hoạt động vì môi trường, đồng thời ngăn chặn nguy cơ vướng vào khủng hoảng truyền thông.

ACB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo về Phát triển bền vững | Nguồn: Ngân hàng Á Châu ACB

Không dừng lại ở kết quả 10 năm, gần đây nhất, ACB cũng tiên phong ký hợp đồng sử dụng dịch vụ GoGreen Plus của DHL nhằm giảm 100% lượng khí thải carbon khi chuyển phát nhanh quốc tế, thông qua việc sử dụng Nhiên liệu Hàng không Bền vững (SAF). Với GoGreen Plus, ước tính ACB có thể cắt giảm đến 14 tấn khí thải CO2 trong vòng 12 tháng.

Với chiến lược hợp tác phát triển, ACB cũng có những “màng lọc xanh” để đánh giá các dự án trong hoạt động đầu tư. ACB ưu tiên vốn tín dụng và nguồn lực tài chính vào lĩnh vực tín dụng xanh, thân thiện môi trường.

Theo Bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, “Ngành Dịch vụ Tài chính là nhân tố chủ đạo của nền kinh tế, nền tảng triển khai ESG sẽ cho phép các tổ chức tài chính không chỉ thúc đẩy chuyển đổi trong ngành này mà còn thúc đẩy áp dụng ESG trong các ngành khác thông qua việc cung cấp tài chính bền vững.”

Với giá trị cốt lõi là sự hài hòa giữa lợi nhuận doanh nghiệp và giá trị xã hội, ACB là ngân hàng tiên phong thực hiện ESG với trăn trở “Ta để lại gì cho mai sau?”

Có thể khẳng định rằng, quá trình tích hợp ESG vào hoạt động của doanh nghiệp mang đến nhiều thách thức, thậm chí đòi hỏi nỗ lực hành động trong hàng chục năm và hơn thế nữa.

Tuy nhiên, ESG cũng là một động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp đổi mới và tạo ra sự khác biệt, bằng chính những giá trị thiết thực nhằm kiến tạo một tương lai bền vững.

Theo Vietcetera

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version