Trong thời điểm mà các quốc gia đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ của biến đổi khí hậu. Nhận thức được điều này, giới trẻ đang ngày càng “xanh” hơn trong cuộc sống, bắt đầu từ những thói quen mới tới quyết định khởi nghiệp dựa vào chữ “xanh”.
Thay đổi thói quen, thay đổi cách sống
Mỗi ngày đi làm, hành trang khi ra khỏi nhà của chị Đoàn Phương Thảo, 30 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội đều có vẻ hơi lỉnh kỉnh khi có thêm một hộp cơm và một chai nước. Từ mười năm nay, chị Thảo đã chọn lối sống có đôi phần khác biệt nhỏ với số đông khi hướng tới bảo vệ môi trường và xây dựng cuộc sống bền vững.
“Trước đây, tôi chỉ thấy bỏ rác đúng nơi quy định là bảo vệ môi trường rồi. Sau này, khi bắt đầu đi làm và có mức chi tiêu cao hơn. Do đó, tôi bắt đầu thay đổi bản thân từ việc tự chuẩn bị cơm và nước uống từ nhà. Nó giúp tôi vừa tiết kiệm chi phí mà còn giảm thiểu được không ít rác thải ra môi trường”, chị Thảo chia sẻ.
Nhìn vào thực tế, trường hợp của chị Thảo không phải là quá hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại, nhất là với thế hệ trẻ. Hầu hết những thay đổi trong lối sống không ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống hiện tại của mọi người. Từ những hành động nhỏ như tận dụng lại các túi nylon nhiều lần nhất có thể, mang bình nước và hộp đựng thực phẩm cá nhân, giảm mua sắm quần áo và đi xe đạp hoặc đi bộ nếu có thể, mỗi người đều có thể giảm bớt tác động tới môi trường sống.
“Việc thay đổi các thói quen sống như trên không gây bất tiện đáng kể, trái lại còn giúp cuộc sống thoải mái hơn”, chị Thảo cho biết.
Khi nhắc tới xu hướng sống “xanh” của giới trẻ, anh Duy Phong, 24 tuổi, sống tại Thanh Xuân, Hà Nội đã vui vẻ khoe “chiến tích”: Một ngăn kéo đầy những chiếc túi nylon đang sẵn sàng để được tái chế. Theo anh Phong, bình thường khi đi mua đồ, anh sẽ mang theo một chiếc túi vải. Chỉ khi nào lỡ quên túi mà bắt buộc phải sử dụng túi nylon, anh mới dùng và luôn nhớ cầm về cất ở nhà để có thể tái sử dụng khi cần.
“Việc thay đổi có thể bắt đầu từ những thói quen rất nhỏ, chẳng hạn như chọn đi xe buýt điện hoặc taxi điện thay vì xe xăng, như vậy đã có thể giảm khí thải vào môi trường rồi”, anh Phong cho biết.
Khởi nghiệp cùng chữ “xanh”
Mười năm qua, chị Thảo đã làm không ít nghề nghiệp khác nhau, từ kế toán cho tới nhân viên marketing. Thế nhưng, dường như duyên nợ với chữ “xanh” và mong muốn bảo vệ môi trường vẫn còn khi chị quyết định về làm việc cho một dự án khởi nghiệp có hướng đi thân thiện môi trường.
“Ngay cả trong công việc, mình cũng lựa chọn một nơi làm việc với tiêu chí cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường, và mình vừa là khách hàng trực tiếp sử dụng vừa là người bán hàng”, chị Thảo chia sẻ, với niềm tự hào về nơi làm việc của mình.
Hiện nay, không ít người trẻ đang khởi nghiệp với những dự án thân thiện với môi trường. Đây là một hướng phát triển kinh doanh tập trung vào việc tạo ra các giải pháp và sản phẩm có tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Mục tiêu chính của khởi nghiệp xanh là đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và tạo ra lợi ích xã hội.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, các dự án này còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường. Điều này có thể thể hiện qua việc tạo ra việc làm, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, sử dụng tài nguyên tái chế và phát triển công nghệ xanh.
“Hiện nay, người tiêu dùng quan tâm tới môi trường ngày càng nhiều. Nếu phải chọn giữa hai mặt hàng giống nhau, nhưng một cái thân thiện với môi trường và một cái không, chắc chắn hầu hết mọi người sẽ chọn mặt hàng đầu tiên”, anh Đinh Dũng, 26 tuổi, sống tại Thái Nguyên, một người trẻ đang khởi nghiệp với dự án nông nghiệp bền vững chia sẻ.
Theo anh Dũng, khởi nghiệp đã là một khái niệm quen thuộc với người trẻ. Thế hệ mới hiện nay khi khởi nghiệp, bên cạnh mong muốn làm giàu còn có nhu cầu đóng góp tích cực cho xã hội, môi trường.
Theo laodong.vn