Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, việc hợp nhất hai Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “sẽ thành một mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào”. Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải thay đổi tư duy quản lý, phải giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa, làm sao để môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường ngày 21/12, Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện hợp nhất, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả theo nguyên tắc “một việc không giao cho 2 người”, “chức năng, nhiệm vụ quyết định tổ chức, bộ máy”.

Cùng với đó rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo động lực mới cho tiến trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.

TẠO NGUỒN LỰC, ĐỘNG LỰC VÀ TƯ DUY MỚI TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được trong năm 2024 và thời gian qua; một số bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Ngành tài nguyên và môi trường, lần đầu tiên mọi lĩnh vực quản lý đều có luật điều chỉnh, nhất là những luật quan trọng như đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước… Công tác xây dựng luật, văn bản dưới luật đã phát huy sự tham gia dân chủ, khách quan, khoa học của các bên, điển hình là Luật Đất đai và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, qua đó góp phần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, mở ra hướng giải quyết nhiều vướng mắc, tồn đọng.

“Thay vì không quản được thì cấm hay chỉ thuận lợi cho cơ quan quản lý thì cần kiến tạo, mở ra không gian đổi mới, sáng tạo cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân; tạo nguồn lực, động lực, tư duy mới trong công tác quản lý”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó Thủ tướng nhìn nhận quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước, trong đó có việc xác định vị thế của các ngành, lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. Tổ chức bộ máy chưa khoa học, còn chồng chéo hoặc còn khoảng trống pháp lý chưa được khắc phục triệt để.

Chất lượng môi trường cuộc sống chưa cải thiện triệt để, trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, đa dạng sinh học, nguồn nước đang suy giảm… Năng lực giải quyết hài hoà bài toán quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường… chưa đáp ứng được yêu cầu.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG PHẢI GIẢI QUYẾT ĐƯỢC BÀI TOÁN KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG HÀI HÒA

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh xây dựng bộ máy quản lý nhà nước “tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” là mục tiêu lớn mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định trước khi bước vào kỷ nguyên mới của đất nước, một kỷ nguyên ở tầm cao phát triển mới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết vào một thời điểm có tính lịch sử khi mà ngành Tài nguyên và Môi trường và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đánh một dấu mốc cho phát triển mới của hai Bộ, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá ở thời kỳ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ hội rất lớn. Hai Bộ có mối quan hệ gắn bó mật thiết hữu cơ. Từ góc độ này có thể thấy hai bộ hợp nhất “sẽ thành một mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào”.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đó là: “Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm”. Trong đó, xác định môi trường là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững Kinh tế – Văn hóa Xã hội – Môi trường.

Trên cơ sở đó, sau khi hai Bộ hợp nhất, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải thay đổi tư duy quản lý, phải giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa, làm sao để môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Để làm được điều đó, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần phải đặt môi trường vào vị trí trung tâm để phát triển, là triết lý của ngành, đưa ra các nguyên tắc nguyên lý và có cái nhìn sâu hơn. Môi trường quyết định đến sự tồn vong và phát triển, do đó, Bộ phải thay đổi về nhận thức và luật pháp trong cách quản lý, cần đẩy mạnh về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường cần tập trung đầu tư tư duy, tổ chức lại mô hình quản lý. Bộ máy, trang thiết bị cần phải hiện đại để làm sao cán bộ ngành tài nguyên và môi trường có thể làm việc bằng hai, bằng mười, điều này rất quan trọng trong công tác phát triển bền vững.

Cùng với đó, ngành cần tiếp tục tổ chức thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường; thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, xử lý và tái chế chất thải theo công nghệ hiện đại. Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Tạo bước đột phá về tư duy và hành động để cải thiện môi trường các khu, cụm công nghiệp lưu vực sông, làng nghề, đô thị.

Triển khai nghiêm túc kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về Bảo vệ môi trường từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành đến nay.

Bên cạnh việc tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật bao quát toàn diện các lĩnh vực của ngành cũng như là tổ chức sắp xếp, kiện toàn bộ máy để hoạt động tinh gọn, hiệu quả, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương, đảm bảo các nguồn lực tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững;

Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai rộng rãi các nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain… trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số phục vụ người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Theo: VNEconomy

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version