Hiện nay, ô nhiễm không khí đang có chiều hướng gia tăng cao nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Ô nhiễm không khí không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội, mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Tại Việt Nam, cứ 10 bệnh có tỷ lệ tử vọng cao nhất thì có 6 bệnh liên quan đến hô hấp do ô nhiễm không khí và chất lượng không khí.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này và tìm ra lời giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn BS Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD).

BS Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD)

PV: Thưa BS Nguyễn Trọng An, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày một tăng cao, có thời điểm đã ở mức nghiêm trọng. Bác sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn về những tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe của con người như thế nào?

Hiện nay, bệnh lây nhiễm ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng chiếm đến 77% và đa số do ô nhiễm môi trườg không khí, nước, biến đổi khí hậu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở bầu không khí có chứa các chất gây ô nhiễm ở mức cao. Ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm, trên thế giới có khoảng bảy triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như các bệnh tim mạch, phổi và đột quỵ. Trong khi đó, hằng ngày có khoảng 93% số trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (tương đương với 1,8 tỷ trẻ em) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, thì có sáu bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí gây ra các bệnh tật làm cho sức khỏe suy giảm, làm ảnh hưởng đến năng xuất làm việc của con người vấn đề con người và gây nên những hệ lụy liên quan đến đến vấn đề tài chính của người dân. Như ốm sẽ phải nghỉ việc, phải chi trả tiền thuốc men, các chi phí trong việc phòng ngừa,…

PV: Tác nhân nào đã gây ra ô nhiễm không khí như hiện nay và làm thế nào để có thể cảnh báo người dân những tác hại về ô nhiễm không khí , thưa ông?

Ô nhiễm không khí đã được tổ chức y tế thế giới (WHO) chỉ ra đó chính là các bụi mịn PM2.5 hay là bụi min PM10 và chính những bụi siêu mịn đó là tác nhân gây ra ô nhiễm không khí. Những bụi đó được sinh ra từ nơi sản xuất công nghiệp, hệ thống giao thông vận tải và từ sinh hoạt của người dân như đốt rác thải, chất thải, các cống rãnh hồ ao tụ lại tỏa lên không khí. Từ đó tạo ra mùi, bụi làm cho không khí không được trong lành và bụi mịn đó đem theo các kim loại nặng, đem theo dioxit, mangan, silic và rất nhiều thứ nguy hiểm khác. Cho nên bụi mịn đã tác động đến cơ thể con người và làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người.

Bụi mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường như bụi đường, bụi xi măng khi ta hít vào trong cơ thể sẽ bị giữ lại bởi chất nhờn ở lông mũi, ở mũi và chúng ta có thể xì mũi hoặc chúng có thể vón lại, nếu vào sâu trong khí phế quản thì trong bộ hệ thống ấy, khí phế quản có chất nhầy, dính quánh lại chúng ta có thể ho khạc ra đờm.

Ảnh minh hoạ

Thế nhưng cái bụi mịn PM2.5 hay PM10 là loại bụi mịn rất nhỏ chỉ chiếm 1/30 hoặc 1/50 của một sợi tóc, bụi mịn có thể xuyên qua hệ thống phòng ngừa như lông mũi, chất nhờn trong mũi, trong phế quản, vào thẳng trong phía nan, nơi trao đổi chất và vào trong máu gây rối loạn trao đổi chất, các chức năng cơ thể, kể cả hệ thống gen.

Chính vì vậy, bụi mịn là “sát thủ vô hình” mà chúng ta không thể thấy bằng mắt thường nhưng lại là tác nhân gây ra các loại bệnh cho con người như đột quỵ, cao huyết áp, phổi tắc nghẽn, ung thư…

Vậy làm thế nào chúng ta biết được bụi mịn đó ảnh hưởng như thế nào? Hiện nay, để biết bụi mịn đó đậm đặc hay không đậm đặc, ô nhiễm nhiều hay ít thông qua những phương pháp đo lường, được cảnh báo bằng hệ thống như Air Quality Life Index (phần mềm đo ô nhiễm không khí) của đại sứ quán Hoa Kỳ về chất lượng không khí, hay hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường Quốc gia và công bố thông tin về chất lượng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giúp cho các địa phương nhận diện được vùng ô nhiễm.

Để cho người dân dễ nhận biết hơn chúng ta đã quy đổi mức độ ô nhiễm không khí sang bảng màu AQI (chỉ số chất lượng không khí), được tính bằng số lượng các hạt bụi mịn chuyển sang microgram trong m3 không khí trong vòng 24 giờ. Ví dụ hạt bụi được biểu lộ bằng bảng màu xanh là biểu tượng không khí sạch, thấp hơn nữa là màu da cam, còn nặng hơn là màu đỏ – đây là cảnh báo có ô nhiễm không khí ảnh hưởng sức khỏe và nặng nhất là màu tím – chất lượng không khí có nguy hại cho sức khỏe. Từ những chỉ số đó, chúng ta sẽ có sự cảnh báo cho người dân biết ô nhiễm không khí hôm nay đang ở mức độ nào để có sự chuẩn bị khi ra đường cũng như các phương pháp phòng tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

PV: Vậy cần có những giải pháp nào để phòng ngừa các tác nhân gây hại đến từ bụi mịn này, thưa ông?

Trong suốt thời gian vừa qua, tôi đã có những nghiên cứu về vấn đề môi trường bảo vệ sức khoẻ cho các bà mẹ và trẻ em và thấy rằng nhiều nước cũng ô nhiễm không khí như chúng ta. Ngành y tế của các nước đã phát động phong trào One Health bao gồm sức khoẻ môi trường, sức khoẻ động vật, sức khoẻ con người và nó có sự gắn kết với nhau.

Học hỏi từ đó chúng ta phải có sự tác động một cách tổng thể cả bảo vệ sức khoẻ con người, cả bảo vệ môi trường, động vật để tránh sự lan truyền về bệnh tật, bảo đảm sức khoẻ con người, môi trường trong sạch.

Chúng ta có thể học hỏi từ nước Trung quốc, khoảng 10 năm trước, ô nhiễm ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đáng báo động khi thành phố này bị bao phủ dày đặc bởi sương mù màu vàng và xám, màn sương này dày đến nỗi gần như che mất tầm nhìn. Người dân phải khóa chặt cửa sổ, đeo khẩu trang, và mở máy lọc không khí ở công suất cao nhằm đối phó với “bầu không khí tận thế” của thành phố.

Có thể nói, trước đây Trung Quốc đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí, mức độ ô nhiễm báo động nặng nề và ô nhiễm hơn chúng ta rất nhiều, cho đến năm 2021 theo báo cáo Air Quality Life Index (Mỹ) cho thấy chất lượng không khí ở Trung Quốc đã có sự cải thiện đáng ghi nhận. Mức độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc năm 2021 đã giảm 42% khi so với năm 2013, đây được cho là một thành công hiếm hoi trong việc cải thiện chất lượng không khí ở khu vực.

Ảnh minh hoạ

Vậy làm sao để cải thiện vấn đề này? Họ đã phải đầu tư tổng thể và hiện đại, từ các hệ thống từ quan trắc, giám sát bằng vệ tinh, và chuyển đổi các hệ thống sử dụng năng lượng đốt bằng than, nhựa sang năng lượng sạch từ gió, mặt trời các năng lượng tái tạo, từ hệ thống phun khói triệu xe máy trong thành phố sang xe điện. Từ câu chuyện của nước bạn, chúng ta học hỏi từ đó rút ra cần có sự đầu tư ngân sách, đầu tư kỹ thuật cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Hiện nay, Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên môi trường) đã có những chính sách để phòng ngừa và kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường, cải tạo phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm và xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đó là chiến lược về vấn đề môi trường tmà tôi thấy rất hay để thực hiện các cam kết trong hội nghị toàn cầu COP26, ngặn chặn các vấn đề về nhà kính, phát thải khí nhà kính. Và để làm được điều đó chúng ta cần thay đổi từng bước một và sẽ có nhưng chuyển đổi giảm thiểu rõ rệt hơn.

Ngoài ra, chúng ta cần có hệ thống sinh thái đồng bộ, kèm theo đó, người dân phải có sự thay đổi hành vi, truyền thông giáo dục, đó là những mô hình sạch, đẹp xanh để hướng cho người dân, từng hộ gia đình học tập tạo ra sự tổng hoà hệ sinh thái lành mạnh, tổng hoà đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm không khí môi trường và những vấn đề đang nóng lên toàn cầu hiện nay.

Theo Báo Tài Nguyên và Môi Trường

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version