Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường năm 2023 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội có nội dung cảnh báo nguy cơ dịch chuyển, hình thành mới các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ đô thị về các khu vực nông thôn.
Tình trạng ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 tiếp tục ở mức cao, có biểu hiện mùa rõ rệt
Theo báo cáo, vẫn còn nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu nhiều mặt lên môi trường, phát thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy ra môi trường với chi phí xử lý cao. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, khai khoáng, chế biến, chế tạo gia tăng đáng kể trong giai đoạn vừa qua.
Đáng lưu ý, tình trạng ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 tiếp tục ở mức cao, có biểu hiện mùa rõ rệt và có xu hướng tăng so với trung bình năm 2022. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội, TPHCM có nhiều thời điểm vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.
Với môi trường nước, hạn chế đáng kể là nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề phát sinh ngày càng lớn, trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Cả nước mới có 30,3% cụm công nghiệp và 16,1% làng nghề đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tổng lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị còn thấp, đạt khoảng 17%; hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Về chất thải rắn, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 61/63 tỉnh, thành phố có báo cáo là khoảng 67.877 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 29.734 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 77,69%. Tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chỉ đạt 20,9%. Vẫn còn một số loại chất thải nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, chất thải y tế nguy hại… chưa được xử lý triệt để hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu.
Theo SGGP