Tuy chưa phổ biến, nhưng việc chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp phát thải thấp đang có nhiều yếu tố thuận lợi để mở rộng. Chính vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị, cần phải nhanh chóng thực hiện thay vì phải đi theo lộ trình…
Từ chương trình giảm phát thải rừng
Tại hội thảo “Đối thoại đa bên về thị trường carbon trong nông nghiệp” diễn ra ở thành phố Cần Thơ vào tuần rồi, ông Nguyễn Chiến Cường, Đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp đem lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan. “Đây cũng là bước đi để hiện thực hoá cam kết của Chính phủ với thế giới”, ông cho biết.
Theo ông, thông qua chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ ở 6 địa phương, gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế được triển khai từ năm 2014, thì Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện từ 2014-2018.
Ông Cường cho biết, từ thời điểm năm 2018, VNFF đã trực tiếp thực hiện các hoạt động về mặt kỹ thuật liên quan đến đo đạt, tính toán, thẩm định cũng như xây dựng kết quả của chương trình.
Chương trình nêu trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết với WB trong thoả thuận ERPA (thoả thuận chi trả giảm phát thải chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ – PV), trong đó, WB là đơn vị trung gian chuyển tiền (bán tín chỉ carbon – PV) cho VNFF với tổng khối lượng giao dịch là khoảng 51 triệu tấn.
Theo đó, khi triển khai, hai bên cũng đã thống nhất các hoạt động can thiệp cũng như xác định nguyên nhân để giảm phát thải khí nhà kính, trong đó, có các nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng, suy thoái rừng, bao gồm chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao su, sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi rừng tự nhiên sang cái các mục đích khác và các hoạt động khai thác gỗ…
Đối với chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ, giai đoạn tham chiếu là năm 2005 và 2015, trong khi thời hạn thoả thuận được ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với WB là từ 2018-2025 (WB yêu cầu VNFF phải báo cáo ba đợt, bao gồm đợt 1 là 2018-2019; đợt 2 là 2022-2023 và đợt cuối là 2024-2025- PV).
“Trong quá trình xây dựng, chúng tôi cũng đã xây dựng các hoạt động can thiệp và chia thành nhiều hợp phần để triển khai khá chi tiết, bao gồm hợp phần tăng cường điều kiện cần thiết cho giảm phát thải; thúc đẩy quản lý rừng bền vững, tăng cường chất lượng rừng; thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khó hậu và hợp phần quản lý điều phối”, ông Cường cho biết.
VNFF đã có tính toán, đo đạt dựa trên dữ liệu điều tra, kiểm kê rừng của giai đoạn 2005-2020 cũng như dữ liệu tham chiếu (2005, 2015) và áp dụng các chương trình tính toán sinh khối quốc gia (đã có sự thống nhất với WB), thì kết quả (dựa trên công thức tính đã thống nhất với WB) thu được rất khả quan.
Cụ thể, trong báo cáo lần 1 (năm 2018-2019), kết quả giảm phát thải ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ là 22,2 triệu tấn, trong khi khối lượng được VNFF thống nhất bán cho WB là 10,3 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo ông Cường, WB yêu phải trừ đi phần dự phòng là 6,3 triệu tấn, tức còn lại 15,9 triệu tấn. “Như vậy, trừ đi 10,3 triệu tấn theo cam kết chúng tôi bán cho WB, thì vẫn còn dư khoảng 5,6 triệu tấn”, ông Cường cho biết và thông tin, với khối lượng dư, thì vào tháng 4 vừa qua, WB cũng đã “khởi động” điều khoản trong thoả thuận ERPA là “kích hoạt” nội dung mua bán bổ sung.
WB vừa làm việc với VNFF để tiếp tục đưa 5,6 triệu tấn còn lại lên sàn giao dịch chứng chỉ carbon trên thế giới. “Đây là kết quả trong giai đoạn báo cáo đầu tiên năm 2018-2019”, ông cho biết.
Được biết, sau khi VNFF có báo cáo kết quả đợt đầu, WB cũng đã tổ chức 1 đoàn thẩm định độc lập sang Việt Nam để xác minh lại các dữ liệu đầu vào cũng như cách tính toán của Việt Nam có đúng hay không. “Đến thời điểm này, tổ chức thẩm định độc lập chưa đưa ra biên bản thẩm định cuối cùng. Tuy nhiên, WB cũng đã đồng ý để VNFF nhận số tiền đợt 1 là 80% trong tổng số 51,5 triệu đô la Mỹ”, ông cho biết.
Nguồn thu bán tín chỉ carbon được chia sẻ ra sao?
Câu hỏi được đặt ra, đó là nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon được chia sẻ cho các bên liên quan ra sao?
Ông Cường của VNFF cho biết, sau khi đơn vị này nhận được tiền từ WB, thì được phép giữ lại 3,5% (0,5% phục vụ cho các hoạt động quản lý điều hành và 3% phục vụ cho các hoạt động về xây dựng công cụ cũng như các văn bản hướng dẫn của các cơ quan cấp Trung ương).
Còn lại 96,5% sẽ được VNFF phân chia và chuyển xuống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh của 6 địa phương tham gia dự án. Tại đây, Quỹ ở mỗi địa phương được phép giữ lại tối đa 10% để phục vụ các hoạt động quản lý, điều phối và phần còn lại được chi trả trực tiếp cho các chủ rừng/hộ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng.
Liên quan đến việc phân chia lợi ích bán tín chỉ carbon, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ký Quyết định 641/QĐ-BNN-TCLN về việc ban hành kế hoạch chia sẻ lợi ích từ thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ.
Theo đó, kinh phí trích lại cho VNFF trong năm 2023 là 525.000 đô la Mỹ, tương đương chiếm 3,5% trong tổng kinh phí phân bổ của năm 2023 là 15 triệu đô la Mỹ (gồm 75.000 đô la Mỹ phục vụ cho hoạt động quản lý và điều phối (0,5%) và 450.000 đô la Mỹ chi cho hoạt động của ERPA (3%)- PV) và 14,475 triệu đô la Mỹ, tương đương chiếm 96,5% còn lại phân chia xuống Quỹ cấp tỉnh.
Cách phân chia theo tỷ lệ tương tự như nêu trên cũng được triển khai trong năm 2024 và 2025, trong đó, tổng kinh phí của mỗi năm là 18,25 triệu đô la Mỹ.
Riêng đối với năm 2023, dự kiến quỹ của tỉnh Thanh Hoá sẽ được nhận 2,443 triệu đô la Mỹ; Nghệ An là 4,236 triệu đô la Mỹ; Hà Tĩnh là 1,849 triệu đô la Mỹ; Quảng Bình; Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lần lượt được nhận là 3,545 triệu đô la Mỹ; 0,768 và 1,634 triệu đô la Mỹ.
Dựa trên số tiền quỹ địa phương nhận được, sẽ thực hiện chi trả cho chủ rừng/hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Ông Cường của VNFF cho biết, thoả thuận ERPA đã nêu ra hai điều kiện hiệu lực để có thể triển khai, đó là thứ nhất: phải kế hoạch chia sẻ lợi ích (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định 641/QĐ-BNN-TCLN về việc ban hành kế hoạch chia sẻ lợi ích từ thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà ính vùng Bắc Trung bộ – PV).
Thứ hai, là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chứng minh được năng lực chuyển quyền giảm phát thải. Đối với điều kiện này, Bộ đã trình và Chính phủ cũng ban hành Nghị định 107 phục vụ cho chương trình ERPA Bắc Trung bộ (Nghị định 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kinh vùng Bắc Trung bộ- PV). Trong đó, đã nêu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay mặt UBND 6 tỉnh Bắc Trung bộ và chủ rừng làm đại diện ký với WB để chuyển nhượng lượng giảm phát thải cho WB. “Đó là hai điều kiện hiệu lực và nó đã được đáp ứng, cho nên, VNFF đã nhận chuyển tiền đợt đầu tiên là 80%”, ông Cường cho biết.
Khả năng nhân rộng mô hình đã… sẵn sàng
Một vấn đề nhận được sự quan tâm khá lớn của các bên liên quan, đó là khả năng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp phát thải thấp nhằm hiện thực hoá cam kết của Chính phủ với thế giới là Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cũng như thực hiện thành công đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Liên quan vấn đề nêu trên, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhấn mạnh, Công ty Trung An chưa triển khai mô hình sản xuất lúa gạo phát thải thấp vì các địa phương nơi đơn vị này liên kết với nông dân triển khai mô hình cánh đồng lớn chưa áp dụng.
Tuy nhiên, vị đại diện Công ty Trung An khẳng định, các giải pháp kỹ thuật đang được đơn vị này khuyến nghị nông dân triển khai trên đồng ruộng là đang tham gia vào giải pháp và các bước thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Bình, việc kêu gọi nông dân tham gia thực hiện mô hình sản xuất giảm lúa giảm phát thải khí nhà kinh có nhiều thuận lợi, chứ không phải quá khó khăn. “Chúng tôi khuyến nghị nông dân giảm lượng giống gieo sạ từ 150 kg/héc ta xuống còn 100 kg/héc ta nông dân nghe theo”, ông dẫn chứng và cho rằng, các khuyến nghị khác như: tưới ngập khô xen kẽ; giảm lượng phân bón từ 500 kg/héc ta xuống còn 400 kg/héc ta hay sử dụng phân thông minh tan chậm thay vì phân đơn…, đều được nông dân thực hiện theo.
Bà Trần Phương Hi, Giám đốc thu mua và quản lý dự án bền vững của Công ty TNHH Olam Việt Nam cho biết, thông qua dự án chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ được đơn vị này phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai từ năm 2018 cho khoảng 10.000 nông hộ cũng đã áp dụng các kỹ thuật canh tác giảm phát thải khí nhà kính.
Cụ thể, dự án đã hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký canh tác; áp dụng kỹ thuật cải thiện đất, nước thông qua canh tác ngập khô xen kẽ…
Tuy nhiên, bà Hi cho rằng, quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn thách thức, bao gồm việc đào tạo nông dân (nông hộ nhỏ khó chuyển giao kỹ thuật) hay cách thu thập dữ liệu…
“Hiện Olam có hệ thống phần mền thu thập thông tin nhật ký của nông hộ về lượng nước, phương thức canh tác để đo lường khí thải nhà kính, nhưng chỉ giới hạn ở 200 nông hộ”, bà Hi cho biết và lo lắng, khi triển khai chuyển đổi số với số lượng lớn hơn sẽ là bài toán rất khó vì phải đảm bảo tính tức thời, minh bạch và được thế giới công nhận. “Olam hiện đang tìm kiếm đối tác để hỗ trợ nhằm hướng đến tính minh bạch, chính xác”, bà nói.
Vị đại diện của Olam Việt Nam kiến nghị, về khung pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có hướng dẫn về công cụ đánh giá hoạt động giảm phát thải khí nhà kinh (hệ thống MRV) nào phù hợp, đúng chuẩn để doanh nghiệp áp dụng.
Liên quan đến sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, trao đổi với KTSG Online, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, đơn vị này đã triển khai từ năm 2018 và hiện đã được số hoá gần như toàn bộ, có thể truy xuất online hoặc xác minh trực tiếp tại đồng ruộng. “Tuỳ thuộc vào cách đo của hệ thống MRV nào được áp dụng, chỉ việc nhân với diện tích canh tác sẽ có được số lượng chứng chỉ carbon tương ứng”, đại diện Lộc Trời cho biết và thông tin, đơn vị này đang tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư để cung cấp chứng chỉ carbon cho thị trường, cả trong và ngoài nước.
Ông Bình của Trung An cũng cũng cho rằng, cần có sự thống nhất trong việc sử dụng hệ thống MRV để xác định việc giảm phát thải khí nhà kính. “Rõ ràng, nếu có MRV nào đó áp dụng vào dự án của công ty chúng tôi, thì có thể làm được ngay”, ông nhấn mạnh.
Xuất phát từ khả năng mở rộng, ông Bình đề nghị, Việt Nam phải tranh thủ cơ hội, triển khai càng nhanh càng tốt chương trình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. “Tại sao giảm phát thải khí nhà kính trong ngành hành lúa gạo chúng ta cứ phải đi theo lộ trình đến năm 2027-2028 mới có pháp chế mua bán tín chỉ carbon? Từ Trung ương đến địa phương đều cần giảm ngay phát thải khí carbon, thì tại sao doanh nghiệp và nông dân phải chờ làm theo lộ trình thế này, thế kia?”, ông đặt vấn đề.
Theo ông, chỉ cần 1 triệu héc ta đất nông nghiệp đưa vào sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, thì với 56 kg carbon giảm đi cho mỗi héc ta, có nghĩa mỗi năm sẽ giảm được 56 triệu tấn carbon. “Đề án 1 triệu héc ta dự kiến bắt đầu từ năm nay, nhưng phải chờ đến năm 2027-2028 mới tính là một sự lãng phí rất lớn”, ông nhấn mạnh.