Các dự án xanh của startup đã được ứng dụng trong cuộc sống và đã mang lại thành tựu nhất định…

Các nhà khoa học đã chứng minh cần phải đưa thế giới về trạng thái phát thải ròng bằng không (NetZero emission) càng sớm càng tốt, chậm nhất là vào năm 2050, để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Việt Nam đã gửi Ban Thư ký của Công ước khung của Liên hợp quốc (UNFCCC) bản NDC (Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định) cập nhật vào tháng 9/2020, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng xanh trở thành mục tiêu phát triển bên vững và vai trò của doanh nghiệp là không thể thiếu.

Nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích, thúc đẩy và tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với quy mô trên toàn quốc; Tìm kiếm các ý tưởng, sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp đột phá để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, kết nối các startup với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ sự phát triển bền vững của các dự án, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times cùng các cơ quan tổ chức Cuộc thi Startup – Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024.

Qua 1 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được gần 80 hồ sơ đăng ký tham dự. Sau hai vòng sơ khảo và chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, đánh giá kết quả và thống nhất lựa chọn ra các tác phẩm, hồ sơ xuất sắc nhất với 2 giải nhất, 2 giải nhì, 6 giải ba và 8 giải khuyến khích.

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Thành viên Hội đồng Chung khảo cho biết Cuộc thi Startup – Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024 đã nhận được nhiều sáng kiến, ý tưởng và giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng startup và các bạn học sinh sinh viên.

“Chúng tôi đánh giá cao các giải pháp mà các tác giả đã gửi đến dự thi lần này,” ông Lý nhấn mạnh. “Trong quá trình chấm, chúng tôi thấy rằng có rất nhiều các dự án đã được ứng dụng trong cuộc sống và đã mang lại thành tựu nhất định cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt là những sản phẩm mà các bạn đưa ra thị trường đều đáp ứng được tiêu chí của cuộc thi đó là mang lại giá trị bền vững cho môi trường, đóng góp cho việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo định hướng của Chính phủ.”

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Thành viên Hội đồng Chung khảo cũng chia sẻ rằng các tác phẩm dự thi khá đa dạng từ các doanh nghiệp cho đến các nhóm cá nhân, học sinh, sinh viên và đồng đều từ các vùng miền.

Đánh giá về ý nghĩa của cuộc thi cũng như các tác phẩm/dự án dự thi, ông Việt cho biết: “Trong một chiến lược tổng thể, chúng ta phải kết hợp việc sáng tạo ra những giải pháp để chuyển dịch sử dụng tài nguyên và năng lượng theo hướng bền vững hơn, từ tài nguyên và năng lượng có sẵn hay hoá thạch sang các nguồn tái tạo, cũng như tái chế, sử dụng các sản phẩm tái chế từ ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ”.

“Chúng ta phải chú trọng vào việc tiết kiệm nguồn tài nguyên và năng lượng để vừa đảm bảo phục vụ cho mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, vừa tiết kiệm nguồn tài nguyên và năng lượng cho thế hệ tương lai của chúng ta.”, ông Việt nhấn mạnh.

Theo: VN Economy

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version