Công nghệ xanh cung cấp các giải pháp để giảm thiểu khí thải, trong khi tài chính xanh sẽ hỗ trợ đầu tư công nghệ, tạo nên một vòng tròn phát triển bền vững.
Đây là chia sẻ của ông Vũ Trung Kiên – Chuyên gia tín chỉ carbon – Giám đốc công ty NRG về câu chuyện chuyển đổi các nỗ lực sản xuất xanh thành tín chỉ carbon, tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo xanh cho các nhà máy và khu công nghiệp – Thuận dòng để phát triển bền vững”, sáng 8/8.
Theo ông Vũ Trung Kiên, tín chỉ carbon là tài sản cho doanh nghiệp, giúp họ tuân thủ quy định và tránh bị phạt, quản lý rủi ro và lập kế hoạch tài chính, khác biệt hóa và tạo lợi thế cạnh tranh, đổi mới công nghệ, nâng cao tính bền vững của doanh nghiệp và hiệu suất ESG… Hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), đóng góp cho các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Từ năm 2021, nhu cầu về tín chỉ carbon đã tăng đột biến, dự báo đạt từ 8.000 đến 13.000 MTCO2e (1 MTCO2e tương đương 1 triệu tấn carbon dioxide quy đổi) mỗi năm. Song song đó, nguồn cung cũng được dự báo sẽ tăng lên khoảng 8.000 MTCO2e mỗi năm để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.
Ông Vũ Trung Kiên còn cho rằng, kiểm kê khí nhà kính được gợi ý là bước đầu tiên để doanh nghiệp đánh giá lượng khí thải và xây dựng lộ trình giảm phát thải. Công nghệ xanh cung cấp các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu khí thải, trong khi tài chính xanh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ này, tạo nên một vòng tròn phát triển bền vững.
Để các doanh nghiệp nhìn nhận toàn cảnh bức tranh thách thức và cơ hội mà doanh nghiệp sản xuất hiện nay, bà Nguyễn Hương Quỳnh – Giám đốc điều hành của Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP chia sẻ về mức độ yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xã hội đối với sứ mệnh bền vững.
Điều này buộc doanh nghiệp cần tập trung xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh. Có 3/10 xu hướng lớn của thế giới đang gắn kết mật thiết với câu chuyện tác động bền vững tới môi trường – khí hậu.
Theo bà Quỳnh, chuyển đổi xanh cần phải trở thành một chiến lược cấp thiết để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư xanh và đảm bảo các tác động bền vững trong một thế giới BANI khó đoán, mong manh và phi tuyến tính.
Tại hội thảo, bà Hồ Thị Quyên – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cho biết, Thành phố là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước về phát triển kinh tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII – Provincial Innovation Index) của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2024, chỉ số PII của Thành phố xếp thứ 2.
Thành phố luôn tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Đồng thời đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch để thu hút đầu tư.
“Trong 6 tháng đầu năm, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 1,211 tỷ USD”, bà Hồ Thị Quyên chia sẻ.
Được biết, hội thảo đã thu hút hơn 150 đại biểu đến từ khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM. Tại đây, các chuyên gia tham gia phiên thảo luận xoay quanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà máy, KCN phía Nam khi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh. Từ đó chia sẻ một số bài học kinh nghiệm điển hình, kết nối nguồn lực và gợi ý các giải pháp công nghệ thực tế.
Theo khoahocphothong.vn