Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG đã bắt đầu tìm ra công thức xây dựng Bách Hóa Xanh để chuỗi này hoàn thành mục tiêu “mang tiền về cho mẹ” trong năm nay. 

Sau thời gian “càng làm càng lỗ”, quý II/2022, Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài tuyên bố: “Bách Hóa Xanh sẽ tiến hành ‘tập gym’ trong năm 2022, để lấy đà mở rộng ra thị trường miền Trung và Bắc từ năm 2023 đến 2025. Chúng tôi không muốn uống thuốc kích thích để có thể ngay lập tức nâng được tạ thật to hay tăng trưởng đột biến, mà muốn luyện tập từ từ để phát triển các cơ bắp nhằm có một cơ thể khỏe mạnh thật sự, mới có thể đi đường dài”.

Nhờ đó, lũy kế 7 tháng đầu năm, chuỗi bách hóa đem về 23.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ. Riêng tháng 7, doanh thu đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cả 2 ngành hàng tươi sống và FMCG đều duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số so.

Doanh thu bình quân trong tháng 7 đạt 2,1 tỷ đồng/cửa hàng. Hiện chuỗi có 1.704 cửa hàng, tăng 3 cửa hàng so với cuối tháng 6/2024.

Sau 2 năm tập gym toàn hệ thống, Bách Hóa Xanh bắt đầu thu quả ngọt, ông Tài cũng tìm ra “công thức” để nhân rộng chuỗi bán lẻ bách hóa của mình.

Công thức thành công của Bách Hóa Xanh

Báo cáo nhận định về “Công thức thành công của Bách Hóa Xanh”, nhóm phân tích của Chứng khoán KB cho rằng, MWG đã “hái quả ngọt” khi thực hiện chính sách tái cấu trúc với việc tái định vị thương hiệu từ “chợ hiện đại” sang “siêu thị mini”.

Công thức này xuất phát từ chiến lược “giảm lượng, tăng chất” từng được ông Tài nhấn mạnh trong các Đại hội cổ đông gần đây. Sau thời gian “miệt mài” đóng cửa các điểm bán hoạt động không hiệu quả, quý II/2024, Bách Hóa Xanh bắt đầu mở lại các siêu thị mini.

“Với mô hình siêu thị mini, Bách Hóa Xanh có thể tăng doanh thu bằng cách cạnh tranh với các chợ truyền thống nhờ sự tiện nghi và minh bạch nguồn gốc sản phẩm”, báo cáo của KBSV viết và dự đoán thêm, trong năm nay, Bách Hóa Xanh có thể mở từ 45-95 cửa hàng và duy trì doanh thu trước khi Bắc tiến vào năm 2025.

Ngoài “giảm lượng tăng chất”, một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào thành công của Bách Hóa Xanh là quá trình thay đổi cơ cấu tỷ trọng sản phẩm. Hiện danh mục sản phẩm của ông lớn bán lẻ này bao gồm khoảng 3.000 SKUs với tỷ trọng 40% là mặt hàng tươi sống và 60% là hàng tiêu dùng nhanh.

Tỷ trọng đồ tươi cao giúp Bách Hóa Xanh thu hút thêm khách từ kênh truyền thống. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm giảm biên lợi nhuận gộp do mặt hàng này có lợi nhuận thấp hơn so với mảng đồ tiêu dùng. 

Tương tự, báo cáo của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết, so với các chuỗi siêu thị mini khác (WinMart+, Satrafoods, Co.op Food), danh mục sản phẩm của Bách Hóa Xanh đa dạng hơn ở cả mặt hàng tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Lợi thế cạnh tranh này giúp Bách Hóa Xanh thu hút khách hàng mới và gia tăng tần suất mua hàng của khách hàng hiện hữu. Bên cạnh đó, các sản phẩm tươi sống cũng đóng vai trò là kênh dẫn truyền để khách hàng mua thêm các sản phẩm FMCG với biên lãi gộp cao hơn.

Hay trước đó, SSI cũng đánh giá cao về sức hấp dẫn của các mặt hàng tươi sống tại Bách Hóa Xanh.

“Quý II, doanh thu trên tháng tại một cửa hàng này tiếp tục tăng trưởng nhờ cơ cấu sản phẩm tốt, nhiều rau hơn ở các cửa hàng khu vực thành phố, nhiều trái cây nhập khẩu hơn ở các cửa hàng nông thôn, nhiều thịt/hải sản có thương hiệu hơn”, báo cáo của SSI viết.

Bên cạnh đó, giảm chi phí vận chuyển cũng là yếu tố sống còn giúp chuỗi bán lẻ bách hóa hoàn thành mục tiêu “mang tiền về cho mẹ”. Bách Hóa chuyển từ các trung tâm phân phối kho hàng lớn sang các kho hàng mini và xây dựng hệ thống cửa hàng xung quanh. Thời gian di chuyển trên đường cũng được doanh nghiệp tối ưu đồng thời tăng tải trọng của xe ở mức 70% là nhân tố giúp chi phí logistic/doanh thu trong giảm xuống còn dưới 4%. 

Nhóm phân tích của KBSV nhận đinh, chuỗi bán lẻ này có thể sẽ tiếp tục tối ưu được mức chi phí Logistic/doanh thu ở mức 3.5% trong năm 2024.

Có công thức thành công, nhưng không ồ ạt mở mới

Tại Đại hội cổ đông thường niên, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Thế giới di động cho biết, doanh nghiệp thận trọng với việc mở cửa hàng mới và chưa đặt ra số lượng cụ thể.

“Việc mở ào ạt theo chỉ tiêu được giao là bài học chúng tôi đã học được từ quá khứ. Những chuyện như vậy sẽ không diễn ra nữa. Bây giờ, mở cửa hàng nào phải thẳng thì mới mở, không thì thôi”, ông Tài nói.

Nói về kế hoạch Bắc tiến, Trung tiến, người đứng đầu MWG cho biết, khi có những đồng lãi đầu tiên, việc mường tượng kế hoạch Bách tiến, Trung tiến sẽ được thực thi. Còn khi chưa có lãi, kế hoạch này buộc phải thận trọng, chậm lại.

Không mở nhiều cửa hàng, tuy nhiên, chất lượng hàng hóa và danh mục hàng tươi sống là hai yếu tố được Bách Hóa Xanh tập trung để cạnh tranh với các đối thủ. Về mặt hàng khô, ông Tài đánh giá hiện nay chất lượng hàng khô của Bách Hóa Xanh “một tám, một mười” so với siêu thị. Còn với mặt hàng tươi, Bách Hóa Xanh đang cải thiện chất lượng để nhóm hàng này có thể ngang ngửa, thậm chí tốt hơn với hàng ngoài chợ.

“Về độ vệ sinh, Bách Hóa Xanh hơn hẳn. Còn về độ tươi ngon, chúng tôi không hơn hẳn toàn bộ, nhưng với những sản phẩm chúng tôi tập trung, sẽ tốt hơn”, ông Tài nói.

Đồng quan điểm, cạnh tranh dựa vào chất lượng và danh mục sản phẩm hàng tươi sống đa dạng cũng là “chìa khóa” để Bách Hóa Xanh có thể “đem tiền về cho mẹ” của ông Nguyễn Văn Trọng, CEO Bách Hóa Xanh.

Theo Đời sống Pháp luật

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version