Gốm và nghề làm gốm trở thành một giá trị văn hóa truyền thống đẹp của nước ta. Nhưng bạn có biết ngay cả khi bỏ đi, là những mảnh vụn, những tảng thừa, gốm vẫn có nét đẹp riêng khi được tái chế?

Ngày xưa người ta đã dùng vàng ròng để sửa chữa những món đồ gốm sứ bị nứt, vỡ, còn gọi là nghệ thuật Kintsugi, xuất hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ 15. Mô phỏng theo kỹ thuật này, hoạt động tái chế gốm sứ thông qua hoạt động làm tranh, tạo ra những bức hội họa bằng các mảnh gốm sứ bỏ đi trở thành một xu hướng tái chế xanh ở làng nghề gốm Bát Tràng.

Nhiều workshop về hoạt động tái chế gốm được tổ chức trong không gian bảo tàng gốm sứ thu hút nhiều người tham gia.

Tận dụng họa tiết, màu sắc trang trí thuần túy trên những mảnh gốm sứ vỡ ngẫu nhiên kết hợp thêm chút gia vị sáng tạo ngẫu hứng biến những mảnh gốm sứ trở nên thật thơ và có hồn. Chất liệu làm tranh bao gồm gốm sứ tái chế, nguyên liệu tự nhiên như cành cây, lá khô, sò, ốc biển… màu acrylic trên nền gỗ (bìa).

Người trải nghiệm được hướng dẫn chi tiết cách sử dụng gốm tái chế cùng các vật dụng để làm nên bức tranh theo đúng ý tưởng, sở thích của họ.

Bạn có thể tham gia thử trải nghiệm nghệ thuật tái chế gốm sứ thông qua việc vẽ tranh từ các mảnh gốm sứ bỏ đi với nhiều điều hấp dẫn. Tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) có nhiều cơ sở tái chế gốm, mở ra những không gian xanh về tái chế những mảnh gốm sứ bỏ đi, biến chúng trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Phế liệu gốm sứ đã vỡ được “biến hóa” tài tình thành các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo.

Những bức tranh được tạo nên từ mảnh gốm tái chế

Tại những cơ sở tái chế này, khách trải nghiệm được hướng dẫn thực hành trong không gian trải nghiệm nghệ thuật tại Bảo tàng gốm Bát Tràng – Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. Ở đây có rất nhiều hoạt động sáng tạo thú vị, dễ làm, không chỉ giúp bạn decor nhà cửa mà còn có ý nghĩa với môi trường.

Thông qua bàn tay khéo léo của những người làm gốm tại đây, dòng tranh gốm sứ tái chế đã được ra mắt và ngày càng có thêm nhiều mẫu mới đẹp mắt. Điều này không chỉ mang lại sự thư giãn cùng nghệ thuật hội họa mà còn giảm lượng gốm sứ bỏ đi, đổ ra sông ngòi gây tắc nghẽn dòng sông ảnh hưởng môi trường, mỹ quan.

Điều này thực sự hữu ích trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian xanh ngay ở làng nghề truyền thống cũng như góp phần thúc đẩy việc tái chế rác thải làng nghề, rác thải ở dạng gốm sứ (các mảnh, tảng) bỏ đi. Cả người lớn và trẻ em đều có thể tham gia thực hành và tạo nên những bức tranh sinh động từ gốm sứ.

Tái chế gốm được giới thiệu trong một số trường học tại Hà Nội

Chị Lê Hà Phương, chủ một không gian tái chế gốm sứ Bát Tràng có tên là Gốm Sứ Xanh, chia sẻ: “Trong các liệu pháp điều trị tâm lý, vẽ tranh được chọn là phương pháp hữu hiệu để giải tỏa cảm xúc tiêu cực, cân bằng tâm lý. Vẽ tranh còn được gọi là “thiền vẽ”. Khi vẽ, người vẽ gửi gắm tâm tư, giải phóng những năng lượng bị kìm nén. Khi vẽ tranh bằng gốm là một sự kết hợp hoạt động thư giãn sáng tạo đầy tính nghệ thuật mà phía Nhật Bản đã vận dụng từ lâu”.

Được biết, Gốm Sứ Xanh đã tổ chức nhiều buổi workshop vào mỗi cuối tuần để mọi người tham gia. Tất cả đều được chị Phương cùng các cộng sự tự tay lên ý tưởng, tự tay làm từ tấm biển, cho tới các đồ dùng trang trí, gửi gắm mọi yêu thương.

“Hy vọng, mọi người đến với chúng em sẽ cảm nhận được sự thư thái, quên đi mệt nhọc đến cùng đắm mình với những mảnh gốm xinh”, chị Phương nói.

Có thể nói, tái chế gốm là hoạt động cần có và tất yếu nếu muốn bảo vệ và phát huy giá trị hơn nữa của gốm, làng nghề gốm hiện nay. Đó cũng là một hướng đi đúng đắn để bảo vệ môi trường, giảm rác thải rắn, nâng cao nhận thức của mọi người về tái chế xanh, đồng thời kích thích sự sáng tạo khi tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ gốm sứ tái chế.

Theo Báo Tuổi Trẻ.

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version