Khó có thể phát triển du lịch bền vững nếu không tiến hành cùng các hoạt động khai thác hợp lý, cân bằng nhằm giữ gìn cho chính Đà Lạt.

Ông Đặng Quang Tú (chủ tịch UBND TP Đà Lạt, thứ hai từ trái sang) giới thiệu với khách mời những đặc sản nổi bật do nông dân Đà Lạt sản xuất – Ảnh: Q.ĐỊNH

Đây là những chia sẻ của các chuyên gia, bạn đọc tại hội thảo “Du lịch xanh – phát triển bền vững” và tổng kết 20 năm triển khai chương trình “Nhãn hiệu xanh” trên địa bàn thành phố Đà Lạt được tổ chức ngày 2-12.

Du lịch bền vững hút khách

Ông Cao Thế Anh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Lạt, nói: “Người ta nghĩ Đà Lạt là du lịch rẻ. Rẻ thì có hậu quả của nó và khó mà ổn định bền vững.

Đà Lạt cần hình thành bộ tiêu chí phát triển xanh đặc trưng của Đà Lạt. Khi có bộ tiêu chí thì sẽ phổ biến đến người làm du lịch. Có như vậy chúng ta mới có thể phát triển du lịch đồng bộ. Ngoài ra, ngành du lịch cần liên kết vùng và có chương trình kích cầu ở cấp vùng.

Điều này tạo nên khả năng khai thác du lịch có chiều sâu, tăng cơ hội trải nghiệm, tiêu dùng cho du khách. Việc liên kết cũng giảm rủi ro cho ngành du lịch khi lệ thuộc quá lớn vào một thị trường”.

Ông Nguyễn Nhật Vũ – phó tổng giám đốc Dalattourist – cho biết xu hướng của khách du lịch thay đổi rất nhiều so với vài năm trước. 

Tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay sẽ còn kéo dài, không tìm kiếm giải pháp, lượng khách đến Đà Lạt sẽ tiếp tục sụt giảm. Tại doanh nghiệp này, năm nay lượng khách nội địa sụt giảm khoảng 50%. 

Tuy nhiên, nhờ kết nối vùng và hợp tác du lịch quốc tế, Dalattourist và du lịch Đà Lạt hạn chế được mức suy giảm lượng khách đáng kể.

Nhà thiết kế, hoa hậu Ngọc Hân, một người yêu mến Đà Lạt, ví von đến Đà Lạt cảm giác như được đi châu Âu. 

Hiện đang phát triển một dự án phát triển phòng tranh, ủng hộ họa sĩ trẻ sáng tác ở Đà Lạt, Ngọc Hân tự tin Đà Lạt là nơi rất phù hợp để phát triển hội họa, nghệ thuật, âm nhạc. Và tháng 10-2023, Đà Lạt đã được UNESCO vinh danh, gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

“Đà Lạt đã có sẵn một cộng đồng những nghệ sĩ, người yêu nghệ thuật ở đây, vậy nên chăng có chính sách để họ phát triển thuận lợi hơn, có thêm nhiều nghệ sĩ gieo tình yêu nghệ thuật đến công chúng, du khách”, hoa hậu Ngọc Hân đề xuất.

Du lịch Đà Lạt được định hướng phát triển du lịch gắn liền với văn hóa bản địa, cảnh quan môi trường – Ảnh: M.V.

“Phát triển du lịch cộng đồng tại Đà Lạt”, bài học nào?

Ngày 19-10 vừa qua, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã vinh danh làng du lịch Tân Hóa nhận giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023 (Best Tourism Village) tại Samarkand, Uzbekistan. 

Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn trong danh sách 260 làng đến từ 60 quốc gia tham gia dự giải năm 2023.

Ông Nguyễn Châu Á – tổng giám đốc Công ty Oxalis – cho biết sau khi đoạt giải có nhiều người thắc mắc về con đường đến vinh danh của làng quê từng là “vùng rốn lũ” này. 

Ít ai để ý, trước khi Tân Hóa được thế giới biết đến, Oxalis đã triển khai hệ thống sản phẩm tour khám phá hang động Tú Làn và mang được đoàn làm phim Kong đến đặt trường quay năm 2016.

Du lịch cộng đồng muốn phát triển thì phải có sản phẩm khiến người ta phải bỏ tiền đi đến đó. Đây là điều kiện để Tân Hóa phát triển thành làng du lịch cộng đồng.

Và đã xây dựng du lịch cộng đồng thì đừng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đừng làm xáo trộn cuộc sống hay ảnh hưởng đến văn hóa của họ, luôn ưu tiên là phải bảo vệ cộng đồng đó.

Hiện mỗi năm công ty sử dụng các dịch vụ thực phẩm, lưu trú cũng như sử dụng nguồn lao động địa phương và chi trả cho địa phương khoảng 10 tỉ đồng. Những du khách đến Tân Hóa đều không cảm thấy đây là một điểm du lịch.

“Làm du lịch cần phải người có nghề. Nếu muốn phát triển mô hình du lịch thì phải trả lời được câu hỏi: Liệu sản phẩm du lịch có thu hút được khách du lịch bỏ tiền ra hay không?”, ông Châu Á chia sẻ trước câu hỏi của bà Thái Hòa, đại diện đến từ xã Tà Nung khi xã cũng đang ấp ủ phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Đặng Quang Tú, chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, cho biết thời gian qua thành phố Đà Lạt đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận với các danh hiệu như “Thành phố thông minh Việt Nam”, “Thành phố du lịch sạch ASEAN” giai đoạn 2022 – 2024; tạp chí Lifestyle Asia đề xuất Đà Lạt là 1 trong 12 điểm đến lãng mạn nhất châu Á năm 2022 và mới đây ngày 31-10-2023 thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

“Đà Lạt đang muốn trở thành một trong những đô thị du lịch xanh của cả nước cả về môi trường cảnh quan và môi trường xã hội với các sản phẩm du lịch xanh dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 

Và chúng tôi đón nhận ý kiến của những người yêu mến Đà Lạt, cùng tâm huyết xây dựng Đà Lạt xanh phát triển bền vững”, ông Đặng Quang Tú nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version