TP.HCM vừa có văn bản triển khai mức lương tối thiểu mới, theo đó tiếp tục thực hiện trả cao hơn 7% đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao…
Thực tế nền tảng chuyên môn tốt và kinh nghiệm thực tiễn là hai yếu tố giúp nâng cao hiệu suất làm việc. Đây cũng chính là điều thị trường lao động đang “khát”, đặc biệt ở khối ngành kỹ thuật. Con số 89,4% doanh nghiệp tuyển dụng yêu cầu ứng viên có khả năng làm việc thực tế (theo Báo cáo thị trường tuyển dụng của TopCV) là minh chứng cho điều này.
NHU CẦU TUYỂN DỤNG CAO
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI), cho biết nửa cuối năm 2024, hầu hết doanh nghiệp cần lao động đã qua đào tạo với tỷ lệ gần 88%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 19,54%, cao đẳng 23,16… Nhu cầu cao nhưng khó khăn của doanh nghiệp là tình trạng “đỏ mắt” vẫn không tìm đủ nguồn lao động.
Theo bà Trần Thị Thùy Trâm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, doanh nghiệp hiện nay khó tuyển dụng được lao động là do không phù hợp giữa nhu cầu việc làm và nguồn nhân lực đang thất nghiệp. Tương tự, khảo sát của FALMI cũng chỉ rõ, mức độ yêu cầu của doanh nghiệp và mức độ đáp ứng của người lao động vẫn có độ chênh lệch đáng kể. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến lượng người thất nghiệp vẫn ở mức cao nhưng doanh nghiệp lại “khát” nhân sự.
Tương tự, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho hay tỉnh có nguồn lao động lớn, nhưng hầu hết là lao động phổ thông. Còn nhân lực có kinh nghiệm quản lý, nắm kỹ thuật công nghệ then chốt chiếm chưa đến 50% tổng số. Đây là hạn chế lớn, trở thành lực cản, làm chậm quá trình phát triển kinh tế của địa phương. “Không ít doanh nghiệp FDI khi đầu tư ở Long An, hoạt động một thời gian, không tuyển được nhân sự theo yêu cầu đã phải chuyển sang Củ Chi (TP.HCM), Bình Dương, Đồng Nai hoạt động”, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho biết.
Ngày 13/7/2024, hơn 40 doanh nghiệp đã tham gia chương trình Kết nối doanh nghiệp và ngày hội việc làm cho sinh viên tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM). Bà Lữ Thị Phương Trúc, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM&DV THAICO, cho biết doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu lao động là kỹ sư có tay nghề. Ông Hồ Ngọc Vũ, đại diện Phòng Đào đạo Daikin Việt Nam, chia sẻ: trong tình trạng thiếu nhân lực qua đào tạo, công ty và nhà trường đã phải phối hợp để đào tạo và sát hạch kỹ thuật viên, sinh viên theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của công ty. Trung bình mỗi năm, chương trình này đào tạo khoảng 200 học viên đạt chuẩn.
Ở phía Bắc, ông Trịnh Ngọc Thọ, Phó Giám đốc kinh doanh Chi nhánh Công trình Viettel Hà Nội, cho biết Công ty hiện đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho 5 vị trí khác nhau, như: kỹ thuật viên, nhân viên kinh doanh… với mức lương từ 12 – 17 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập khoảng 22 – 25 triệu đồng/tháng. Do yêu cầu mở rộng hoạt động, từ nay đến cuối năm, đơn vị cần tuyển dụng số lượng lớn lao động có trình độ cao thông qua nhiều kênh từ online đến trực tiếp.
Từ góc độ đơn vị kết nối tuyển dụng lao động, ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, đánh giá thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã thay đổi xu hướng tuyển dụng. Đa số nhu cầu hướng tới lao động có chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, trong khi lao động này thị trường Việt Nam khá thiếu.
Hiện nay, cơ hội nghề nghiệp rộng mở, lao động có thể bỏ làm công nhân để ra ngoài bán hàng online, chạy grab,… miễn là có thu nhập cao. Vì thế, để doanh nghiệp có thể tuyển dụng được lao động như ý cần có mức tiền lương, môi trường làm việc cũng như chế độ làm việc hấp dẫn…
Theo KTVN