Việt Nam đã có cam kết với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng khí carbon bằng 0 vào năm 2050. Thế nhưng, thời điểm này, tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực phát thải nhiều khí carbon như xi măng, nhựa… mới chỉ bắt đầu “rục rịch” bước vào quá trình thực hiện cam kết này.
Tốc độ thay đổi để giảm phát thải rất chậm
Tháng 12/2022, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20% và 25 – 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 vào năm 2050.
Tại Việt Nam, các lĩnh vực phát thải carbon chính là ngành sản xuất xi măng, thép, nhựa. Đây cũng là những đối tượng chính chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg yêu cầu thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2024 và đề xuất giảm phát thải khí nhà kính, biện pháp, giải pháp can thiệp.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ – Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, hiện nay, ngành xi măng của nước ta đang đứng top 3 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu clinker (thành phần chính của xi măng). Tuy nhiên, không phải vì chúng ta thực sự mạnh mà vì các nước hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… đang giảm thiểu sản xuất mặt hàng này.
Ông Kỳ nhìn nhận, tốc độ thay đổi của các doanh nghiệp trong nước hướng tới việc giảm phát thải khí carbon là rất chậm. Các doanh nghiệp đều biết về việc này nhưng có cảm giác như mọi người vẫn nghĩ đây là việc rất xa xôi, chưa ảnh hưởng tới mình. Hiện nay, đối với ngành xi măng và sắt thép, khó khăn lớn nhất là vấn đề chuyển đổi từ dây chuyền, quy trình sản xuất cũ sang công nghệ hiện đại.
“Sản xuất xi măng, sắt thép hiện nay tiêu thụ than quá nhiều. Than không những thải ra CO2 mà còn tạo ra lượng chất thải rắn khủng khiếp. Chất thải rắn hiện nay chưa xử lý được, hiện nay 70% lượng chất thải rắn của Việt Nam là chôn lấp”, ông Kỳ nói.
Bà Huỳnh Thị Mỹ – Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam cho biết, một số doanh nghiệp lớn trong ngành nhựa có sự quan tâm ban đầu nhưng đến nay vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Khó khăn của ngành nhựa là đa số doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ và vừa (chiếm 90%), do đó cả ý thức và hành động để chuyển đổi công nghệ sản xuất đều hạn chế.
Theo bà Mỹ, thời gian tới, ngành nhựa phải tuân thủ kinh tế tuần hoàn, thu gom tái chế, có giải pháp đáp ứng về môi trường. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành nhựa, bà Mỹ đề xuất: “Về phía Nhà nước, cần phải có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng, cũng như các khóa đào tạo để nhà xưởng cử cán bộ đi học”.
Phải có quy định cụ thể hơn về mặt chế tài
Theo ông Nguyễn Sỹ Linh – Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lần kiểm kê khí nhà kính mới nhất cho thấy mức phát thải của Việt Nam là khoảng 316 triệu tấn. Với mức này, Việt Nam đang đứng thứ 27 trong số các nước có lượng phát khí nhà kính lớn trên thế giới và đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Linh, phía Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng chung để góp phần giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp và người dân cũng cần đóng góp vai trò để thực hiện mục tiêu này. Trong đó, người dân cần chuyển sang tiêu dùng theo hướng bền vững. Còn doanh nghiệp cần chuyển đổi sang sử dụng các loại năng lượng ít phát thải hơn hoặc sử dụng công nghệ carbon thấp.
Về mặt chế tài, ông Linh cho biết Nghị định 06/2022 của Chính phủ quy định về giảm phát thải khí nhà kính, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bắt đầu định hình các chế tài nhưng vẫn chưa có mức cụ thể. Để nâng cao hiệu quả, ông Linh đề nghị: “Tạm dừng kinh doanh hoặc không cung cấp điện để các doanh nghiệp đó sản xuất. Hy vọng trong những lần sửa đổi, cập nhật sau thì sẽ có những quy định cụ thể hơn để doanh nghiệp thấy những lợi ích khi thực hiện và những hình phạt khi không thực hiện”.
Quá trình để doanh nghiệp nhận thức và đi vào chuyển đổi công nghệ sản xuất cần có thời gian. Do đó, để thúc đẩy tốc độ chuyển đổi nhằm đáp ứng mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 thì ngay từ bây giờ phải có khung pháp lý rõ ràng, với những chế tài nghiêm khắc cùng với chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp./.
Theo VOV