Với những lợi thế của một nền kinh tế năng động bậc nhất cả nước và nguồn nhân lực chất lượng cao, Đông Nam bộ hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò tiên phong hướng đến nền kinh tế xanh.

DIỆN TÍCH NHỎ, ĐÓNG GÓP LỚN

Đông Nam bộ là vùng có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nơi chuyển tiếp giữa Nam Trung bộ, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây còn là một trong những vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, phát triển đất nước. Trong những năm qua, nhận thức đúng vị trí, vai trò, tiềm năng của mình, các địa phương trong vùng đã quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, không ngừng phát huy lợi thế nhiều mặt, tập trung thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh)

Với diện tích chiếm 9% và dân số chiếm 20% cả nước nhưng vùng Đông Nam bộ đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Sự liên kết, hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa các tỉnh, thành phố ngày càng được tăng cường và có nhiều điểm sáng. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước. Đông Nam bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Đây cũng là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm hơn 41% tổng vốn FDI cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt 67%, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước. TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.

Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Bộ Chính trị đã đánh giá toàn diện vai trò động lực, đầu tàu, tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của vùng. Nghị quyết chỉ ra nhiều lợi thế trong phát triển của vùng dựa trên các đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, nguồn lực đầu tư tài chính và thu hút FDI…

Trung ương đề ra mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại.

Các khu đô thị ở Bình Dương được đầu tư bài bản, dành nhiều quỹ đất làm công viên, cây xanh, tiện ích công cộng

Đến năm 2045, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

CHUYỂN ĐỔI KHU CÔNG NGHIỆP LÀ HƯỚNG ĐI TẤT YẾU

Đông Nam bộ là vùng có nhiều khu công nghiệp hình thành sau ngày đất nước thống nhất, mà cái tên đầu tiên chính là khu chế xuất Tân Thuận ra đời năm 1991. Tiếp đó, Khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM), Khu công nghiệp Biên Hòa II, Loteco, Amata, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Khu công nghiệp Sóng Thần I và VSIP I (Bình Dương) ra đời mang lại luồng sinh khí mới cho ngành công nghiệp sản xuất chế tạo khu vực phía nam. Không chỉ đóng góp cho xuất khẩu, các khu công nghiệp còn giải quyết việc làm cho lao động các tỉnh, thành khu vực phía bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau hơn 30 năm phát triển, chủ yếu là những ngành thâm dụng lao động, các khu công nghiệp không còn lựa chọn nào khác là phải chuyển đổi mô hình hoạt động. Xu hướng chung vẫn là tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp. Đồng thời, tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Khu công nghiệp sinh thái cũng là một hướng đi mới mà các địa phương có thể nghiên cứu trong lộ trình chuyển đổi nhằm khai thác tối đa quỹ đất.

Một góc TP.Dĩ An, Bình Dương

Cũng cần lưu ý thêm, lộ trình chuyển đổi khu công nghiệp ở khu vực Đông Nam bộ cần gắn liền, thậm chí là tiên phong, thực hiện những cam kết của Việt Nam về bảo vệ môi trường. Tại Hội nghị Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam tham gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Việt Nam cũng tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu, tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới nền kinh tế carbon thấp, đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc. Như vậy, xu thế chuyển đổi khu công nghiệp sang theo hướng phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường là hướng đi tất yếu của Việt Nam nói chung cũng như Đông Nam bộ nói riêng.

Vùng Đông Nam bộ đóng góp tỷ trọng 35% xuất khẩu cả nước. Trong ảnh, doanh nghiệp sản xuất ở tỉnh Bình Dương

Tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển và Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM đã xây dựng đề án thí điểm chuyển đổi 5 khu công nghiệp, khu chế xuất. Cụ thể, Khu chế xuất Tân Thuận từ nay đến hết thời hạn thuê đất vào năm 2041 sẽ chuyển đổi theo hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Khu công nghiệp Cát Lái chuyển đổi thành khu công nghiệp chuyên ngành logistics; Khu công nghiệp Tân Bình phát triển theo mô hình dịch vụ; Khu công nghiệp Bình Chiểu chuyển đổi theo hướng nhà xưởng cao tầng, thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; còn Khu công nghiệp Hiệp Phước sẽ chuyển đổi theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.

HỘI ĐỦ ĐIỀU KIỆN CHO NỀN KINH TẾ TRI THỨC

Theo Báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2011 – 2022 của Bộ GD-ĐT, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 1.007 cơ sở so với năm học 2010 – 2011). Đặc biệt, giáo dục đại học của vùng ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước với 57 trường đại học và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều trường đại học đã được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Đại học Quốc gia TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực.

Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 70.000 sinh viên và 6.000 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 86%, cao hơn bình quân cả nước. Còn nếu tính riêng tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên, con số này của cả vùng khoảng 7%. Hòa mình trong một vùng kinh tế sôi động nhất cả nước, người dân có xu hướng tìm tòi, học hỏi những cái mới và sẵn sàng thử thách bản thân.

Với nguồn nhân lực và trình độ dân trí, giáo dục khá cao so với mặt bằng chung của cả nước đã tạo ra lợi thế quan trọng thúc đẩy sự phát triển của vùng gắn với kinh tế tri thức và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vùng kinh tế năng động với đầu tàu là TP.HCM sẽ là một lợi thế cạnh tranh về không gian để thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng và từng địa phương. Với hướng đi trên, kinh tế tri thức và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ góp phần tạo ra sự phát triển vượt bậc, nhanh và bền vững cho Việt Nam và Đông Nam bộ.

Khu vực Đông Nam bộ còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong ảnh là lễ hội ở tỉnh Bình Phước

Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong việc phát triển theo hướng xanh, phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi cần phải có một lộ trình với tổng thể các biện pháp, kế hoạch, dự án và chương trình. Trước tiên, cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách gắn với mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Thứ hai, cần chuẩn bị lực lượng “nhân lực xanh” đáp ứng yêu cầu của công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số. Thứ ba, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó chú trọng hạ tầng gắn với phát triển xanh, bền vững, đảm bảo hệ thống logistics lớn hiệu quả như sân bay, cảng biển kết nối phát triển. Thứ tư, cần có các chính sách thu hút đầu tư, lựa chọn loại hình, đơn vị đầu tư quy mô, uy tín để thu hút và tạo đà cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và vùng.

Tựu trung lại, xây dựng thể chế để kiến tạo cho nền kinh tế xanh vẫn giữ yếu tố quyết định. Ở đây, vai trò của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch hội đồng đóng vai trò quan trọng, không chỉ là ban hành cơ chế mà còn điều phối nguồn lực, tránh trùng lắp, manh mún giữa các tỉnh, thành.

Tổng quan vùng Đông Nam bộ

Theo thanhnien.vn

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version