Đây là nhận định của GS Võ Tòng Xuân về lĩnh vực đạt kỷ lục xuất khẩu của Việt Nam.

LTS: Vài tháng trước, khi có ý định viết về triển vọng của ngành lúa gạo Việt Nam, chúng tôi đã xin được phỏng vấn GS Võ Tòng Xuân. Là người luôn trăn trở vì tương lai nông nghiệp Việt Nam, ông ngay lập tức nhận lời và trao đổi rất nhiệt tình. Đáng tiếc là vì một vài lý do, bài phỏng vấn đã không lên trang được ngay lúc đó. 

Hôm nay, nhà khoa học của ruộng đồng đã về với thế giới người hiền, nhưng những đóng góp to lớn của Giáo sư với nông nghiệp thì vẫn từng ngày mang lại thành quả, “giúp người nông dân bớt khổ” như mong muốn cả đời của ông. Xin trân trọng gửi quý độc giả những ý kiến tâm huyết của GS Võ Tòng Xuân như một sự cổ vũ cho những người sẽ tiếp bước ông, đưa lúa gạo Việt Nam vươn lên mạnh mẽ.

3 thế mạnh độc đáo của gạo Việt Nam

GS Võ Tòng Xuân bày tỏ niềm vui, sự phấn khởi về kết quả đạt được ấn tượng của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong năm 2023. Ảnh: MH

Là người gắn bó và có nhiều đóng góp to lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam, theo Giáo sư, lúa gạo Việt Nam có những thế mạnh nào để giành được chỗ đứng trên thị trường quốc tế?

GS Võ Tòng Xuân: Ngành lúa gạo của Việt Nam gần đây liên tiếp nhận được những kết quả rất đáng mừng. Tôi thấy vui và rất tự hào!

Còn nói về thế mạnh, theo tôi, thế mạnh đầu tiên của gạo Việt Nam là các nhà lai tạo giống của chúng ta đã ghép thành gene thơm với gene ngắn ngày, năng suất cao trên cây lúa.

Thế mạnh thứ hai là nước ta đã quy hoạch được một vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở cuối nguồn của hệ thống sông Cửu Long. Đây là nơi được quy hoạch là vùng an ninh lương thực của Việt Nam, với diện tích khoảng 1,5 triệu ha. Ưu điểm của vùng này là không thiếu nước ngọt và không bị ảnh hưởng của nước mặn. Đây là lợi thế mà các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia… không thể có được.Trong khi nhiều quốc gia đang bị biến đổi khí hậu tác động mạnh thì Việt Nam vẫn có thể sản xuất được nhiều vụ lúa cao sản nhờ biết sống chung với hiện tượng này.

Chúng ta có thể tự hào nói với các khách hàng rằng: “Biến đổi khí hậu thì cũng đừng lo, chúng tôi có thể cung cấp gạo đầy đủ cho các anh, đặc biệt còn là gạo ngon nữa” (cười – PV). Bà con nông dân cũng có thể an tâm hơn nhiều.

Thế mạnh thứ ba là nhờ Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ban hành vào ngày 17/11/2017. Tôi gọi đây là “nghị quyết thuận thiên” vì nhờ có nó, bà con nông dân có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Từ đó, hệ thống canh tác lúa luân canh kết hợp với nuôi tôm đã phát triển vượt bậc và thu nhập của người nông dân cũng được cải thiện nhiều.

Ngoài ra, bà con nông dân hiện nay cũng giảm sử dụng phân hóa học, tăng cường phân hữu cơ vi sinh. Nhờ vậy, vùng trồng lúa được phục hồi, đồng thời giảm phát thải các khí nhà kính như NO2, N2O (hai khí độc hơn nhiều lần CO2). Đây là minh chứng cho khả năng thích ứng của nông dân Việt Nam trong tình hình mới. Việc này không chỉ giúp bà con đáp ứng được tiêu chuẩn của thế giới mà còn giúp giảm chi phí sản xuất vì dùng ít phân bón hơn.

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 5,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 25% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam hiện đang ở mức rất cao. Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2024 có thể cán mốc khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD. Đây sẽ là mức kỷ lục mới của ngành.

Nói về việc giảm phát thải trong ngành lúa gạo Việt Nam, Giáo sư đánh giá thế nào về Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”?

GS Võ Tòng Xuân: Đề án này rất có ý nghĩa. Khi triển khai Đề án, sản xuất lúa gạo sẽ không còn manh mún, nhỏ lẻ nữa mà sẽ tập trung vùng rộng lớn phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, thực hiện thành công Đề án này còn giúp khai thác được chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó có tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp.

Hơn nữa, theo tôi thấy, mục tiêu kép của Đề án này là giúp người nông dân giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải. Thực hành đúng, bà con có thể có thêm một nguồn thu nữa từ tín chỉ carbon. 

Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp gạo của Việt Nam có được sự ưu tiên hơn khi xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới. Việc thực hiện thành công Đề án này sẽ giúp nâng tầm lúa gạo của Việt Nam.

Cũng phải nói thêm rằng, xuất khẩu gạo thì chúng ta hiện không có khó khăn gì hết, bởi thị trường đang cần mà. Thái Lan, Ấn Độ đều không có đủ gạo để xuất khẩu. Trong khi đó, gạo của chúng ta có đủ.

Như ông nói thì Đề án mang lại rất nhiều lợi ích. Nhưng làm thế nào để người nông dân thấy được những cái lợi đó và thay đổi thói quen canh tác phù hợp với các yêu cầu của Đề án?

Lúa gạo của Việt Nam có nhiều thế mạnh so với các quốc gia khác trên thế giới. 

GS Võ Tòng Xuân: Đúng là cái khó khăn nhất khi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chính là từ phía người nông dân. Nhiều người vẫn muốn làm theo kiểu cũ, ngại thay đổi. 

Để thuyết phục người nông dân, chi cục Khuyến nông các địa phương nên tiến hành làm thử theo quy trình chuẩn về trồng lúa để người nông dân thấy được làm như vậy là hơn cách làm cũ. Chẳng hạn, các cán bộ, chuyên gia có thể dùng các máy móc, thiết bị được trang bị để tiến hành đo các khí như CH4, CO2, N2O ngay tại chỗ để người nông dân thấy được việc làm đúng theo Đề án thì sẽ không hoặc giảm phát thải khí nhà kính. 

Thay vì chỉ nói lý thuyết, theo tôi, cán bộ, chuyên gia nên “xắn quần, lội ruộng” để trình diễn cách làm chuẩn. Mình làm thật thì người nông dân mới tin tưởng và làm theo tiêu chuẩn mới trên diện rộng. Sau đó, cần phải tổ chức cho những người nông dân vào hợp tác xã thì họ mới làm đồng nhất được.

Cái khó thứ hai là về vấn đề tiêu thụ. Dĩ nhiên là bây giờ vấn đề xuất khẩu với chúng ta rất dễ. Nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần liên kết với các nông dân để bảo đảm loại gạo đó là gạo ngon và không phát thải khí nhà kính. Vai trò của doanh nghiệp trong việc này là rất quan trọng. 

Các doanh nghiệp phải làm hợp đồng trước với nông dân. Còn người nông dân cũng phải sản xuất trong quy mô hợp tác xã để đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng của gạo đồng đều. Nếu để nông dân mạnh ai nấy làm thì chúng ta không biết quy trình có được thực hiện đúng hay không, việc truy xuất nguồn gốc gạo cũng sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, để duy trì, phát triển và mở rộng Đề án lâu dài, tôi nghĩ sau khi làm được một vụ thì mình sẽ đánh giá xem có cần điều chỉnh gì không, chẳng hạn như liều lượng phân bón, lượng nước, thuốc bảo vệ thực vật, cách làm nói chung…. Giống lúa cũng phải dùng các giống đã được xác nhận chứ không nên dùng giống lúa cũ từ mùa gặt trước. Về phía nhà doanh nghiệp, phải có các nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Ngày 26/6, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2024 diễn ra tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc), tại phiên thảo luận, về vấn đề thúc đẩy phát triển xanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang rất tích cực để giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. Theo Báo điện tử Chính phủThủ tướng nhấn mạnh, đây là dự án đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này.

Tương lai ngành lúa gạo Việt Nam rất sáng và hiện đại

GS Võ Tòng Xuân chia sẻ những kỳ vọng của ông với ngành hàng lúa gạo của Việt Nam. Ảnh: MH

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải làm gì để tận dụng thế mạnh và thích ứng với tình hình mới, thưa GS?

GS Võ Tòng Xuân: Ngành hàng lúa gạo của Việt Nam có nhiều cơ hội và thế mạnh, nhưng đáng tiếc là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước vẫn chưa tận dụng được. Nhiều nông dân hiện nay còn canh tác rất manh mún, nhỏ lẻ, trong khi phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại không có vùng nguyên liệu. Họ phải tranh mua, tranh bán với các thương lái. Thậm chí, để bán được cho thương lái quốc tế, họ còn tự hạ giá gạo. Đây cũng là nguyên nhân khiến có lúc giá gạo bị sụt giảm, không theo mức giá mà chúng ta mong muốn xuất khẩu gạo.

Hơn nữa, các doanh nghiệp vẫn còn thụ động, có khi chờ khách hàng tới thì mới lo đi kiếm gạo, thu mua gạo để xuất khẩu. Chính những điều này khiến chúng ta chưa tối đa hóa được lợi nhuận trong ngành lúa gạo.

Trong thời gian tới, Việt Nam thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL thì vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Các doanh nghiệp nên chủ động đi các nước tìm khách hàng, ký trước các hợp đồng, bởi nhờ các chính sách đúng đắn, kịp thời, lúa gạo của chúng ta có thể “sống chung với biến đổi khí hậu”, nước ngọt quanh năm không thiếu và đáp ứng được những yêu cầu cao của thị trường.

Sau khi doanh nghiệp ký được hợp đồng rồi thì về trình với chính quyền địa phương, để từ đó có sự sắp xếp về vùng nguyên liệu. Những người nông dân nằm trong vùng quy hoạch này nếu có sẵn hợp tác xã thì tốt. Bởi chúng ta chỉ cần củng cố lại hợp tác xã với cách làm mới của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Còn nếu người dân địa phương vẫn đang canh tác nhỏ lẻ thì thuyết phục họ làm trên diện tích lớn để doanh nghiệp này vay được tiền của Ngân hàng Thế giới nhằm sắp xếp, xây dựng lại đồng ruộng.

Có vốn từ giai đoạn đầu, bà con có thể mua sắm vật tư, chọn giống để thực hiện đồng loạt kỹ thuật. Nếu họ làm được như vậy thì sẽ ra được cây lúa nguyên liệu rất là đồng nhất, rất sạch mà giá thành sản xuất lại thấp. 

Tuy nhiên, tất cả mọi thứ đều phải tùy thuộc vào thị trường. Nếu thị trường yêu cầu nhiều hơn thì chúng ta phải sản xuất nhiều hơn. Ngược lại, nếu thị trường chững lại thì chúng ta cũng phải tính toán lại. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải nghe ngóng tình hình thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất của mình. Cái này thì nông dân không phải lo bởi đó là việc của các nhà quản lý và các doanh nghiệp. Ngày xưa ông bà mình gọi “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách“. Còn bây giờ “Nông nghiệp mà hưng vong là do doanh nghiệp phụ trách“. Doanh nghiệp cần đi khắp nơi để tìm thị trường cho nông dân sản xuất lúa gạo. Đây là điều rất quan trọng.

Theo GS Võ Tòng Xuân, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước vẫn còn thụ động, chưa tận dụng được thế mạnh của ngành hàng này. Ảnh minh họa

Với việc khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, GS có kỳ vọng gì về ngành lúa gạo Việt Nam?

GS Võ Tòng Xuân: Với những lợi ích to lớn của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tương lai của ngành lúa gạo Việt Nam sẽ rất sáng và hiện đại. Chúng ta phải đổi mới thì mới giàu được, không thể làm mãi cách ta đã làm hàng chục năm trước. Tôi có 3 kỳ vọng lớn.

Thứ nhất, các nhà làm chính sách đi sâu, đi sát hơn với ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là trong việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Thứ hai, các nhà khoa học lai tạo giống, tôi hy vọng họ có thể lai tạo được nhiều giống lúa mới hơn, đồng thời giữ vững các giống đang có.

Thứ ba, doanh nghiệp tiếp tục giữ vững thị trường để tạo đầu ra bền vững cho bà con nông dân. Tùy theo nhu cầu về loại gạo, sản lượng gạo của mỗi nhóm người sử dụng, các doanh nghiệp cần đưa ra phương án sản xuất hợp lý. Việc sản xuất lúa gạo không phải chỉ làm 1 giống (chẳng hạn như ST25) mà cần phải làm nhiều giống, nhằm phục vụ theo nhu cầu của nhiều thị trường trên thế giới.

Theo tôi, các doanh nghiệp có thể sử dụng các thương lái giống như những huấn luyện viên. Họ sẽ phải theo dõi nông dân xuyên suốt trong cả quá trình, từ bước chọn giống, kỹ thuật trồng rồi tới chăm sóc ra sao để đạt được sản lượng và chất lượng đồng đều.

Thứ tư, về phía người nông dân. Dĩ nhiên người nông dân phải sản xuất thôi. Nông dân phải đổi mới nếu không muốn “nghèo hoài”. Chỉ có đổi mới thì người nông dân mới giàu được. Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, nông dân có cơ hội đổi đời và tương lai rất xán lạn. Nông dân chủ động đổi mới sẽ có cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình, đồng thời góp phần thúc đẩy lĩnh vực khoa học, nông nghiệp của nước nhà phát triển.

Sau này, khi quan hệ doanh nghiệp – nông dân khăng khít hơn, tôi nghĩ phía doanh nghiệp có thể mời bà con nông dân trở thành cổ đông. Khi đó, ngoài “tiền tươi” nhận từ việc bán lúa gạo, nông dân còn được thêm tiền lời vào hàng năm nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi. Nếu được như thế, tôi nghĩ sẽ là bước phát triển đỉnh cao nhất của người nông dân trồng lúa. Điều này đúng như tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng“.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chính là hướng đến xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, đồng thời 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như “1 phải 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt sẽ được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Theo ĐSPL

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version