Chỉ cần vứt một chiếc túi ni lông, một chai nước ở tận vùng núi xa xôi của Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái… thì rồi nó cũng trôi theo dòng nước ra biển, hòa vào đại dương hoặc nằm lại dưới lòng đất hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường. Nhận thức được điều đó, Việt Nam đã có những mô hình du lịch xanh mang lại lợi ích cho môi trường, sức khỏe con người. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, du lịch Việt Nam cần nhiều hơn những mô hình như vậy.
Việt Nam đã có mô hình du lịch xanh
Nếu lâu không đến Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi dạo bước trong khu di tích. Đường làng, ngõ xóm phong quang sạch đẹp, mang lại cảm giác bình yên, khoan khoái khác hẳn trước đây khi một số hộ dân kinh doanh tự phát gây ra một số vấn đề về vệ sinh môi trường, rác thải có lúc bừa bãi, mất mỹ quan.
Tương tự, tại huyện Gia Viễn (Ninh Bình), Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Thị Dược dẫn chúng tôi tới các điểm di tích ở đây và cho biết, huyện đã phát động những chiến dịch để tạo môi trường xanh, sạch, đẹp như mô hình mỗi người lái đò là một tuyên truyền viên tích cực nhất; mô hình tặng giỏ “Chở xanh, thở lành” để du khách bỏ rác; chương trình “Ngày chủ nhật xanh”, “Hộp quà xanh-điều em muốn nói” để học sinh được trải nghiệm những mô hình của làng nghề và nâng cao ý thức giữ gìn môi trường… Chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường của huyện Gia Viễn được tổ chức một cách gần gũi, cụ thể với cộng đồng địa phương theo nhiều hình thức.
Nhân dân chung tay làm đẹp cảnh quan Khu di tích Thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN NGHỊ |
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Côn Đảo là địa phương đầu tiên của tỉnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại Côn Đảo, nhiều mô hình khuyến khích khách du lịch, người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa đã đem lại hiệu quả. Các tour du lịch nhặt rác, làm sạch biển, thu gom rác dưới rạn san hô, trồng rừng… được nhiều doanh nghiệp xây dựng thu hút du khách”.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, phát triển du lịch xanh được định hướng trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, nhiều địa phương, điểm đến đã tiên phong phát triển du lịch xanh. Tiêu biểu phải nói tới Hội An (Quảng Nam) đã chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa”; huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cũng áp dụng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi ni lông, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Chủ đề du lịch xanh cũng được lựa chọn trong các sự kiện du lịch có quy mô quốc gia…
Cần cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển du lịch xanh
Du lịch xanh không chỉ là đến những điểm du lịch gắn liền với thiên nhiên, tuyên truyền, giáo dục du khách bảo vệ môi trường, hạn chế tác động đến nét đẹp nguyên bản của thiên nhiên mà còn xoay quanh những giá trị bản sắc cộng đồng cần được gìn giữ, tôn tạo và phát triển tạo nên nét hấp dẫn du khách. Đây là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng nghèo đói, việc làm tại địa phương và đa dạng hóa kinh tế. Thế nhưng, bên cạnh những điểm sáng đáng tự hào, du lịch xanh ở nhiều địa phương còn không ít rào cản, manh mún. Trên thực tế, ở nhiều trung tâm du lịch nổi tiếng thường xuyên quá tải cả người và rác thải vào dịp lễ, tết. Đáng nói là nhận thức của một bộ phận du khách, một số cộng đồng địa phương về du lịch xanh còn hạn chế. Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: Khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư vào hạ tầng và các tiện ích hỗ trợ để phát triển du lịch xanh hay sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý hiểu sâu về môi trường và ngành du lịch đôi khi chưa thực sự hiệu quả; thực tế công tác tổ chức hoạt động du lịch xanh chưa thường xuyên, hợp tác giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương đôi khi chưa chặt chẽ… đều ảnh hưởng không nhỏ tới việc hiện thực hóa du lịch xanh.
Đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch xanh bền vững tại Việt Nam, ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cần nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi vì mục tiêu phát triển du lịch xanh ở Việt Nam, cụ thể là nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và văn hóa (đặc biệt hướng đến khách du lịch nội địa); giám sát các tác động của du lịch đến môi trường tự nhiên, văn hóa và tìm kiếm các giải pháp phát triển du lịch xanh… Cùng với đó, cần cải thiện năng lực quản lý lượng khách du lịch tại các điểm đến du lịch; giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường trong kinh doanh du lịch và đặc biệt là tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan, thúc đẩy sự tham gia của người dân, xã hội và các doanh nghiệp du lịch vào công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa…
Từ kinh nghiệm của địa phương mình, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển du lịch xanh, bền vững. Trong đó quan trọng là chính sách thuê đất, sử dụng tài nguyên để phục vụ phát triển du lịch xanh.
Nguồn: qdnd.vn