Thị trường sản phẩm xanh tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường và bền vững…
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2023. 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Điều này được thể hiện qua mức độ phổ biến của các sản phẩm xanh thuộc các ngành hàng khác nhau. Báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đạt giá trị 100 triệu USD vào năm 2023, tăng trưởng 20% so với năm 2020. Doanh số bán sản phẩm tẩy rửa sinh học tăng 15% trong năm 2022 so với năm 2021.
Ngành thời trang bền vững tại Việt Nam cũng thu hút hơn 1 triệu người tiêu dùng trong năm 2023. Các khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm được dán nhãn “xanh”. Theo Nielsen, 60% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào các sản phẩm này, và 55% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường.
Trước xu thế đó, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh và coi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng tất yếu của sự phát triển bền vững. Trong khuôn khổ chương trình Tin Dùng Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy xin giới thiệu 5 doanh nghiệp hàng tiêu dùng tiêu biểu cho xu hướng này.
HERB N’ SPICE
Herb n’ Spice là một thương hiệu mỹ phẩm thuần chay Việt Nam được thành lập năm 2016. Herb n’ Spice được ra đời từ nguồn cảm hứng trân quý sự tinh hoa thiên nhiên nước nhà. Cái tên Herb n’ Spice là sự cân bằng giữa Yin-Yang (âm dương hòa hợp) mang đậm chất y học phương Đông.
Các sản phẩm sử dụng nguyên liệu làm được tuyển chọn kỹ càng, có nguồn gốc từ thiên nhiên như dầu thông núi rừng Đà Lạt, sữa dê đồng cỏ Ninh Thuận, mật ong rừng U Minh, trà xanh Cầu Đất,… Sản phẩm được sản xuất ngay tại địa phương lấy nguyên liệu, giảm tải lượng khí CO2, thân thiện với môi trường. Hiện thương hiệu này đang có 3 dòng sản phẩm chính: Xà phòng thủ công, Nước hoa khô thủ công, Phụ kiện tắm len thủ công.
DÒNG DÒNG SÀI GÒN
Dòng Dòng Sài Gòn là thương hiệu sản xuất túi xách tái chế từ những tấm bạt cũ hoặc bạt vụn. Đội ngũ nhân viên tại đây đã liên hệ, tìm gặp các tiệm lắp đặt bạt che tại Sài Gòn để thu gom bạt cũ, sau đó mang về tẩy rửa sạch sẽ bằng các vật liệu an toàn với môi trường. Tiếp theo, công đoạn may sản phẩm sẽ được thực hiện thủ công tỉ mỉ nhằm hạn chế tối đa bạt vụn, cuối cùng là giao thành phẩm đến tay người dùng bằng bao bì tái chế.
Tháng 10/2022, thương hiệu Pizza 4P’s đã hợp tác cùng Dòng Dòng Sài Gòn thiết kế những cuốn menu, bìa đựng hóa đơn và giỏ đựng đồ bằng bạt tái chế cho cửa hàng mới. Cả hai thương hiệu đã sử dụng những tấm bạt cũ của một quán cafe tại Thủ Đức để in ấn, may và thiết kế sản phẩm. Trên những cuốn menu cũng được in thông điệp bằng tiếng Việt và Anh: “Bìa vải màu xanh này từng là mái bạt cho quán cafe tại Thủ Đức”.
MỸ PHẨM COCOON
Cocoon đã xuất hiện trên thị trường với định vị là một thương hiệu mỹ phẩm thuần chay. Từ đó, các hoạt động marketing của thương hiệu luôn thể hiện tình yêu thiên nhiên, cũng như thực hiện sứ mệnh bảo vệ môi trường. Một trong những hoạt động nổi bật của Cocoon là “Thu hồi pin cũ – Bảo vệ Trái Đất xanh”. Cứ 10 viên pin cũ được thu hồi, người dùng sẽ nhận được một sản phẩm son dưỡng dầu dừa của Cocoon.
Ngoài ra, thương hiệu cũng nỗ lực giảm thiểu nhựa ra môi trường khi liên tục triển khai chương trình “Đổi vỏ chai cũ – Nhận sản phẩm mới”. Người dùng có thể đóng gói các vỏ chai/hũ rỗng còn nguyên vẹn, được vệ sinh sạch sẽ và gửi đến văn phòng của Cocoon để nhận về các sản phẩm mới.
THỜI TRANG TIMTAY
TimTay là thương hiệu thời trang thiết kế “thuần Việt” theo đuổi phong cách sống bền vững và thân thiện với môi trường được sáng lập bởi hai chị em Hoàng Tú và Hoàng Anh. “Tim” là trái tim, “tay” là bàn tay – hàm ý thể hiện những thiết kế làm ra đều xuất phát từ tâm, từ những đôi bàn tay yêu thích thủ công.
Trong suốt gần 10 năm phát triển, TimTay vẫn luôn kiên trì theo đuổi phong cách sống bền vững và thân thiện với môi trường từ việc sử dụng các chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như tơ tằm nguyên chất, sợi bông, sợi lanh… để góp phần giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường và đem lại cảm giác thoải mái cho người mặc. Trong quá trình sản xuất, các nguyên liệu thừa, vải thừa luôn được giữ lại để tái sử dụng và tái chế thành các sản phẩm khác. Nhờ vậy, TimTay vẫn luôn là một trong những thương hiệu thời trang bền vững ở Việt Nam được đông đảo khách hàng yêu thích và tin cậy.
THỜI TRANG MÔI ĐIÊN
Với tầm nhìn và ngôn ngữ thiết kế khác biệt, cùng sự kiên định và “lá gan” dám thay đổi thị hiếu, Môi Điên đã dẫn đầu cuộc chơi thời trang bền vững trên thị trường Việt Nam bằng những thiết kế độc nhất. Khi “sustainable fashion” còn là ý niệm sơ khai với đại đa số người tiêu dùng, những thương hiệu địa phương cần người tiên phong đáng học hỏi và tán thưởng như Môi Điên.
Khuếch tán sự đa dạng bền vững là một trong những giá trị cốt lõi của Môi Điên, nên không lạ khi BST Nghề “KAO” được thành hình từ những mảnh vải vụn nhà máy và vải thừa 100% cotton. Kĩ thuật xử lý làm sạch và tái tạo thủ công được ứng dụng để giảm thiểu gia tăng khí thải carbon từ quá trình sản xuất, đồng thời thúc đẩy thói quen gia công bền vững “Zero Waste” cho thị trường thời trang Việt Nam.
Theo đuổi mô hình thời trang bền vững, thương hiệu thời trang Môi Điên miệt mài với Trashion (Trash – rác thải và Fashion – thời trang) trong suốt nhiều năm qua. Với Trashion, đòi hỏi người làm thời trang phải am hiểu rất nhiều chất liệu. Đồng thời, thương hiệu này phải trải qua các công đoạn cầu kỳ từ khâu sàng lọc, xử lý đến thiết kế để làm sao “rác” sẽ không sinh thêm “rác”. Bên cạnh “rác”, Môi Điên còn nghĩ đến những vật liệu thân thiện khác để truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến nhiều người hơn nữa.
Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này. Độc giả có thể tìm đọc thêm về các doanh nghiệp xanh được chuyên mục Tiêu&Dùng/VnEconomy giới thiệu, đăng tải trên trang Fanpage Tin Dùng Việt Nam. |
Theo vneconomy.vn