(TN&MT)-Khu vực miền Trung và Tây Nguyên được biết đến có nhiều cảnh quan, thiên nhiên tươi đẹp và có nhiều “thiên đường” du lịch. Nhưng gần đây, khu vực này đang chịu áp lực từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức… và tác động của biến đổi khí hậu, nên đã xuất hiện một số vấn đề về môi trường, có nguy cơ tái ô nhiễm. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm môi trường nói riêng để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và sức khỏe nhân dân.
Kỳ 1: “Nhức nhối” về môi trường
Dù đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư xử lý, kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nhưng tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang còn đối diện với một số vấn đề “nhức nhối” về môi trường.
Vẫn “nóng” về ô nhiễm
Từ năm 2016, thành phố Đà Nẵng đã triển khai chuyên đề xử lý 13 điểm “nóng” về môi trường với 24 công trình, dự án và rất nhiều giải pháp kỹ thuật, quản lý với tổng kinh phí 4.382 tỷ đồng. Nổi bật là Đà Nẵng đầu tư đồng bộ trạm xử lý nước thải, tuyến ống thu gom nước thải dọc bờ biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, hễ có một trận mưa giông trong 10- 20 phút với lượng mưa chỉ 20 mm thì nước thải sinh hoạt theo nước mưa chảy tràn ra các bãi biển Mỹ Khê, Mỹ An, Thanh Khê, Liên Chiểu…, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan môi trường du lịch. Trong tháng 10 và 11/2023, dù 2 trạm xử lý nước rỉ rác tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (có tổng mức đầu tư 375 tỷ đồng, tổng công suất xử lý 1.750m3/ngày) đã hoạt động vượt quá 20% công suất, nhưng nhiều nước rỉ rác vẫn chảy tràn ra môi trường do mưa lớn làm tái ô nhiễm môi trường cục bộ khu dân cư ở hạ lưu bãi rác này.
Nước rỉ rác phát sinh chảy tràn ra môi trường làm tái ô nhiễm môi trường cục bộ khu dân cư ở hạ lưu bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng).
Mưa nhiều trong mùa mưa cuối năm 2023 cũng gây tràn nước thải từ các trang trại chăn nuôi heo tập trung ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) ra môi trường, gây bức xúc cho người dân ở thôn Diệm Sơn, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Ông Trần Đình Thuận, Trưởng thôn Diệm Sơn cho hay, có khoảng 30 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp do nước thải, mùi hôi từ các trại heo ở Đà Nẵng gây ra và có nguy cơ ô nhiễm các giếng nước mà người dân đang dùng để ăn uống, sinh hoạt. “Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã Điện Tiến. Nhưng có lẽ do các trại heo ở địa phận Đà Nẵng nên xã không được xử lý. Người dân mong muốn trại heo đóng cửa, hoặc có biện pháp xử lý ô nhiễm dứt điểm để bảo vệ môi trường”, trưởng thôn Diệm Sơn bức xúc.
Các trang trại chăn nuôi heo tập trung ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) ô nhiễm môi trường gây bức xúc.
Khốn khổ hơn, ở Gia Lai, đang có 200 dự án chăn nuôi heo với quy mô 4,2 triệu con heo, gây “nhức nhối” về môi trường, khiến nhiều người dân bức xúc vì không chịu nổi sự “tra tấn” của mùi hôi và nước thải, chất thải. Phó Giám đốc TN&MT tỉnh Gia Lai Lương Thanh Bình chia sẻ: “Tỉnh đang có số lượng dự án chăn nuôi tương đối lớn, mỗi dự án có 4.000- 5.000 con vật nuôi trở lên. Chúng tôi đề nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn sở để thống nhất về thủ tục cấp phép môi trường đối với các dự án chăn nuôi này”.
Theo báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), tại các xã Ea Wer và Ea Huar của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, hiện có nhiều trang trại nuôi heo với quy mô hàng chục ngàn con. Tuy mang “danh” là trang trại chăn nuôi công nghệ cao nhưng các cơ sở này đang khiến không khí ô nhiễm nặng về mùi, thậm chí lén lút xả nước thải ra môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của người dân.
Tại tỉnh Bình Định, các trang trại nuôi heo trong khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân xả nước thải và chất thải chăn nuôi ra suối Ông Mộng gây bốc mùi hôi thối và người dân liên tục phản ánh bức xúc về tình trạng này. Tỉnh Lâm Đồng hiện có 423 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; tỉnh Bình Định có 1.830 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; tỉnh Phú Yên có 160 trang trại chăn nuôi, chủ yếu là heo, bò, gia cầm; tỉnh Khánh Hòa có 404 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Môi trường chịu nhiều áp lực
Cũng theo báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, từ năm 2020 đến nay, tổng kinh phí hằng năm giành cho sự nghiệp môi trường tại khu vực có xu hướng tăng, trong đó, thành phố Đà Nẵng chi đến 1.643 tỷ đồng, chiếm 84% so với tổng chi của 15 tỉnh còn lại.
Người dân tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn phản đối dự án nhà máy Bột – Giấy VNT19 của Công ty CP Bột – Giấy VNT19.
Dù vậy, hoạt động kiểm soát nguồn ô nhiễm vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, xuất hiện những điểm “nóng” môi trường kéo dài như Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Công ty Nhôm Lâm Đồng – TKV, Nhà máy thép Hòa Phát, Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV, Nhà máy Xi măng Vạn Ninh tại tỉnh Quảng Bình… (dù có xử lý các nguồn thải đạt quy chuẩn, nhưng vẫn ảnh hưởng tới đời sống người dân do việc đánh giá sức chịu tải cho môi trường xung quanh chưa được thực hiện trong giai đoạn khi xem xét đầu tư dự án). Tại Quảng Nam, hiện mới chỉ có 20/44 cụm công nghiệp đang hoạt động đáp ứng yêu cầu về môi trường đạt tỷ lệ 45,45%.
Điểm “nóng” lớn nhất về ô nhiễm nước biển khu vực miền Trung thời gian qua là việc người dân tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn phản đối dự án nhà máy Bột – Giấy VNT19 của Công ty CP Bột – Giấy VNT19 do dự án dự kiến xả nước thải ra vịnh Việt Thanh làm người dân lo ngại nước thải của nhà máy xa ra biển sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới việc đánh bắt thải sản và hoạt động du lịch ở nơi đây. Trong thời gian tới, việc xuất hiện liên tiếp các dự án mới như: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch (Quảng Bình), Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị, Nhà máy thép Long Sơn (Bình Định)…, sẽ gia tăng áp lực cho môi trường, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện những điểm “nóng” môi trường mới.
Ngoài ra, khu vực này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung giải quyết, xử lý liên quan đến các lĩnh vực rác thải, nước thải. Trung bình mỗi ngày, 16 tỉnh, thành phố (từ Quảng Bình đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên) phát sinh khoảng 12.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tổng khối lượng chất thải nguy hại khoảng 5.000 tấn/ngày. Năm 2022, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt toàn vùng đạt khoảng 79,19%, thấp hơn 5,16% so trung bình của cả nước. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hầu hết vẫn là chôn lấp hợp vệ sinh, trong đó 50 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 105 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh…
Gần đây, tình trạng thiếu đất đắp, san lấp và vật liệu đá, cát xây dựng các công trình đang là vấn đề “nan giải” của khu vực. Nhiều đoàn xe tải ben có trọng tải lớn nối đuôi nhau chạy từ Thừa Thiên Huế vào Quảng Nam để vận chuyển cát xây dựng gây nhiều nỗi lo về mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Năm 2022, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt toàn vùng đạt khoảng 79,19%, thấp hơn 5,16% so trung bình của cả nước.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhận định, cả nước nói chung, khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng hiện đang chịu áp lực từ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên quá mức khiến ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
“Công tác môi trường tại miền Trung và Tây Nguyên cần hệ thống giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn; được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn, trong đó có cả trách nhiệm của các đơn vị quản lý” – Nguyên Thứ trưởng Nhân nói.
Trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên còn có khoảng 1.854 cơ sở khai thác khoáng sản, trong đó có 1.218 cơ sở đang hoạt động. Một số doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường được duyệt nên vẫn còn xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Theo Tài nguyên môi trường