Mục tiêu đạt được thỏa thuận về tài chính khí hậu tại COP29 vẫn còn nhiều thách thức. Trước thềm tuần họp, có không ít tiếng nói kêu gọi đẩy nhanh các cuộc đàm phán.

Một trong những chủ đề “nóng” nhất của COP29 chính là vấn đề tài chính khí hậu, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số tài chính thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đỏi hỏi sự chung tay của toàn nhân loại. Ảnh: NASA.

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan vào ngày mai (18/11) sẽ bước sang tuần họp quan trọng cuối cùng để các bên thống nhất về một thỏa thuận mới, trong đó có vấn đề tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mức cam kết ban đầu là 100 tỷ USD mỗi năm, nhưng nay con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Các quốc gia đang phát triển kêu gọi nâng mức cam kết tài trợ hằng năm lên 1.300 tỷ USD phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay, nhằm giúp các nước này thích ứng với tác động của khí hậu và chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đang diễn ra tại COP29 đang vấp phải nhiều quan điểm khác biệt, đặc biệt là con số cam kết tài chính hằng năm, loại hình tài trợ và bên chi trả. Ngoài ra, các nước phát triển muốn Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh tham gia danh sách các nhà tài trợ. Những bất đồng này khiến mục tiêu đạt được thỏa thuận vẫn còn là một bài toán khó.

Ông Samir Bejanov, phó trưởng đoàn đàm phán COP29 kêu gọi các bên hành động để thu hẹp bất đồng: “Đây là cơ hội để giải quyết càng nhiều vấn đề càng tốt trước tuần chính trị cuối cùng của COP29. Chúng tôi đã đạt được tiến triển trong nhiều nhiệm vụ. Điều này bao gồm một số ưu tiên chính như Điều 6. Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tôi muốn nhắc lại lời kêu gọi mạnh mẽ của chúng tôi tới tất cả các bên nhằm đạt được nhiều tiến bộ nhất có thể. Chúng ta cần làm mọi thứ có thể để tạo điều kiện cho sự tiến bộ và chúng ta cần mọi người tiếp cận nhiệm vụ với mong muốn cấp bách và quyết tâm mạnh mẽ”

Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Năng lượng Uganđa Ruth Nakabirwa nhấn mạnh, nếu vấn đề tài chính không được thông qua sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu khác trong đó có vấn đề chuyển đổi năng lượng – yếu tố có ảnh hưởng lớn đền mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt độ của trái đất: “Tôi nghĩ rằng điều chúng ta cần là đảm bảo rằng các nước đang phát triển được thấu hiểu. Bởi vì chúng ta đã nói về một quá trình chuyển đổi công bằng, giải quyết được thực tế, những thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi năng lượng và nhu cầu về nguồn tài chính giá cả phải chăng để họ có thể tiếp cận nhanh chóng và thực hiện các dự án hướng tới quá trình phi carbon hóa. Nhưng khi bạn nhìn xung quanh và bạn không có tiền, thì chúng ta cứ tự hỏi liệu chúng ta có bao giờ thực hiện được hành trình chuyển đổi năng lượng thực sự hay không”.

Các bằng chứng khoa học cho thấy, nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấm lên toàn cầu. Tình trạng nóng lên toàn cầu cũng như tác động của hiện tượng này đang diễn ra nhanh hơn dự kiến và nhiệt độ trung bình của Trái Đất có thể đã tăng 1,5 độ C so với thời kỳ công nghiệp. Mức tăng nhiệt vượt ngưỡng 1,5 độ C sẽ dẫn đến nguy cơ các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch theo thỏa thuận của COP28 đến nay vẫn là “bài toán khó” với toàn cầu, nhất là vấn đề kinh phí và phương án thực hiện. Muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo cần đầu tư nguồn kinh phí lớn để phát triển công nghệ mới, đồng thời hỗ trợ xã hội và doanh nghiệp chuyển đổi.

Theo VOV.VN

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version