(TN&MT) – UBND TP Hà Nội cho biết đã đôn đốc xây dựng phương án thí điểm “kiểu mẫu về môi trường triển khai công tác phân loại rác tại nguồn đồng bộ với hoạt động duy trì vệ sinh môi trường” tại UBND 06 quận, huyện.

Theo Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016-2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày. Lượng CTRSH ước tính ở các đô thị tăng trung bình 10-16%/năm (với tổng khối lượng phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm, chiếm tới 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước). Cũng theo kết quả thống kê giai đoạn 2016-2019, tốc độ thu gom và xử lý CTRSH đô thị tăng trung bình 2%/năm, phần lớn chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp thô sơ.

Phân loại rác tại nguồn nhằm tách rác có giá trị tái chế tại nguồn, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp. Thế nhưng hiện tại, các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa.

Phân loại rác tại nguồn hiện nay chủ yếu vẫn mang tính thử nghiệm (ảnh minh họa)

Từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, vấn đề phân loại rác tại nguồn ngày càng được cử tri cả nước, đặc biệt là cử tri ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM … quan tâm. Tại kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2016, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác phân loại rác thải tại nguồn để đảm bảo, hiệu quả cho việc xử lý, tái chế rác thải trên địa bàn thành phố.

Tại Báo cáo số 432/BC-UBND ngày 20/11/2023, UBND TP Hà Nội đã phản hồi cụ thể về vấn đề này. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện chậm nhất trước 31/12/2024. Căn cứ quy định của luật, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận huyện thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030.

Đề án nêu rõ lộ trình, tiến độ, nguồn kinh phí, chú trọng trách nhiệm của các quận, huyện, thị xã và người dân nhằm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, phù hợp với định hướng phát triển môi trường bền vững của thành phố để triển khai đồng bộ từ năm 2025. Đồng thời thành phố cũng có văn bản số 696/UBND-TNMT ngày 16/3/2023 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sớm ban hành hướng dẫn về kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện chậm nhất trước 31/12/2024

Trong giai đoạn trước mắt, để dần tiếp cận với các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong công tác phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt, theo chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 3293/VP-TNMT ngày 31/3/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên đôn đốc Công TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội xây dựng phương án thí điểm “kiểu mẫu về môi trường triển khai công tác phân loại rác tại nguồn đồng bộ với hoạt động duy trì vệ sinh môi trường” tại UBND 05 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm) và UBND huyện Gia Lâm; trong đó nghiên cứu, đề xuất thí điểm mỗi địa bàn quận/huyện lựa chọn 01 phường/xã có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội và đặc điểm về dân cư khác nhau làm cơ sở xây dựng phương án.

Ngoài ra, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp rà soát tổng thể Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cập nhật các nội dung để đề xuất nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung tích hợp trong quá trình rà soát Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; trong đó sẽ rà soát để bổ sung hạ tầng đồng bộ phục vụ cho công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sau phân loại.

Mặt khác, khi Luật bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua đã có một số quận huyện đã chủ động tiến hành thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt như quận/huyện: Hoàn Kiếm, Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai, Long Biên…Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức, chuyên gia về môi trường để hướng dẫn các quận huyện bước đầu triển khai thí điểm phân loại rác thải tại nguồn.

Theo Tài Nguyên môi trường 

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version