Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật về việc phạt các sản phẩm thời trang nhanh nhằm giảm thiểu tác động của chúng đối với môi trường.
Dự luật hạn chế thời trang nhanh kêu gọi tăng dần các hình phạt lên tới 10 Euro (11 USD) cho mỗi mặt hàng quần áo đến năm 2030, đồng thời cấm quảng cáo các sản phẩm này.
Tất cả các nhà lập pháp tham gia bỏ phiếu đã nhất trí thông qua dự luật. Dự luật này sẽ được trình lên Thượng viện Pháp trước khi có thể trở thành luật.
Sự phổ biến của các nhà bán lẻ thời trang Shein và Temu – tăng quy mô đơn đặt hàng dựa trên nhu cầu nhờ chuỗi cung ứng cực kỳ linh hoạt – đã làm gián đoạn lĩnh vực bán lẻ, trong khi những công ty lâu đời như Zara và H&M tiếp tục chủ yếu dựa vào việc dự đoán sở thích của người mua hàng.
Dự luật cho biết: “Sự phát triển của ngành may mặc theo hướng thời trang không bền vững, kết hợp với số lượng tăng và giá thấp, đang ảnh hưởng đến thói quen mua hàng của người tiêu dùng bằng cách tạo ra các xung lực mua hàng và nhu cầu đổi mới liên tục, điều này dẫn tới hậu quả về môi trường, xã hội và kinh tế”.
Công ty thời trang nhanh Shein của Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng quần áo mà họ sản xuất ra đáp ứng nhu cầu hiện có, điều này cho phép tỷ lệ hàng may mặc không bán được luôn ở mức thấp một con số, trong khi những các hãng may mặc truyền thống có thể có đóng góp tới 40% lượng rác thải.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng tác động duy nhất của dự luật là “làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng Pháp, vào thời điểm họ đã phải hứng chịu tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt”.
Viết trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp Christophe Béchu mô tả dự luật là một “bước tiến lớn”, đồng thời nói thêm: “Một bước tiến lớn đã được thực hiện để giảm ảnh hưởng tới môi trường của ngành dệt may”.
Dự luật này được đưa ra trong bối cảnh Bộ Môi trường Pháp cho biết họ sẽ đề xuất lệnh cấm xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng của Liên minh châu Âu nhằm giải quyết vấn đề rác thải dệt may ngày càng trầm trọng.
Năm 2023, Pháp đã đưa ra chương trình khuyến khích người dân sửa và tái sử dụng quần áo và giày dép cũ thay vì vứt chúng đi. Chính phủ Pháp cam kết chi 154 triệu Euro (168 triệu USD) cho sáng kiến này, hoàn trả cho người mua hàng số tiền lên tới 25 Euro (27,20 USD) cho mỗi sản phẩm may mặc họ đã sửa chữa. Nhóm phi lợi nhuận được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch này – Refashion – cho biết có 3,3 tỷ mặt hàng quần áo, đồ vải lanh gia dụng và giày dép đã được bán ra thị trường Pháp vào năm 2022. Vào thời điểm đó, Bộ Sinh thái nước này cho biết người dân Pháp đã vứt đi 700.000 tấn quần áo – 2/3 trong số đó được đưa vào bãi rác – mỗi năm.
Theo báo cáo thường niên State of Fashion do The Business of Fashion và McKinsey & Company phát hành, trong số những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất thế giới, thời trang chiếm từ 3% đến 5% lượng khí thải carbon toàn cầu và là một trong số những ngành công nghiệp gây ô nhiễm hàng đầu thế giới. Báo cáo cho biết thêm khoảng một nửa số sợi được ngành công nghiệp sản xuất là dạng polyester gốc dầu.
Theo CNN