Tại Nhật Bản, nơi tôi đang sống, Temu thâm nhập vào từ tháng 7/2023. Lần đầu tiên tôi biết tới Temu là do hàng loạt quảng cáo chèn trên YouTube, Netflix hay Google với tần suất dày đặc.

Gần một năm trôi qua, những gì Temu làm được tại Nhật vẫn dừng ở những cơn sốt cục bộ. Chỉ cần tra cứu trên Google Nhật Bản từ khóa “Temu”, sẽ thấy vô số bài viết đánh giá chất lượng, độ tin cậy và tính an toàn của sàn thương mại này.

Nhật Bản là thị trường khó tính. Người mua không chỉ quan tâm đến giá thành mà còn chất lượng sản phẩm và những review đánh giá. Những chiến lược giảm giá shock không quá hiệu quả tại Nhật. Các chiêu trò để tăng review cũng không nhận được thiện cảm, thậm chí gây ra phản ứng ngược. Tôi nhiều lần thử lướt qua các đánh giá của khách hàng đã mua, đa phần đều là những nhận xét tiêu cực về sản phẩm.

Nhưng với một số thị trường khác, Temu có thành công nhất định. Hai năm trước, Temu vào Mỹ. Chỉ sau vài tháng, ứng dụng này đứng top 1 trong danh sách tải các ứng dụng miễn phí trên cả hai nền tảng chính App Store và Google Play.

Thực tế, mô hình kinh doanh của Temu không quá khác biệt so với các trang thương mại điện tử đến từ Trung Quốc như Shein, Wish hay AliExpress. Điểm đặc biệt khiến Temu gây được sự chú ý lớn ở Mỹ ngoài các chính sách chiết khấu và các chiến dịch khuyến mãi, ưu đãi – nằm ở giá thành.

Trong một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Numerator, gần một nửa số người tham gia biết tới Temu qua các trang mạng xã hội. Trong đó, 40% khách hàng của Temu sử dụng Tiktok hàng ngày. Nắm bắt được thị hiếu của giới trẻ là điều khiến Temu thành công.

Nghiên cứu của Microsoft cho thấy chỉ trong 15 năm từ 2000 đến 2015, “khoảng tập trung” (attention span) của người tiêu dùng đã giảm tới 25% xuống còn 8 giây. Con số này của cá vàng là 9 giây. Với độ tập trung kém cả một con cá, chiến lược gây chú ý bằng những nội dung sốc không quá khó hiểu. Temu đã tiếp cận người dùng bằng hàng loạt sản phẩm “trông ngon” – “chưa biết bổ hay không” – nhưng quan trọng nhất: rất rẻ.

Cho tới năm 2030, khoảng 75% người tiêu dùng ở những thị trường đang phát triển nằm trong độ tuổi 15 đến 34. Sức tiêu thụ hàng hóa của lực lượng này cũng nhiều hơn gấp hai lần giới trẻ ở các nước phát triển. Tâm lý tiêu dùng này có thể lý giải bằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và sự cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn sống. Kinh tế càng tăng trưởng nhanh, người trẻ càng lạc quan về tương lai và càng mạnh tay trong chi tiêu. Đánh vào đối tượng này, Temu có thể đảm bảo một lượng người tiêu thụ ổn định, tiêu nhiều, tiêu thường xuyên, và trung thành với sàn.

Tuy nhiên, những nền tảng khuyến khích “số lượng” thay vì “chất lượng” như Temu thúc đẩy văn hóa tiêu thụ dư thừa (overconsumption) – mà không nghĩ tới hậu quả lâu dài. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng rác thải và biến đổi khí hậu.

Ở một thị trường khó tính và chuộng chất lượng như Nhật Bản thì hàng năm cũng có tới khoảng 1,3 triệu tấn quần áo bị vứt bỏ, trong đó phần lớn đến từ ngành công nghiệp thời trang nhanh. Lượng rác này không chỉ tạo ra gánh nặng lên hệ thống xử lý chất thải mà còn gây ô nhiễm nguồn nước và đất, đa phần bởi các chất liệu dệt may giá rẻ vốn không dễ phân hủy sinh học.

Để sản xuất hàng loạt sản phẩm với số lượng khổng lồ, những ngành công nghiệp này tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên. Điển hình là các sản phẩm thời trang nhanh. Việc trồng bông, ví dụ như ở Ấn Độ hay Trung Quốc, tiêu tốn lượng nước khổng lồ, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên nước tự nhiên và dẫn đến khủng hoảng nước ở những khu vực.

Theo nghiên cứu năm 2018 được thực hiện bởi Đại học Tân Cương, số lượng nước sử dụng cho việc trồng bông đã tăng từ 2 lên đến 21 tỷ mét khối chỉ trong 30 năm từ 1989 đến 2018. Báo cáo của Quantis năm 2018 cũng chỉ ra: gần 80% lượng ô nhiễm môi trường trong ngành dệt may có liên quan đến polyester – loại chất liệu tổng hợp được sử dụng phổ biến trong thời trang nhanh, khi quá trình sản xuất (nhuộm, tẩy, và dệt sợi) đòi hỏi lượng lớn dầu mỏ và giải phóng lượng lớn khí nhà kính, góp phần vào biến đổi khí hậu.

Khi tính đến chất lượng sản phẩm, đa phần sản phẩm giá rẻ đều có chất lượng dưới mức trung bình, vòng đời rất ngắn. Tại các nước đang phát triển chưa có hệ thống xử lý và tái chế rác thải tiên tiến, lượng rác thải khổng lồ này (chủ yếu là rác thải nhựa) chỉ có một con đường duy nhất: xả thẳng ra tự nhiên, qua hình thức chôn lấp hoặc đốt.

Trong xã hội hiện đại, người tiêu dùng dễ bị cuốn vào vòng xoáy của việc sở hữu và tiêu thụ, còn dẫn đến tình trạng căng thẳng và áp lực về tài chính khi mua sắm không kiểm soát. Cảm giác hạnh phúc do việc sở hữu những món đồ mới chỉ mang tính tạm thời, sau đó thường là sự trống rỗng và cần tiếp tục tiêu thụ để cảm thấy hài lòng hơn.

Xét rộng hơn về trách nhiệm xã hội, khi truy cập trang chủ, Temu có thông báo về cam kết “phát triển bền vững”; dù phải mất 10 lần kéo trang để thấy mục này. Temu cho biết họ có cam kết liên tục đối với tính bền vững của môi trường bằng việc hợp tác với tổ chức Trees for the Future trong dự án trồng cây tại vùng cận Sahara của châu Phi.

Trees for the Future là tổ chức uy tín và được bảo hộ bởi Liên Hợp Quốc. Tính đến nay, Temu cho biết đã có gần 15 triệu cây được trồng nhờ đóng góp của mình. Tuy vậy, ít người chú ý rằng số cây này thực chất được đóng góp bởi người tiêu dùng, khi họ đồng ý chi trả một phần nhỏ giá trị gia tăng trong đơn hàng dùng để hỗ trợ dự án. Đây là cách đẩy trách nhiệm xã hội sang cho khách hàng.

“It’s too good to be true” (Quá tốt để có thể là sự thật) là câu thành ngữ phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, khi cuộc “đổ bộ” còn mới chớm, người dùng hoàn toàn có thời gian bình tĩnh để suy nghĩ trước khi quyết định mua hàng.

Vừa ngon, vừa bổ, chắc chắn không rẻ. Hàng hóa trên sàn thương mại điện tử đang gây sốt Temu, thì cực rẻ. Thay vì bị cuốn vào các chương trình khuyến mãi và xu hướng thời trang ngắn hạn, ưu tiên chọn những sản phẩm bền vững, có tuổi thọ cao là cách giúp giảm lượng rác thải và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Đầu tư vào quần áo, giày dép hay sản phẩm gia dụng chất lượng tốt không chỉ bảo vệ sức khỏe bản thân, giúp tiết kiệm chi phí lâu dài mà còn góp phần xây dựng thói quen tiêu dùng có trách nhiệm hơn với môi trường và cộng đồng.

Theo Phạm Tâm Long

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version