Tăng trưởng, lợi nhuận và hiệu suất đầu tư luôn luôn là những tiêu chí quan trọng đối với hoạt động và sự phát triển của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn phát triển xa và dài lâu thì cần thêm tiêu chí về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội…

Ảnh: Heineken Việt Nam

Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển Bền vững, Heineken Việt Nam, đã chia sẻ chiến lược phát triển bền vững mà Heineken theo đuổi nhiều năm tại tọa đàm: “Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 6/6.

Tại Heineken, hành trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội được quy định rất cụ thể. Đầu tiên là chiến lược liên quan đến việc phát triển và tồn tại của công ty. Tiếp đến là chiến lược cho hành trình đóng góp của công ty đối với quốc gia hoặc đối với thế giới.

THEO ĐUỔI 3 LỘ TRÌNH CỤ THỂ

Heineken đã có mặt ở Việt Nam được hơn 30 năm. Ngay từ lúc bước chân vào hoạt động tại Việt Nam, Heineken đã xác định để tiếp tục phát triển thì công ty cũng phải phát triển đồng hành với Việt Nam. “Vì vậy, hành trình phát triển của Heineken Việt Nam hướng tới mục tiêu mà chúng tôi gọi là hành trình “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”, hướng đến tham vọng tác động môi trường bằng 0 và tích cực đóng góp vào mục tiêu Net Zero năm 2050 của chính phủ Việt Nam”, bà Mỹ chia sẻ.

Nhằm hướng đến tham vọng này, Heineken Việt Nam đang theo đuổi 3 lộ trình cụ thể, bao gồm nỗ lực phát thải ròng bằng “0” (Net Zero), tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước.

Với nỗ lực hiện thực hóa tham vọng đạt phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất vào năm 2030, Heineken Việt Nam áp dụng mô chiến lược 4Rs với 4 trụ cột: Reduce – giảm tiêu thụ năng lượng bằng các thiết bị tiên tiến và tối ưu quy trình; Replace – thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo; Remove – loại bỏ dư lượng phát thải bằng các dự án bù đắp carbon, và Report – báo cáo và đánh giá tác động trong toàn bộ chuỗi giá trị, lần lượt trong các khâu sản xuất, bao bì, kho vận và làm lạnh.

Trong đó, những sáng kiến nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hiện là ưu tiên hàng đầu trên lộ trình đầy tham vọng của doanh nghiệp. Quy trình sản xuất các sản phẩm tại Heineken Việt Nam sử dụng 2 loại năng lượng chính, bao gồm nhiệt năng chủ yếu cho khâu nấu bia, và điện năng cho toàn bộ máy móc, thiết bị.

Hiện tại, 6/6 nhà máy bia Heineken Việt Nam trên toàn quốc đều đang sử dụng nhiệt năng đến từ sinh khối với đầu vào là các phụ, phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu và mùn cưa. Bên cạnh đó, toàn bộ điện năng đều được thông qua bởi các Chứng chỉ Thuộc tính Năng lượng mua từ các nhà cung cấp được chứng nhận. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục hướng đến những giải pháp điện năng tái tạo triệt để hơn, điển hình như cơ chế mua bán điện trực tiếp (Direct Power Purchase Agreement – DPPA), và hệ thống năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà.

Heineken đã được tổ chức SBTI, một tổ chức sáng kiến xác định chỉ tiêu dựa vào những bằng chứng khoa học (science based targets initiative), chứng nhận nếu đạt Net Zero vào năm 2030 trong sản xuất và đạt Net Zero trong chuỗi cung ứng năm 2040 là Heineken đã chung tay vào việc không làm nhiệt độ trái đất tăng lên không quá 1,5 độ C theo như thỏa thuận Paris.

Để tối đa hóa kinh tế tuần hoàn, Heineken Việt Nam đặt tham vọng không còn rác thải chôn lấp vào năm 2025. Song, trên thực tế, công ty đã đạt mục tiêu này từ cuối năm 2021 đến nay. Theo đó, toàn bộ các phụ và phế phẩm trong quá trình sản xuất các sản phẩm của doanh nghiệp đều được tái chế, tái sử dụng, hoặc biến thành sản phẩm có giá trị để đưa vào chuỗi giá trị khác. Cụ thể, những ví dụ điển hình từ Heineken Việt Nam bao gồm nỗ lực hợp tác nhằm xử lý bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải thành phân bón và đất sạch; và xử lý bã hèm và men thừa thành thức ăn chăn nuôi.

Trong bảo tồn nguồn nước, Heineken Việt Nam đặt hướng tiếp cận toàn diện nhằm bảo tồn nguồn nước. Vì theo như Bà Mỹ chia sẻ, đối với ngành bia, nước là một trong những nguyên liệu chính.

Heineken Việt Nam đặt tham vọng bù hoàn 100% lượng nước trong sản xuất vào năm 2030 tại nhà máy Tiền Giang, thuộc khu vực đang đối mặt với nhiều vấn đề về nguồn nước nghiêm trọng, đồng thời tiếp tục tối đa tuần hoàn nước và bảo vệ nguồn tài nguyên nước của quốc gia.

Nổi bật, cùng sự hợp tác từ WWF-Việt Nam và các đối tác, doanh nghiệp hiện đang tích cực triển khai chương trình bảo tồn nguồn nước với mục tiêu bảo tồn 3 tỷ lít nước/năm tại các lưu vực sông trọng điểm của Việt Nam, bao gồm sông Hồng, sông Đồng Nai và sông Tiền từ 2022 đến 2025 với mức đầu tư 30 tỷ đồng. Không chỉ nỗ lực cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống tại địa phương, chương trình còn trang bị những kiến thức thực tiễn cho người dân để cùng chung tay hành động bảo tồn nguồn nước của quốc gia.

Tại các nhà máy bia, hệ thống máy móc tiên tiến được lắp đặt để liên tục nâng cao hiệu suất sử dụng nước và xử lý nước thải, đảm bảo 100% nước thải được xử lý an toàn và hoàn trả về thiên nhiên. Đặc biệt, tại nhà máy Heineken Vũng Tàu, phát kiến về hệ thống tái chế nước thải cũng đã được đưa vào vận hành.

Bên cạnh đó, Heineken Việt Nam còn tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, hướng tới hòa nhập, công bằng và bình đẳng. Heineken Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực chính bao gồm: đa dạng và hòa nhập; công bằng và an toàn; hỗ trợ cộng đồng. “Nếu chúng ta không làm việc này thì chúng ta cũng không thể có một môi trường làm việc tốt và do đó chúng ta cũng sẽ không thể thu hút được nhân lực có năng lực,” bà Mỹ chia sẻ.

Đặc biệt, là một công ty trong ngành bia – ngành đồ uống có cồn, nên Heineken Việt Nam còn phát triển chiến lược trong việc hướng tới văn hóa uống có trách nhiệm. Heineken Việt Nam sản xuất các sản phẩm không cồn và độ cồn thấp. “Đó là một trong những nỗ lực của chúng tôi để đưa ra nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Chúng tôi nhận thấy rằng để phát triển dài lâu thì chúng tôi không chỉ phải quan tâm tới sức khỏe và sự an toàn của riêng nhân viên công ty mà còn của cả khách hàng”, bà Mỹ nói.

TỪ CHIẾN LƯỢC ĐẾN HÀNH ĐỘNG 

Không chỉ Heineken Việt Nam mà các công ty muốn phát triển lâu dài, phát triển đồng hành với Việt Nam đều sẽ có những chiến lược cụ thể riêng. “Tuy nhiên, khi chúng ta đã có chiến lược thì chúng ta sẽ không thể chỉ dừng lại ở chiến lược như vậy,” bà Mỹ cho biết.

Tại Heineken Việt Nam, chiến lược “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn” được gắn kết thực sự vào mọi hoạt động của công ty, bao gồm tất cả bộ phận của công ty, từ ngoại vụ, tiếp thị, số hóa, chuỗi cung ứng, mua hàng, nhân sự.

Tất cả phòng ban đều có những việc và những chỉ tiêu riêng để cùng chung tay thực hiện “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”. Việc thực thi chiến lược này là phải do tổng giám đốc điều hành, gắn kết tất cả phòng ban để vừa đảm bảo vấn đề lợi nhuận, đầu tư phát triển, vừa đảm bảo phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Heineken Việt Nam cũng không ngừng nâng cao nhận thức và năng lực của nhân viên. Nhờ vậy công ty mới có thể thực hiện được các chiến lược và đạt được các kết quả.

Chiến lược về môi trường với việc theo đuổi 3 lộ trình: nỗ lực phát thải ròng bằng “0” (Net Zero), tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước cho thấy tham vọng và quyết tâm của Heineken Việt Nam. “Tham vọng của chúng tôi có thể chung với tham vọng toàn cầu nhưng khi đưa về Việt Nam, tùy vào tình hình Việt Nam thì rõ ràng chúng tôi phải có cách tiếp cận phù hợp với nền kinh tế Việt Nam”, bà Mỹ nhấn mạnh. 

Đại diện Heineken cũng cho rằng câu chuyện kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững chắc chắn không phải một mình doanh nghiệp có thể làm được. Do vậy, Heineken rất mong đợi sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp,  sự hỗ trợ về mặt chính sách từ phía nhà nước. Đương nhiên chúng ta còn có sự góp sức từ người tiêu dùng. Nếu mà người tiêu dùng không cùng chung tay với chung tôi thì doanh nghiệp sẽ phải đi theo thị trường.

Tiên phong cùng tham vọng tác động môi trường bằng 0, Heineken Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh những lộ trình cụ thể thông qua hành động thiết thực. Trước những thử thách còn tồn đọng như chính sách tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo hay nguồn lực cho kinh tế tuần hoàn, công ty đang tiếp tục kêu gọi sự chung tay hành động từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm nhân rộng những giá trị thiết thực trên hành trình phát triển bền vững “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”.

Theo Vneconomy.vn

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version