Không sử dụng máy phát điện động cơ diesel để vận hành các chương trình phát sóng trực tiếp, thực đơn ít thịt động vật hơn dành cho các vận động viên và hạn chế xây dựng địa điểm mới là những hành động mà ban tổ chức Thế vận hội Olympic Paris 2024 dùng để chứng minh rằng sự kiện thể thao lớn nhất thế giới có thể trở nên xanh hơn, bền vững hơn, theo The Straits Times.
Sự kiện Thế vận hội Paris, khai mạc vào ngày 26.7 tới, được coi là một bài kiểm tra chứng chỉ sinh thái của Thủ đô nước Pháp, đồng thời thử thách tham vọng của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) trong việc tổ chức các sự kiện lớn theo hướng bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu. Ban tổ chức Olympic Paris đã đưa ra cam kết các hoạt động thể thao của họ sẽ giảm một nửa lượng khí thải nhà kính so với mức của các kỳ Thế vận hội trước diễn ra ở London (Anh) năm 2012 và Rio (Brazil) năm 2016.
Thách thức từ biến đổi khí hậu
Chủ tịch IOC – Thomas Bach cho biết, biến đổi khí hậu là “một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của thể thao… ngày càng tác động đến địa điểm, thời gian và cách thức chơi thể thao, ảnh hưởng đến thành tích của vận động viên và trải nghiệm của khán giả”.
Do đó, Olympic Paris 2024 sẽ là nơi thử nghiệm chiến lược phát triển bền vững mới của IOC, theo thông tin từ Giám đốc Phát triển bền vững IOC, bà Marie Sallois.
Tiến sĩ Walker Ross, giảng viên môn quản lý thể thao tại Đại học Edinburgh cho rằng, Thế vận hội có thể giúp truyền bá tầm quan trọng của việc giải quyết biến đổi khí hậu: “Thế vận hội là biểu tượng nổi bật của thể thao và văn hóa toàn cầu, lan tỏa tới khắp mọi nhà trên toàn thế giới và tất cả chúng ta đều dõi theo”.
Tuy nhiên, ông cũng không quên nhấn mạnh, các sự kiện Olympic cũng đang phải đối mặt với thử thách “sinh tồn”, đặc biệt là đối với các Thế vận hội mùa đông đang bị ảnh hưởng bởi lượng tuyết rơi giảm mạnh và thời tiết thay đổi khó lường. Kết quả một nghiên cứu cho thấy, số lượng các quốc gia chủ nhà đủ điều kiện đăng cai Olympic có thể giảm xuống chỉ còn 10 quốc gia trên toàn cầu vào năm 2040.
Vào đầu năm 2024, khi Pháp đấu thầu giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông năm 2030 tại núi Anpơ, họ có rất ít đối thủ cạnh tranh. Trên thực tế, nhiệt độ tăng cao hơn mức trung bình đã làm giảm lượng tuyết rơi ở những vùng có độ cao thấp hơn.
Ngoài ra, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác như nắng nóng tại Thế vận hội mùa hè, cũng sẽ gây ra căng thẳng cho cả vận động viên và khán giả. Năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận.
To hơn, hoành tráng hơn
Trong nhiều năm qua, thế giới đã xuất hiện nhiều lời chỉ trích về việc xây dựng các địa điểm, công trình phục vụ Thế vận hội. Nghiên cứu của IOC chỉ ra 15% các địa điểm được xây dựng kể từ năm 1896 đã không còn được sử dụng.
Tiến sĩ Walker Ross cho biết, một vấn đề lớn mà Thế vận hội phải đối mặt là “chủ nghĩa khổng lồ” khi mỗi nước chủ nhà đăng cai đều muốn sự kiện của mình “to hơn, hoành tráng hơn”.
Ban tổ chức Olympic Paris tuyên bố, mục tiêu của họ là tổ chức một chương trình hoành tráng nhưng tiêu thụ ít vật liệu và năng lượng hơn.
Làng vận động viên mới của Olympic Paris dự kiến sau này sẽ chuyển đổi thành nhà ở xã hội cho 12.000 người. Công trình được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và xi măng ít carbon, đồng thời thiết kế hệ thống thông gió tự nhiên thay vì sử dụng điều hòa nhiệt độ. Mục tiêu nhằm đảm bảo lượng khí thải trên mỗi mét vuông thấp hơn so với các tòa nhà truyền thống.
So với Olympic London từng xây dựng tới 6 địa điểm mới, Paris chỉ xây thêm duy nhất một trung tâm thể thao dưới nước ở khu vực cư dân có thu nhập thấp Saint-Denis. Trung tâm sau cũng sẽ được chuyển đổi thành hồ bơi cộng đồng cũng như một địa điểm bóng rổ theo kế hoạch từ trước. Thêm vào đó, 8 địa điểm tạm thời hiện đang được thiết lập gần các địa điểm nổi tiếng như Tháp Eiffel.
Bà Georgina Grenon, người đứng đầu phụ trách mục tiêu bền vững của Olympic Paris 2024, cho biết ban tổ chức đã lên kế hoạch cho việc tái sử dụng các thiết bị và địa điểm tạm thời. “Phần lớn đã được cho thuê, chẳng hạn như ghế ngồi và khán đài, và 90% thiết bị được bảo đảm sử dụng lại” – bà nói và bổ sung thêm rằng, các tấm nệm từ làng vận động viên sẽ được tặng cho quân đội.
Trung tâm thể thao dưới nước mới ở Saint-Denis đã được khánh thành vào đầu năm 2024, có sức chứa 5.500 người. Các tấm pin mặt trời trên mái nhà giúp cung cấp 20% điện năng cho toàn bộ trung tâm. Với diện tích 5.000m2, nơi đây đã trở thành trang trại năng lượng mặt trời đô thị lớn nhất ở Pháp. Một nửa lượng nước trong hồ bơi đến từ các nguồn nước tái chế và 40% được tái chế sau khi sử dụng – mức tối đa được pháp luật Pháp cho phép.
Nỗ lực đạt mục tiêu xanh
Bên cạnh những nỗ lực và mục tiêu đặt ra, vẫn còn tồn tại những thói quen không đẹp. Olympic Paris 2024 khó có thể đạt được mục tiêu cắt giảm tiêu thụ đồ nhựa dùng một lần. Hợp đồng độc quyền cung cấp đồ uống ký kết với Coca-Cola dường như thân thiện với môi trường hơn khi sử dụng những chiếc cốc và thùng chứa có thể tái sử dụng, nhưng vẫn phải sử dụng nhiều chai nhựa.
Một thách thức khác là lượng khí thải do khán giả đến xem sự kiện tạo ra. Các khán giả tới tham dự các mùa Thế vận hội 2028 ở Los Angeles (Mỹ) hay 2032 ở Brisbane (Australia) phụ thuộc vào việc di chuyển bằng đường hàng không trong khi các khán giả dự Olympic Paris 2024, phần lớn trong khu vực Châu Âu sẽ di chuyển bằng tàu hỏa.
Tiến sĩ David Gogishvili – nhà khoa học tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ, đã nghiên cứu về khí thải Olympic và cho rằng, khi 12.000 vận động viên và hàng triệu khán giả tập hợp lại ở một nơi thì khó có thể nói đến vấn đề môi trường xanh.
Trong khi đó, Tiến sĩ Ross cho biết: “Cách duy nhất để đạt được một Thế vận hội thực sự xanh, bền vững là xem xét lại cách chúng ta tổ chức”.
Một báo cáo từ nhóm theo dõi thị trường carbon đã đề xuất trải rộng Thế vận hội ra toàn thế giới, biến “một sự kiện lớn thành nhiều sự kiện nhỏ” và ưu tiên khán giả địa phương. Các tác giả lập luận rằng cách làm này đã được thực hiện ở cấp độ nhỏ hơn, chẳng hạn sự kiện lướt sóng Paris 2024 sẽ diễn ra ở Tahiti, Polynesia thuộc Pháp và chèo thuyền ở Marseille. Báo cáo cho biết: “Số lượng cơ sở hạ tầng cần xây dựng mới sẽ giảm vì không có thành phố nào phải cung cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng cần thiết cho tất cả các môn thể thao Olympic”.
Tuy nhiên, bà Sallois của IOC đã lên tiếng phản đối quan điểm này, cho rằng “việc phân tán Thế vận hội sẽ làm suy yếu sức mạnh đoàn kết”.
Thành phố Los Angeles của Mỹ, nơi sẽ tổ chức sự kiện Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2028, đã cam kết tập trung vào việc “tái sử dụng triệt để”, không xây dựng công trình kiên cố mới. Tại một thành phố nơi lái xe là phương thức di chuyển chủ yếu, các nhà tổ chức cho biết, họ sẽ cải thiện giao thông công cộng và đưa mọi người “ra khỏi ôtô của họ”.
Thành phố Brisbane, Australia cũng thông tin sẽ “cam kết tổ chức một Thế vận hội bền vững hơn” vào năm 2032.
Bà Sallois khẳng định, việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 không phải là “một hành trình dễ dàng, nhưng chúng tôi đang nỗ lực thực hiện một cách toàn diện”.
Theo laodong.vn