Cây có tuổi đời của cây. Những “cụ cây” già lão ở đô thị vốn có nhiều vấn đề về sức khỏe, sinh trưởng. Giữ cây, tỉa cây hay cắt bỏ cây xanh đều cần cách làm khoa học, nhất là trước các hình thái thiên tai khắc nghiệt hơn.
Ông Lê Huy Hoàng (trưởng phòng kỹ thuật Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng):
Lập hồ sơ sức khỏe từng cây cổ thụ
Cây xanh đô thị nói chung bị “áp lực” đường dây điện phía trên, dưới gốc rễ thì bị ảnh hưởng bởi hệ thống thoát nước, đó là chưa kể hệ thống cáp quang, biển hiệu… Cần làm gì để cây xanh tốt hơn và phù hợp hơn với điều kiện đường phố Việt Nam?
Tôi cho rằng điều kiện tiên quyết là phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cây. Bằng việc định kỳ kiểm tra, lập hồ sơ theo dõi… sẽ đánh giá một cách chính xác. Từ đó đưa ra giải pháp quan trọng nhất đối với từng gốc cây cổ thụ.
Ngoài ra với điều kiện đô thị hiện nay, biện pháp tuyên truyền đến tổ chức, người dân nâng cao ý thức bảo vệ cây cổ thụ cũng hết sức quan trọng. Đây là chuyện không nhỏ cần phải làm để giữ cho cây phát triển tốt.
Ngoài ra, cần phải đưa ra các giải pháp kỹ thuật hiệu quả như tạo không gian cho cây kể cả trên không cũng như mặt đất.
Khi cần thiết thì phải cắt tỉa chọn lọc, cắt tỉa một cách khoa học như cắt tỉa cành khô mục, cành sâu bệnh, cân tán, thông thoáng tán. Có thể bổ sung thêm nước tưới, dinh dưỡng thể để cây sinh trưởng và phát triển.
Ông Nguyễn Văn Chẩn (chủ một vườn ươm ở Đà Nẵng):
Đặc biệt lo lắng với cây lâu năm lệch tán
Việc chăm sóc cây lâu năm, cây cổ thụ dù ít tốn công sức, hầu như chẳng cần phải tưới nước nhưng lại rất phức tạp. Cây này tốn nhiều công sức khi cắt tỉa và có nhiều nguy cơ với người đi đường hơn các nhóm khác.
Cây lâu năm vươn cao, nhiều cành nhánh nên việc cắt tỉa phải dùng xe thang chuyên dụng và tốn rất nhiều công sức. Nhiều khi chỉ 1-2 cây đã mất cả buổi xử lý, phải 2-3 xe tải chở đi mới hết số cành. Đường phố có những cây đại thụ sẽ gây khó khăn cho việc cắt tỉa, nhất là những thời điểm vào mùa mưa bão.
Tôi cho rằng việc xây dựng quy hoạch cây xanh, hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị là rất quan trọng. Cũng cần có những kế hoạch chăm sóc, bảo vệ cây xanh ngắn hạn để ứng phó với các hình thái thiên tai.
Cây xanh đường phố phát triển trên vỉa hè hẹp, khoảng cách đến các công trình xây dựng quá gần nên sẽ phát sinh vấn đề lệch tán.
Phần lớn cây thường nghiêng ra lòng đường để nhận ánh sáng nên bị nghiêng. Cây càng lâu năm thì tán lá và gốc rễ phát triển càng bất ổn, nguy cơ cả trong điều kiện thời tiết bình thường lẫn bất thường.
Cây xanh lâu năm, cây cổ thụ cần có quy trình chăm sóc đặc biệt, công cụ quản lý và phương pháp bảo tồn cây cũng tốn công sức hơn các loại cây khác.
PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (Trường đại học Nguyễn Tất Thành):
Trồng lại cây cổ thụ dễ hay khó?
Cây trăm năm đi cùng với ký ức của người dân, những hàng cây là dấu ấn đặc trưng về cảnh quan đô thị, đặc điểm nhận diện của đô thị hoặc của địa phương đó. Trong mỗi TP, công trình cổ và những cây cổ giống như phần hồn của đô thị mà chúng ta phải gìn giữ.
Hà Nội có hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc, hàng cây xà cừ đường Hoàng Diệu, hàng sấu đường Phan Đình Phùng. TP.HCM có hàng cây dầu trên đường Huyền Trân Công Chúa, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Nguyễn Tri Phương, đường Chu Mạnh Trinh…
Lấy kinh nghiệm TP Huế, tháng 9-2020 trận bão số 5 đã làm 15.000 cây xanh của Huế bị bật gốc. TP này xác định rất nhanh giải pháp “không loại bỏ mà cứu cây xanh” để kiên trì đi theo mục tiêu xây dựng “TP xanh”, toàn bộ cây xanh bị bật gốc ở TP Huế được phân loại, cắt bỏ những cây xanh bị sâu hại, mục ruỗng từ bên trong, không có cơ hội cứu chữa.
Những cây xanh bị bật gốc được cắt tỉa, bôi thuốc phần rễ rồi dựng lại vị trí ban đầu. Những cây xanh này sau đó được chăm sóc đặc biệt, đảm bảo cây sống và khỏe mạnh trở lại.
TP.HCM: đã thay thế gần 4.000 cây xanh mất an toàn
Liên quan vấn đề cắt tỉa cây xanh tại TP.HCM, ông Đỗ Tấn Long – giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM – cho biết từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã thay thế 3.097 cây xanh bị hư hại, già cỗi, chết khô, bị công trình xâm hại đến hệ rễ…
Trung tâm cũng đã hạ thấp chiều cao của 263 cây xanh. Trung tâm sẽ đẩy mạnh kế hoạch thay thế dần những cây xanh có kích thước lớn, cây cổ thụ bị hư hại tiềm ẩn rủi ro mất an toàn.
TP.HCM có khoảng 8.000 cây lâu năm, cây cổ thụ. Đơn vị sẽ cập nhật, hoàn thiện bộ tiêu chí để có những định hướng trong việc quản lý, chăm sóc cây xanh. Cây nào cần bảo tồn thì sẽ có quy trình đặc biệt, còn cây nào đã “có tuổi” thì quyết định mạnh dạn trồng mới, thay thế.
Theo Tuổi Trẻ