Trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành mục tiêu toàn cầu, Việt Nam đang bước vào “cuộc đua” xây dựng các khu công nghiệp sinh thái nhằm giảm thiểu tác động môi trường và tăng cường lợi thế cạnh tranh.

Xu thế không thể đảo ngược

Trên thế giới, mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái đã được chứng minh là giải pháp hữu hiệu giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường ngày càng chú trọng đến các giải pháp bền vững. Tại Việt Nam, với sự gia tăng áp lực từ các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế xanh, KCN sinh thái cũng đang được chú trọng. Các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường được các nhà đầu tư FDI quan tâm, tìm kiếm.

Theo Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình khu công nghiệp được hình thành và phát triển gắn liền với bối cảnh, yêu cầu của các thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm của đất nước, là công cụ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.

Thống kê của Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha, trong đó có 301 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

Hiện nay, có một số KCN định hướng phát triển và hoạt động theo mô hình sinh thái. Đơn cử, nằm tại huyện Thuỷ Nguyên,  KCN Nam Cầu Kiền với diện tích hơn 260 ha, là một trong những KCN sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam, kết hợp phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường, hướng tới hài hoà lợi ích của các bên liên quan thông qua các khía cạnh ESG (Môi trường – xã hội – quản trị).

Theo TS. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, KCN sinh thái Nam Cầu Kiền tại huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng đang xây dựng, áp dụng thành công mô hình kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế cũng như nâng cao ý thức, nhận thức, hành động của các doanh nghiệp tại đây trong bảo vệ môi trường.

Thực hiện theo định hướng sinh thái và bền vững như vậy, KCN Nam Cầu Kiền đã có những kết quả rõ nét, cụ thể khi áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khu công nghiệp.

Theo báo cáo phát triển bền vững của chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, năm 2023, KCN này triển khai thành công nhà máy xử lý nước thải với công suất 2000 m3/ ngày đêm trong khuôn viên KCN theo mô hình vườn Nhật, đưa 25% lượng nước thải sau xử lý tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả thải ra môi trường; từ đó giúp tiết kiệm khoảng 600 triệu đồng chi phí mua nước sạch mỗi năm. Về quản lý chất thải, 3 chuỗi cộng sinh cộng nghiệp trong các lĩnh vực thép, nhựa và phụ trợ điện tử được hình thành, đảm bảo 100% nhu cầu xử lý chất thải của các doanh nghiệp thứ cấp được đáp ứng theo mô hình chuỗi cộng sinh tuần hoàn. Về điện năng, KCN Nam Cầu Kiền chủ động thúc đẩy sử dụng điện áp mái, thí điểm triển khai tại khu vực văn phòng điều hành KCN với sản lượng trung bình 81,4 kwh.

Hiện, KCN Nam Cầu Kiền được phủ xanh với 33% diện tích sử dụng cho công trình cộng cộng, cây xanh… vượt trên mức quy định yêu cầu hiện tại là 25%. Tại đây, 1200 loài sinh vật được phát triển, 65% hệ sinh thái trong KCN đã được phục hồi sau khi phát triển mô hình sinh thái mà tiêu biểu là khu vườn hơn 3ha trong KCN, là hình mẫu tiêu biểu của phát triển thiên nhiên và bảo tồn sinh thái trong hoạt động công nghiệp tại Hải Phòng.

Cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các KCN

Triển khai mô hình KCN sinh thái chính là thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, các cam kết trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời hiện thực hóa mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng “0”) của Việt Nam vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.

Xu hướng là vậy, nhưng trên thực tế, số KCN đầu tư theo tiêu chuẩn mới, sinh thái chưa nhiều. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2024, Việt Nam đã có 425 KCN được thành lập, trong đó 299 khu đã đi vào hoạt động, chiếm diện tích hơn 92 nghìn ha. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1-2% các KCN tại Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái. Sự chậm trễ này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các rào cản lớn trong quá trình chuyển đổi từ mô hình công nghiệp truyền thống sang sản xuất xanh.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ trong cả khung pháp lý và cơ chế tài chính. Trước hết, Chính phủ cần hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn môi trường, đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các DN về việc thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn và tối ưu hóa tài nguyên. Ngoài ra, cần phải đơn giản hóa quy trình thẩm định và cấp phép môi trường, giảm thiểu thời gian và chi phí cho DN. Về mặt tài chính, cần thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn, như các gói tín dụng xanh và ưu đãi thuế cho DN đầu tư vào KCN sinh thái. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình chuyển đổi.

Theo các chuyên gia, hợp tác giữa các DN trong một KCN là yếu tố then chốt để thành công. Việc chia sẻ tài nguyên và hợp tác sản xuất không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tăng cường hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Theo moit.gov.vn

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version