Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ Nhật, châu Âu khi họ xây các nhà máy điện rác, khu công nghiệp xanh gần đô thị, giảm áp lực lên khâu thu gom, bảo vệ môi trường, theo chuyên gia.
“Cuối tuần, nhiều người dân huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đến khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền để vui chơi, giải trí chứ không về thành phố”, TS Nguyễn Phương Nam, đánh giá viên quốc tế của Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) chia sẻ tại hội thảo “Net Zero – Môi trường & Năng lượng – hướng tới thành phố không phát thải”, chiều 3/12.
Nam Cầu Kiền là khu công nghiệp sinh thái đầu tiên ở Việt Nam do người Việt xây dựng, đang tạo ra xu thế ngược khi biến nơi đây trở nên đáng sống, kéo cư dân đô thị lại gần. Ngoài 10 vườn sinh thái theo chủ đề, nơi này còn có một trung tâm khoa học để nhân viên và bà con các xã quanh vùng đến nghỉ ngơi, tham quan và trải nghiệm.
“Hải Phòng xếp khu công nghiệp của chúng tôi vào danh sách 19 điểm du lịch trải nghiệm, học tập cộng đồng”, ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Shinec – chủ đầu tư Nam Cầu Kiền cho biết.
Khu này cũng hình thành chuỗi cộng sinh trong tái chế và tuần hoàn là điện tử, nhựa và thép. Rác thải của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của đơn vị khác trong chuỗi, hướng tới đưa khu công nghiệp đạt Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2035.
“Chúng ta phải bỏ tư duy khu công nghiệp nằm ngoài thành phố. Sao không đặt trong thành phố nếu nó là khu công nghiệp sinh thái và bền vững”, TS Nam đặt vấn đề.
Kéo dự án lại gần khu đô thị cũng là mong muốn của VSD Holdings với các nhà máy điện rác, nhưng còn vướng định kiến về môi trường.
Ông Lê Trọng Linh, Giám đốc dự án VSD Holdings cho biết nhiều nhà máy điện rác ở Nhật Bản hoặc châu Âu đặt gần khu đô thị, giảm áp lực lên khâu thu gom, tạo môi trường làm việc gắn bó cho lao động địa phương khi không phải di chuyển quá xa khu ở.
VSD Holdings đang vận hành nhà máy điện rác kết hợp thu gom tại Bắc Ninh, với tổng mức đầu tư 74 triệu USD, quy mô xử lý rác 500 tấn một ngày đêm. Dự án này vận hành từ tháng 1, công suất phát điện 11,6 MW, được viện trợ để bán tín chỉ carbon và kỳ vọng xử lý dứt điểm rác thải sinh hoạt của tỉnh này.
Về lo ngại môi trường, ông Linh cho biết bản thân các nhà máy đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết hợp lấy ý kiến cộng đồng, lắp camera giám sát xả thải, đảm bảo tiếng ồn không quá 60 decibel…
Quản lý rác thải và đảm bảo hiệu quả năng lượng là hai trong nhiều yếu tố của một thành phố bền vững, theo TS. Nguyễn Phương Nam. Đây cũng là mảng tiềm năng quỹ Vinacapital đang nhắm tới, nhằm bán tín chỉ carbon và tín chỉ nhựa trong tương lai.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Theo thống kê từ Vinacapital, Hà Nội có hơn 8,5 triệu dân, rác thải rắn sinh hoạt ở mức 60.000 tấn một ngày, 60% từ đô thị. Dự kiến lượng rác thải này tăng lên 90.000 tấn một ngày vào 2030, khi quy mô dân số Thủ đô lên 11-12 triệu người. Hiện 70% chất thải rắn được xử lý bằng chôn lấp.
“Thành phố thông minh chỉ là nơi đáng làm việc, chưa hẳn đáng sống nếu thiếu yếu tố bền vững”, TS Nam nói. Một thành phố bền vững, bên cạnh quản lý rác thải, đảm bảo hiệu quả năng lượng và biến đổi khí hậu, cần bảo tồn và khôi phục những yếu tố lịch sử, thích ứng và quản lý rủi ro thiên tai. Nơi đây cũng cần có không gian xanh, giao thông đô thị thân thiện, phát thải thấp…
Theo chuyên gia từ UNFCCC, Hà Nội có thể học hỏi nhiều sáng kiến từ các thành phố trên thế giới. Ví dụ, do quy hoạch yếu, mỗi khi mưa lũ, thành phố lại chứng kiến các bao tải cát chặn ở cửa hầm để xe ngăn nước. Trong khi đó, tàu điện ngầm ở Washington (Mỹ) hay sân chơi trẻ em ở Rotterdam (Hà Lan) đều được thiết kế hành lang thoát lũ. Với trường hợp ở Rotterdam, khu vực là sân chơi trẻ em khi khô ráo sẽ trở thành nơi thu gom nước, từ đó bơm nước lên khu hồ điều hòa, tránh ngập lụt trong đô thị.
“Sáng kiến nhiều nhưng không đủ nếu thiếu giải pháp đồng bộ và tổng thể của một thành phố. Việt Nam đang thiếu một tổng công trình sư vừa có chuyên môn môi trường, xây dựng, lại có kiến thức công nghiệp”, ông Nam nói.
Theo Thủy Trương – VnExpress