Một số công ty toàn cầu đã ngừng kinh doanh với các công ty Việt Nam có ESG yếu và tiêu chuẩn bền vững thấp. Điều này chứng minh, ESG không chỉ “có thì tốt” mà bây giờ trở thành “cần phải có”, là tiền pháp định quốc tế, không thể có ai đứng ngoài cuộc…
Chia sẻ về phát triển bền vững và tầm quan trọng của ESG (môi trường -Environment, xã hội -Social, Governance -quản trị) trong bức tranh kinh tế tại “Diễn đàn nữ doanh nhân mùa thu 2023”, ông Darryl Dong – Kinh tế trưởng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam cho rằng để đạt được thành công cuối cùng, mọi người cần đóng góp vai trò của mình vào ESG và tính bền vững.
ESG LÀ VŨ KHÍ BÍ MẬT CỦA DOANH NGHIỆP
Theo đại diện IFC, hiện vẫn còn tồn tại khoảng cách về giới, đây chính là một mắt xích còn thiếu. Phụ nữ Việt Nam luôn phải đối mặt với những thiệt thòi. Họ phải chịu những tác động không cân xứng từ biến đổi khí hậu. Tỷ trọng của họ trong lực lượng lao động thấp hơn đáng kể, 70% đối với phụ nữ so với 80% so với nam giới.
Có tới 60% phụ nữ phải làm việc trong các khu vực phi chính thức và dễ bị tổn thương, trong khi chỉ có 32% nam giới làm công việc này. Đây là những khoảng trống quá lớn không thể được bỏ qua.
Về tài chính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo phải đối mặt với khoảng cách tài chính rất lớn hàng năm là 1,2 tỷ USD so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ do nam giới lãnh đạo. Còn về thu nhập, phụ nữ có trình độ tương đương với nam giới kiếm được ít hơn 12% so với mức thu nhập của nam giới, điều này thật bất công.
Tại các doanh nghiệp Việt Nam, phụ nữ rất ít được đại diện, chỉ chiếm 18% số ghế trong hội đồng quản trị. Đây là một hệ thống đầy thách thức đối với các nữ doanh nhân.
Và để thu hẹp những khoảng cách này ông Darryl Dong cho rằng vũ khí bí mật đó là phát triển bền vững thông qua ESG. ESG sẽ giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp do nữ làm chủ, để cạnh tranh tốt hơn và vượt qua những đối thủ khác. Đây cũng chính là chìa khóa thành công cho các doanh nghiệp dẫn đầu trong thế giới mới đầy dũng cảm ngày nay.
ESG là tiền tệ toàn cầu. Nó vượt qua tiền bạc. Đó là tiền pháp định quốc tế. Chúng ta có thể giao dịch trên đó. Bạn có thể truy cập vào nó, có thể gửi ngân hàng ở đó. “ESG san bằng sân chơi không bình đẳng. ESG mang lại danh tiếng cho doanh nghiệp, sự công nhận của thị trường và giá trị doanh nghiệp”, Kinh tế trưởng IFC tại Việt Nam nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Việt Nam cần hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và cần tính bền vững được lồng ghép trong mọi việc chúng ta làm. Đó không chỉ là điều chúng ta muốn mà còn là điều thế giới yêu cầu.
Việt Nam cần khách nước ngoài mua hàng của doanh nghiệp trong nước và cần các nhà đầu tư quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cần cho thế giới thấy, các công ty bản địa Việt Nam có thể vượt qua thử thách của các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp, xã hội và môi trường mạnh mẽ.
Hơn thế nữa, các nhà đầu tư ngày nay đang tìm kiếm những đối tác có nền tảng quản trị vững chắc, vượt xa hiệu quả tài chính, để quản lý rủi ro, nâng cao vị thế doanh nghiệp, giảm chi phí, đảm bảo nhân sự và tăng cường mối quan hệ chất lượng với các bên liên quan. Do đó, nắm lấy ESG, doanh nghiệp sẽ xây dựng những trụ cột về tính bền vững để hoạt động tốt hơn.
CÁC NỮ DOANH NHÂN HÃY MỞ “CÁNH CỔNG” ESG
Nêu thực tế, ông Darryl Dong cho rằng một số công ty toàn cầu đã ngừng kinh doanh với các công ty Việt Nam có ESG yếu và tiêu chuẩn bền vững thấp.
Ngày nay, không ESG ngày càng có nghĩa là “không có tính thương mại hóa”. ESG không chỉ “có thì tốt” mà bây giờ trở thành “cần phải có”. ESG là sức sống, sự bền vững, sự rung cảm, là hệ thống giá trị xuyên suốt công ty. Hệ thống giá trị này là một lý tưởng với những nguyên tắc chỉ đạo mà mọi nhân viên phải tuân theo, không thể có ai đứng ngoài cuộc và không ai bị bỏ lại phía sau.
“Để doanh nghiệp thành công, tất cả mọi người từ thành viên Hội đồng quản trị đến nhân viên tạp vụ đều phải theo đuổi lý tưởng đó. Để đạt được thành công cuối cùng, mọi người cần đóng góp vai trò của mình vào ESG và tính bền vững”, đại diện IFC nhấn mạnh.
Đồng thời ông cho rằng: “Trách nhiệm đối với hành trình phát triển bền vững và ESG của công ty thuộc về người lãnh đạo. Người lãnh đạo là người nắm giữ chìa khóa để biến đổi công ty của mình trở nên tốt nhất có thể. Nhân viên, ban quản lý và các cổ đông trông cậy vào khả năng lãnh đạo của “ông/bà chủ”. Đây chính là thời khắc của các nữ doanh nhân. ESG vẫy gọi họ”.
Tuy nhiên, để đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về khả năng phục hồi và phát triển không phát thải ròng, theo đại diện IFC, đòi hỏi chúng ta sẽ cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm cho đến năm 2040.
Việt Nam sẽ cần 184 tỷ USD vốn tư nhân hàng năm trong 15 năm tới để bảo vệ mình khỏi những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Nguồn vốn này sẽ cần nhắm tới năng lượng tái tạo, kinh doanh nông nghiệp thông minh với khí hậu, vận tải và sản xuất.
Như vậy, rất cần có các khoản đầu tư tư nhân vào công nghệ mới và cơ sở hạ tầng bền bỉ. Bên cạnh đó, là nguồn tài trợ lớn từ các nhà đầu tư, tổ chức và các nhà tài trợ quốc tế.
“Cánh cửa” tiếp cận các thông lệ toàn cầu về ESG của Việt Nam vẫn chưa mở do lượng vốn đầu tư lớn và kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này vượt quá so với thực tại của quốc gia. Song Việt Nam nếu muốn có một vai trò lớn hơn trong thương mại toàn cầu, muốn một khu vực kinh tế tư nhân kiên cường, những tập đoàn phát triển có trách nhiệm, thì hãy đến với “cổng” ESG. Ông cho rằng, chính phủ và các nữ doanh nhân Việt Nam hãy cùng nhau mở cánh cổng này ra.
Các doanh nghiệp Việt Nam không thể ngồi yên và chơi phòng thủ, cũng như không thể chỉ làm những việc chúng ta đã từng làm trước đây mà chúng ta cần phải trở nên tốt hơn thế.
Chúng ta cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn của mình, cần đổi mới, đưa ra ý tưởng mới, tiêu chuẩn cao hơn và thực hiện chúng. Cần nâng cấp cuộc chơi của mình, phá bỏ rào cản để mang lại sự bền vững cho doanh nghiệp, chứng minh cho thế giới thấy rằng chúng ta muốn kinh doanh thực sự, hoạt động bền vững chính là công việc của chúng ta.
Theo VN Economy