Theo thống kê, số lượng quần áo thời trang, vải tồn kho, ế ẩm hoặc không dùng tới được vứt ra các bãi rác trên toàn cầu lên tới 92 triệu tấn mỗi năm.

Mỗi năm tại châu Âu, một người tiêu dùng bình thường thải ra các bãi rác khoảng 11 kg quần áo thời trang không dùng tới, vì chúng đã lỗi mốt, cũ. Còn với 1 người tiêu dùng Mỹ, con số này cao gấp hơn 3 lần, lên tới 37 kg trung bình mỗi người, mỗi năm.

Hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới, ai cũng có nhu cầu mặc quần áo đẹp, mặc quần áo mới. Số lượng quần áo thời trang, vải tồn kho, ế ẩm hoặc không dùng tới được vứt ra các bãi rác trên toàn cầu lên tới 92 triệu tấn mỗi năm.

Mới đây, một vệ tinh ngoài không gian đã chụp được hình ảnh một bãi rác thải chuyên đồ thời trang, may mặc bị đổ về đó, cụ thể là sa mạc Atacama của Chile. Kính vệ tinh cho thấy 39 triệu tấn đồ dệt may, thời trang ế ẩm, tồn kho từ khắp các quốc gia trên thế giới đã bị đổ về sa mạc Atacama của Chile tạo thành một điểm nhấn bất đắc dĩ có thể nhìn thấy được từ ngoài không gian, chứng tỏ kích thước của bãi rác này rất khủng khiếp.

Ai cũng có nhu cầu mặc đẹp, hợp mốt và thời gian nhanh ra đời là để phục vụ nhu cầu đó. Theo thống kê, nếu 15 năm trước, một bộ quần áo có thể được khoác lên người khoảng 3 lần trước khi nó kết thúc ở bãi rác thì hiện nay nó chỉ được chủ nhân sử dụng 2 lần trước khi bị thải ra.

Với sự phát triển như vũ bão của thời trang nhanh, một vấn đề rất được các chính phủ cũng như doanh nghiệp quan tâm đó chính là kinh tế tuần hoàn, làm thế nào để ngành thời trang, ngành dệt may vẫn có thể phát triển mạnh, song song với đó không làm tổn hại quá lớn tới môi trường?

Kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may

Kinh tế tuần hoàn được đánh giá cao hơn tái chế, vì xả thải ra môi trường ít hơn. Các sản phẩm trong nền kinh tế tuần hoàn được làm ra với mục tiêu ngay từ đầu là nó sẽ sống được vài vòng đời, không chỉ một. Nó cũng sẽ không bị dỡ ra để biến thành một đồ vật khác.

Đối với hàng dệt may, để áp dụng kinh tế tuần hoàn, hạn chế vứt rác thải ra môi trường, mới đây nhiều nước thuộc liên minh châu Âu EU đã nhất trí rằng không được đốt hay là chôn vùi những sản phẩm dệt may tồn kho, thay vào đó có thể tái sử dụng, may đo, thiết kế lại để tạo ra những sản phẩm mới, thay vì kết thúc vòng đời ngắn ngủi ở bãi rác.

Nhiều nước EU ủng hộ cấm tiêu hủy hàng dệt may tồn kho

Các nhà lãnh đạo ngành dệt may và một số doanh nghiệp cho rằng quá nhiều quy định về môi trường có nguy cơ bóp nghẹt các nền kinh tế châu Âu.

Thụy Điển, quê hương của hãng bán lẻ thời trang H&M, đã kêu gọi loại bỏ đề xuất về lệnh cấm tiêu hủy hàng dệt may không bán được khỏi Quy định thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) của Liên minh châu Âu, nhưng không thành công.

Pháp, Đức và Hà Lan ủng hộ đề xuất bởi điều này phù hợp với mục tiêu của EU về tái chế, môi trường và không gây gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Theo Ủy ban châu Âu hàng tồn kho là gánh nặng với các nhà bán lẻ. Việc loại bỏ hoặc lưu trữ hàng tồn kho tiêu tốn của các nhà bán lẻ hàng chục tỷ USD mỗi năm. Đề xuất mới giúp tránh lãng phí, không khuyến khích sản xuất quá mức và ngăn tình trạng méo mó của thị trường, giúp giảm tác động môi trường của ngành dệt may.

Kinh tế tuần hoàn đã được EU phát triển từ nhiều năm nay. Quy định thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) của Liên minh châu Âu không chỉ cấm các hãng thời trang tiêu hủy hàng dệt may không bán được, mà còn yêu cầu hàng dệt may vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn này, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường.

Khi hàng dệt may không còn sử dụng được, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế, hạn chế tối đa việc đốt, chôn lấp các sản phẩm.

Theo Ủy ban châu Âu, Quy định sinh thái của Liên minh châu Âu vốn được áp dụng cho các sản phẩm liên quan đến năng lượng, nay sẽ mở rộng sang hàng điện tử, dệt may, đồ nội thất, đệm và lốp xe… nhằm chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ, thời trang với các sản phẩm có vòng đời ngắn ở châu Âu.

Thử thách đối với thời trang “xanh”

Dệt may là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai chỉ sau dầu mỏ. Do vậy, áp lực xanh hóa quy trình sản xuất từ sợi, dệt đến nhuộm để tạo ra những bộ quần áo bền vững là đòi hỏi tất yếu. Giải pháp là loại vải tơ nhân tạo giá rẻ (vải viscose). Chỉ một số ít công ty sản xuất được loại vải này, trong đó có có tập đoàn Aditya Birla hàng đầu Ấn Độ về sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu dệt may.

Tuy nhiên để sản xuất ra loại vải này cần đến một lượng lớn hóa chất, trong đó có dung môi có độc tính cao: carbon disulfide (CS2).

“CS2 được bán trên thị trường như một sản phẩm xanh. Về cơ bản nó là một lời nói dối?”, Tiến sĩ Paul Blanc, chuyên khoa bệnh nghề nghiệp, đánh giá.

Để tạo cho vải viscose có kết cấu giống như sợi chỉ, hóa chất CS2 được thêm vào bột gỗ, sau đó được ngâm trong dung dịch axit sunfuric (H2SO4). Phản ứng hóa học này sinh ra một loại khói nguy hiểm. Công nhân là người trực tiếp hít phải.

Nagda – một ngôi làng ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, là nơi đặt nhà máy dệt nhuộm đầu tiên của Tập đoàn Aditya Birla. Tại đây ghi nhận nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến chất CS2, từ bệnh về mắt đến vô sinh và các vấn đề về mạch máu.

“Tôi bị đau tim và các bệnh về tim mạch là do công việc của tôi ở nhà máy dệt nhuộm… Tôi đã lọc viscose”, ông Ashok Porwal, công nhân dệt nhuộm, cho biết.

Nhiều đơn khiếu nại chống lại tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan đến nhà máy dệt nhuộm cũng đã được gửi đi. Cơ quan chức năng đã vào cuộc. Quan trọng nhất, các quan chức yêu cầu một nghiên cứu về tác động của chất CS2 đối với sức khỏe của người lao động và rộng hơn là với 20.000 người dân sống xung quanh con sông Chambal.

“Những đứa trẻ này được sinh ra khỏe mạnh. Nhưng từng chút một, chúng thoái hóa và giờ thằng bé ngồi xe lăn”, ông Devesh Kumar, bác sĩ, cho hay.

“Riêng gia đình này có 3 người bị khuyết tật về thể chất. Cô gái này năm nay 26 tuổi. Còn hai anh em 23 và 24 tuổi. Sự phát triển của cơ thể bị ngừng lại. Và hãy nhìn thấy mái tóc của cô gái đó. Cô ấy chỉ mới 26 tuổi”, một người dân nói.

Người dân tại các ngôi làng giờ chỉ biết than thở rằng, xanh hóa dệt may đâu chẳng thấy, chỉ thấy màu đen u tối cho nhiều số phận nơi đây.

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version