Rác thải nông nghiệp là chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật hiện nay phát sinh ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, độc hại về môi trường. Đây là một thực trạng và thách thức đối với môi trường nông thôn hiện nay vì công tác thu gom, xử lý loại rác này chưa được quan tâm nhiều. Việc thực hiện hồ rác thuốc bảo vệ thực vật giúp người nông dân thay đổi dần thói quen “tiện thể” vứt rác thải nông nghiệp ngay tại bờ ruộng, góc vườn sau khi sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Hiện nay, khi hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu thì vấn đề môi trường đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu. Hai vấn đề môi trường đáng quan tâm nhất trong giai đoạn hiện nay là biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và tác động đến toàn bộ hoạt động sống, sản xuất, phát triển và tồn tại của nhân loại và toàn thể sinh vật.
Ô nhiễm môi trường vừa mang tính toàn cầu vừa mang yếu tố cục bộ của địa phương, từng vùng, miền và quốc gia và ảnh hưởng rất đáng kể đến quá trình phát triển. Đối với một quốc gia còn phát triển chủ yếu về nông nghiệp thì ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nhất là do rác thải nông nghiệp tại các vùng nông thôn đã và đang là một thử thách không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước về môi trường. Đây cũng là một thách thức hiện nay của thị xã Gò Công trong định hướng phát triển và hội nhập.
Ô nhiễm ở vùng nông thôn hiện nay chủ yếu là do rác thải sinh hoạt và rác thải nông nghiệp. Đối với rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn, sự phát triển mạnh của các tổ rác dân lập thời gian qua đã góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề này. Nhân dân ý thức được việc hợp đồng thu gom rác với tổ rác dân lập là trách nhiệm của mỗi hộ gia đình trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan chung, đó cũng là một biện pháp đơn giản nhưng hữu hiệu nhất để duy trì chất lượng môi trường sống xung quanh họ. Nếu việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn từng bước hiệu quả, đi vào nền nếp thì việc thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp còn là một vấn đề bỏ ngỏ.
Chất thải rắn nông nghiệp là chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như: trồng trọt, thu hoạch, bảo quản và sơ chế nông sản, các chất thải ra từ chăn nuôi, giết mổ động vật, chế biến sữa như các loại chai lọ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, túi nylon hoặc gói thuốc sau khi sử dụng….Rác thải nông nghiệp nguy hại là hóa phẩm nông nghiệp không nhãn mác, các chai lọ bằng nhựa, thủy tinh hay kim loại hoặc những gói thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa được sử dụng hết mà thải bỏ ra môi trường.
Rác thải trong sản xuất nông nghiệp thường ở dạng phân tán, không tập trung. Hơn nữa do rác thải nông nghiệp chưa được coi trọng và kinh tế nông thôn chưa phát triển nên vấn đề thu gom rác thải nông nghiệp là chưa có.
Hiện nay, lượng chất thải rắn nông thôn phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại. Thực tế cho thấy, công tác thu gom và xử lý còn manh mún, lạc hậu, thô sơ, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn môi trường. Công tác quản lý còn nhiều bất cập thể hiện rõ nét qua sự chồng chéo trong việc phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý. Đối với chất thải rắn từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật thì việc thu gom còn rất hạn chế. Tuy đây là nguồn chất thải rắn thuộc danh mục độc hại cần thu gom, xử lý đúng quy định, nhưng thực tế, sau khi được sử dụng người nông dân “tiện thể” vứt ngay tại bờ ruộng, góc vườn hoặc nguy hiểm hơn, có trường họp còn vứt xuống ao, hồ, đầu nguồn nước sinh hoạt.
Đây là một khó khăn không nhỏ cho nhiều địa phương trong công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung và quản lý môi trường khu vực nông thôn nói riêng, ảnh hưởng đến định hướng phát triển bền vững của địa phương.
Trước thực trạng đó, để nâng cao nhận thức nhân dân về vai trò của việc thu gom, xử lý rác nông nghiệp, từng bước giải quyết vấn đề rác thải ở khu vực nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện mô hình Hồ rác thuốc bảo vệ thực vật. Tại đây, người nông dân được hướng dẫn thu gom rác nông nghiệp là bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật (không để lẫn lộn rác thải sinh hoạt) bỏ vào thùng chứa rác được xây dựng kiên cố, có nắp đậy.
Thực hiện mô hình sinh thái, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các buổi tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của việc thu gom, xử lý chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Thay cho thói quen từ lâu là sau khi sử dụng thuốc, các bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật thường được người nông dân bỏ lại nơi đồng ruộng; khi thực hiện mô hình người nông dân sẽ thu gom các chất thải này lại bỏ vào thùng rác sinh thái. Sau khoảng thời gian 4 – 6 tháng, lượng rác này sẽ được đơn vị có chức năng đến thu gom và đưa đi xử lý.
Sau 2 năm thực hiện, thị xã Gò Công hiện nay đã xây dựng được 45 Hồ rác và sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn thị xã. Và mô hình đã được nhân rộng ra địa bàn của nhiều huyện còn lại trong tỉnh như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông…
Mô hình hồ rác thuốc bảo vệ thực vật tại Gò Công, Tiền Giang bước đầu cho thấy được hiệu quả tích cực, người nông dân đã có nhận thức hơn về rác thải nông nghiệp, từ đó giải quyết được hiệu quả vấn đề rác thải nông nghiệp, góp phần xây dựng một thị xã Gò Công không chỉ phát triển nhanh về kinh tế mà còn bền vững về môi trường với một cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp cả khu vực đô thị lẫn nông thôn.
Nguồn: moitruong.com.vn