Đề án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim được thực hiện trong thời gian 10 năm (2022 – 2032). Đây là đề án “dài hơi”, mang tầm vóc quốc tế, do đó cần sự chung tay, đồng hành của cả cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam là một trong số rất nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện Đề án. Lãnh đạo cấp cao của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam có những chia sẻ tâm huyết về sự đồng hành này.
“Mối duyên lành”
Bà Lê Nhật Thùy – Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam
Tôi nghĩ mình rất may mắn khi biết đến Đề án bảo tồn Sếu đầu đỏ tại tỉnh Đồng Tháp; nó không chỉ là đề án riêng của tỉnh Đồng Tháp mà của cả Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và của cả nhân loại thì mới đúng tầm. Vì Sếu đầu đỏ bắt nguồn từ Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Campuchia v.v., xuất hiện cách đây 50 – 60 triệu năm.
Ở Việt Nam, ông bà ta đã đưa sếu lên vị trí rất cao quý (cưỡi hạc quy tiên) hay ở Thái Lan họ gọi sếu là chim thần. Ta nên hiểu điều này để càng trân quý sếu hơn.
Tại Đồng Tháp, hơn hai, ba năm nay, không còn chim sếu bay về, đó là điều đáng buồn. Thái Lan cũng rơi vào cảnh mất hết chim sếu. Họ mất 20 năm để gây dựng và 10 năm để nuôi dưỡng, phát triển sếu được như hiện tại và sẵn sàng chuyển giao đến các nước khác nhằm mục đích bảo tồn. Khi làm việc cho một doanh nghiệp Thái Lan và hiểu được những điều này, tôi nghĩ đây là một “mối duyên lành” cho chim sếu với sự hợp tác bảo tồn của Việt Nam và Thái Lan.
Đề án bảo tồn chim sếu này thực hiện dưới sự hướng dẫn của ICF (Hội Sếu Quốc tế). C.P. rất may mắn đồng hành cùng Đề án này với triết lý hoạt động dựa trên 03 lợi ích “Đất nước – Người dân – Công ty”. Tại Thái Lan, C.P cũng có thực hiện dự án về chim sếu tại tỉnh Buriram, từ kinh nghiệm đó, chúng tôi lấy những kinh nghiệm đã làm và đưa về Đồng Tháp lần này.
Bảo tồn chim sếu không hẳn là đem về và thả ra, vì đây là loài di cư sẽ bay đi mất. Quan trọng là chúng ta phải tạo một hệ sinh thái để sếu tồn tại và phát triển. CP mong muốn mình có cơ hội kết nối Việt Nam – Thái Lan thông qua ngôn ngữ, cùng tạo hệ sinh thái để sếu có thể phát triển lâu dài, thông qua việc truyền thông để người dân Tràm Chim hiểu về công tác bảo vệ Sếu đầu đỏ, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác giáo dục cho học sinh, sinh viên tại trường học. Các em phải hiểu giá trị và yêu thương chim sếu mới có thể cùng chung tay bảo vệ.
Bà Lê Nhật Thùy đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam trao tặng Công trình tuyên truyền về bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim cho Trường Trung học phổ thông Tràm Chim
C.P. cũng muốn tạo sinh kế, công ăn việc làm cho bà con tại Tam Nông. Một khi cuộc sống no ấm, đủ đầy thì ta sẽ hướng đến những việc to lớn hơn, cao cả hơn. Hiện C.P. đang có dự án nâng cao năng lực cộng đồng để phát triển các chủ thể OCOP tại khu vực Tam Nông, sau đó lan tỏa ra tỉnh Đồng Tháp. Không chỉ vậy, C.P. sẵn sàng hợp tác với tỉnh Đồng Tháp trong những lĩnh vực C.P. có khả năng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm để cùng tỉnh Đồng Tháp bảo tồn Sếu đầu đỏ. Đây cũng là cách để C.P đền ơn Tổ quốc Việt Nam khi C.P. Việt Nam đầu tư ở đất nước Việt Nam 30 năm qua.
Mong muốn cộng đồng chung tay bảo vệ Sếu đầu đỏ
Ban đầu là tình cờ nhưng trong 02 năm theo chim sếu, tìm hiểu những câu chuyện, đặc tính về sếu thì tôi thêm yêu quý sếu. Tôi hy vọng công sức mình sẽ được đền đáp khi công bố Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ vào ngày 12/12 tới đây. Tôi mong, không chỉ tỉnh Đồng Tháp mà các tỉnh lân cận, cả nước Việt Nam và cả những người bạn Thái Lan sẽ cùng chung tay bảo vệ Sếu đầu đỏ.
Người Thái ủng hộ hợp tác bảo tồn Sếu
Ông Chinoros Benjachavakul – Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam
Theo Đề án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp nhận cá thể Sếu đầu đỏ từ Thái Lan để nuôi chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Trước đây Thái Lan cũng là nước có Sếu đầu đỏ sinh sống, tuy nhiên sếu đã biến mất khỏi Thái Lan cách đây hơn 50 năm. Trong 30 năm gần đây Thái Lan đã tiến hành chương trình nuôi sếu và đã gầy dựng một đàn sếu lớn trong các vườn thú. Từ đó, Thái Lan bắt đầu chương trình gầy lại đàn sếu trong tự nhiên. Từ năm 2015 đến nay, hằng năm Thái Lan đều thả sếu về tự nhiên.
Là người dân Thái Lan, ông Chinoros Benjachavakul – Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam quyết định cùng chung tay với tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) bảo tồn Sếu đầu đỏ.
Ông cho biết, tôi đã làm việc ở Việt Nam 20 năm, biết về đất nước và các hoạt động xã hội tại đây. Tôi nghĩ mình có duyên với sếu khi biết 02 năm gần đây tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp muốn bảo tồn sếu. Tôi có hợp tác với C.P. ở Thái Lan và cơ duyên tiếp theo là Tổ chức True Cooperation bên Thái cũng hợp tác bảo tồn sếu tại tỉnh Buriram. Đây là mô hình cộng đồng, vì sếu chỉ sống được ở môi trường sạch sẽ. Đời sống của người dân và sếu gắn liền với nhau. Tôi mong dự án ở tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) sẽ đạt được hiệu quả như ở Thái.
Xét với cương vị người Thái, tôi cũng lo lắng khi đưa sếu về Việt Nam. Liệu môi trường có đảm bảo, người dân có yêu sếu thật lòng. Việc này cũng như “gả con gái” về nhà chồng, người dân Thái mong “cô con gái” được sống vui vẻ, hạnh phúc. Nếu thành công, sếu sẽ đem đến những giá trị về mặt kinh doanh, du lịch cho Tam Nông, Đồng Tháp và cơ hội phát triển cho người dân.
Tôi mong muốn người dân nơi đây sẽ nâng cao ý thức và phát triển kinh doanh, du lịch từ sếu đúng với slogan “Người nuôi sếu – sếu nuôi người”. Tôi cũng mong mối quan hệ Việt Nam – Thái Lan sẽ thêm gắn kết thông qua Sếu, người Thái sang Việt Nam thăm sếu và người Việt Nam cũng sang Thái làm điều tương tự. Từ đó, hai nước cùng chung tay hướng đến giá trị cao cả bảo tồn sếu và giữ hệ sinh thái xanh – sạch – đẹp.