Tại hội nghị COP29, các nhà lãnh đạo thế giới đánh giá năng lượng hạt nhân đóng vai trò thiết yếu trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) một lần nữa có mặt để thảo luận về những cách mà khoa học và công nghệ hạt nhân có thể hỗ trợ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Từ Kenya tới Malaysia
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nói ông mong muốn nhiều quốc gia, từ Kenya (châu Phi) cho tới Malaysia (châu Á) sử dụng điện hạt nhân, đồng thời phủ nhận việc ông đang thúc đẩy một “cuộc chạy đua vô trách nhiệm” hướng tới năng lượng nguyên tử dân sự.
Phát biểu tại COP29 hôm 13-11, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni bày tỏ ủng hộ việc sử dụng năng lượng hạt nhân: “Hiện tại không có giải pháp thay thế duy nhất nào cho nguồn cung nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta phải có một cách nhìn toàn cầu thực tế”.
Bà nhấn mạnh rằng thế giới cần một giải pháp năng lượng cân bằng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Để đạt được mục tiêu này, bà cho rằng cần tận dụng tất cả các công nghệ có sẵn, không chỉ dừng lại ở năng lượng tái tạo mà còn mở rộng sang khí đốt, nhiên liệu sinh học, hydro và công nghệ thu giữ CO2.
Trong tương lai, năng lượng tổng hợp hạt nhân cũng có thể là giải pháp mang lại nguồn năng lượng sạch, an toàn và vô hạn.
Tại COP29, Thủ tướng Czech Petr Fiala cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của điện hạt nhân đối với tương lai, đồng thời cho biết nước ông sẵn sàng hỗ trợ các nước khác phát triển loại năng lượng này.
“Chúng tôi sẽ ngừng sử dụng than. Chúng tôi sẽ thúc đẩy dùng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Năng lượng hạt nhân đóng vai trò cần thiết trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu của chúng tôi vì nó tạo ra năng lượng cực kỳ sạch và cũng rất an toàn. Cộng hòa Czech có hơn 50 năm kinh nghiệm về năng lượng hạt nhân và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ quốc gia nào”, ông Fiala nói.
Có thêm sáu quốc gia/vùng lãnh thổ (El Salvador, Kazakhstan, Kenya, Kosovo, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ) đã ký “Tuyên bố về tăng gấp ba năng lượng hạt nhân” tại COP29 vào hôm 13-11, nâng tổng số quốc gia/vùng lãnh thổ cam kết tăng gấp ba công suất điện hạt nhân vào năm 2050 lên 31, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…
Năm ngoái Pháp đã dẫn đầu nhóm 20 nước đầu tiên ký tuyên bố trên tại COP28 ở Dubai. Cam kết này là cột mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp hạt nhân, đánh dấu lần đầu tiên năng lượng hạt nhân được công nhận – trong một quyết định của COP – là quan trọng đối với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC, như đã nêu trong Thỏa thuận Paris về khí hậu.
Vì sao cần năng lượng hạt nhân?
Để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, thế giới phải nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để giảm phát thải khí nhà kính.
Những người ủng hộ cho rằng điện hạt nhân đóng vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đảm bảo một xã hội trung hòa carbon, đồng thời họ nhấn mạnh đến tính sẵn có liên tục của nguồn năng lượng này, không cần mặt trời hay gió và trên hết là hầu như không phát thải CO2.
Những người phản đối lại cho rằng điện hạt nhân không thiết yếu, họ lo ngại về chất thải hạt nhân và nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân.
Từ trước thềm hội nghị COP29, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đã nhắc lại rằng tại COP28, thế giới đã nhất trí năng lượng hạt nhân phải là một phần của quá trình hướng tới mức phát thải ròng bằng 0. “Việc đầu tư vào điện hạt nhân có thể giảm chi phí lưới điện.
Khi thế giới chuyển từ đồng thuận sang xây dựng, IAEA ủng hộ các quốc gia mới gia nhập trong việc thiết lập những chương trình năng lượng hạt nhân an toàn và bền vững”, ông nói.
Hiệp hội Hạt nhân thế giới lập luận năng lượng hạt nhân có hàm lượng carbon thấp và có thể được triển khai trên quy mô lớn trong khoảng thời gian cần thiết, cung cấp cho thế giới nguồn điện sạch, đáng tin cậy và giá cả phải chăng.
Các chuyên gia kết luận rằng để đạt mục tiêu khử carbon sâu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5oC, vai trò của điện hạt nhân cần được đẩy mạnh. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu thiếu sự đóng góp từ nguồn năng lượng này.
Hiện tại việc sử dụng điện hạt nhân đã giúp giảm lượng khí thải đáng kể, tương đương với việc loại bỏ 1/3 số ô tô khỏi các tuyến đường trên toàn cầu.
Kế hoạch đầy tham vọng của Mỹ
Washington đang vạch ra kế hoạch để Mỹ tăng gấp ba công suất điện hạt nhân vào năm 2050. Theo lộ trình công bố hôm 12-11, Mỹ sẽ triển khai thêm 200GW công suất điện hạt nhân vào giữa thế kỷ này thông qua việc xây dựng các lò phản ứng mới cũng như tái khởi động và nâng cấp các cơ sở hiện có. Điều này sẽ làm tăng đáng kể công suất hiện tại của Mỹ là khoảng 97GW.