- Phát triển năng lượng xanh, bền vững
- Mãnh liệt tinh thần Việt Nam vì tương lai xanh: Hướng tới chuyển đổi năng lượng sạch
Ngành điện toàn cầu có thể giảm 76% phát thải trong 10 năm tới nếu hệ thống phát triển dựa trên tích hợp năng lượng tái tạo, pin lưu trữ và nhà máy điện linh hoạt.
Thông tin này được nêu trong báo cáo Giao lộ trên hành trình Net zero do Wärtsilä (tập đoàn của Phần Lan chuyên cung cấp giải pháp cho lĩnh vực hàng hải và năng lượng). Báo cáo đưa ra hai kịch bản tính toán giảm phát thải trong ngành điện toàn cầu với hệ thống phát triển dựa trên năng lượng tái tạo, pin lưu trữ và có hoặc không nhà máy điện linh hoạt (khí LNG kết hợp điện tái tạo).
Nhóm phân tích của Wärtsilä ước tính hệ thống điện tích hợp nhà máy điện linh hoạt sẽ giúp giảm lượng phát thải khoảng 76% vào 2035. Mức giảm phát thải này chủ yếu nhờ quy mô nguồn điện tái tạo và hệ thống pin tích trữ. Lượng phát thải còn lại sẽ giảm dần khi sử dụng các nhiên liệu bền vững.
Xét đến 2050, hệ thống tích hợp nhà máy LNG và năng lượng tái tạo giúp giảm 21% lượng phát thải (tương đương 19 tỷ tấn carbon) so với việc chỉ dựa vào điện tái tạo và pin tích trữ. “Lượng giảm này tương đương hơn 1,5 năm phát thải của ngành điện toàn cầu hiện nay”, báo cáo nêu.
Bên cạnh đó, 42% chi phí được tiết kiệm (tương đương 65.000 tỷ euro), nhờ giảm tình trạng dư thừa, cắt giảm công suất từ các nguồn điện tái tạo. Trong khi đó, nhà máy điện linh hoạt giúp tăng khả năng cân bằng và tối ưu hóa hệ thống.
Cùng với các ngành khác trên toàn cầu, năng lượng đang chạy đua hướng tới mục tiêu phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào 2050. Việc chuyển đổi sang điện tái tạo là cấp thiết. Trong đó, nhóm nghiên cứu khẳng định cần ứng dụng công nghệ cân bằng linh hoạt, tức tăng các nhà máy điện loại này vào hệ thống, nhằm đảm bảo tính ổn định, không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.
Công nghệ linh hoạt cũng giúp giảm 88% năng lượng tái tạo bị lãng phí do cắt giảm công suất vào năm 2050. Việc cắt giảm này do chênh lệch giữa năng lực sản xuất và hạn chế trong truyền tải điện, theo báo cáo.
Với kịch bản không sử dụng nhà máy điện khí LNG kết hợp năng lượng tái tạo, ngành điện sẽ giảm phát thải chậm hơn.
Năm 2023, California (Mỹ) – vốn được coi là ‘đầu tàu’ về tham vọng năng lượng tái tạo – buộc phải giảm hơn 2,6 triệu MWh do lưới điện không đủ linh hoạt để sử dụng nguồn điện này. “Lượng điện này đủ cung cấp cho 250.000 hộ gia đình”, ông Risto Paldanius, Phó chủ tịch khu vực châu Mỹ của Wärtsilä nói.
Tại Việt Nam, nghiên cứu mô phỏng hồi năm 2022 cho thấy việc chuyển đổi sang hệ thống điện trung hòa carbon vào 2050 có thể giúp Việt Nam tiết kiệm khoảng 26 tỷ euro mỗi năm (tương đương gần 700.000 tỷ đồng). Với mỗi GW các nguồn năng lượng tái tạo, hệ thống cần khoảng 150 MW điện linh hoạt để đảm bảo ổn định.
Nguồn điện linh hoạt được ghi nhận trong cơ cấu nguồn điện của Quy hoạch điện VIII, dự kiến đạt 300 MW vào năm 2030 và tăng lên 46.200 MW 2050.
Năm ngoái, toàn cầu có thêm 565 GW năng lượng tái tạo được lắp đặt, tăng 60% so với năm 2022, nâng tổng công suất lên 4.000 GW, cung cấp gần 30% nhu cầu điện. Theo thống kê năm 2022, ngành điện chiếm khoảng 40% tổng lượng phát thải.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị để giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris cần tiếp cận toàn diện ở cấp độ hệ thống khi lập quy hoạch và đầu tư, thay vì chỉ tập trung phát triển năng lượng tái tạo.
Ngành điện cần nâng cấp hệ thống truyền tải điện, tinh giản thủ tục cấp phép và đầu tư hạ tầng kết nối lưới điện liên vùng, đồng thời tăng các nhà máy điện khí để đảm bảo hệ thống lưới ổn định, giảm phụ thuộc vào điện than, qua đó đẩy nhanh quá trình giảm phát thải.
Theo VnExpress