Theo một báo cáo của tổ chức nghiên cứu Sáng kiến ​​Đổi mới Vật liệu mới được công bố, các công ty khởi nghiệp đang phát triển các vật liệu bền vững mới trong ngành thời trang đã huy động được 500 triệu USD vào năm 2023, tăng gần 10% so với một năm trước đó…

Ảnh: The New York Times

Theo CB Insights, các nhà đầu tư đã đổ nhiều tiền hơn vào không gian này bất chấp sự sụt giảm rộng hơn khiến nguồn vốn đầu tư mạo hiểm giảm 42% và số lượng giao dịch giảm 30%. Tuy nhiên, dòng vốn đổ vào các vật liệu thế hệ tiếp theo vẫn ở xa mức cao kỷ lục 1,1 tỷ USD đạt được vào năm 2021 và ngành này đã bị rung chuyển bởi một số thất bại nghiêm trọng trong 12 tháng qua.

Công ty khởi nghiệp nổi tiếng Bolt Threads, cho biết họ sẽ ngừng sản xuất chất liệu da làm từ nấm trong mùa hè sau khi gặp khó khăn trong việc huy động vốn mới, trong khi công ty tái chế dệt may Thụy Điển Renewcell đã nộp đơn xin phá sản vào Chủ nhật vừa qua.

Sự thay đổi này đã làm giảm bớt sự cường điệu xung quanh việc đổi mới vật liệu trong ngành, nhưng các quy định đã và sắp được ban hành về vấn đề bền vững tại nhiều quốc gia dự kiến ​​sẽ tăng thêm áp lực buộc các thương hiệu phải hướng nhiều hơn vào các hoạt động bền vững. Không chỉ trong lĩnh vực may mặc, ngay cả với các phụ kiện thời trang như túi xách, kính mắt hay đồ trang sức, cuộc đua vật liệu mới trở nên thú vị hơn bao giờ hết.

“Air Swipe Bag” – chiếc túi xách được làm từ 99% không khí cùng 1% còn lại là thủy tinh của Coperni.

Mới đây, nhà mốt Coperni đã trở thành tiêu đề nóng hổi của mọi tờ tạp chí thời trang danh giá, chiếm trọn spotlight của Paris Fashion Week Fall 2024. Trong bộ sưu tập Thu Đông 2024, Coperni đã ra mắt “Air Swipe Bag” – chiếc túi xách được làm từ 99% không khí cùng 1% còn lại là thủy tinh. Trong đó, phần thủy tinh thực chất là silica aerogel vật liệu nano, mà đội ngũ của Coperni được mô tả là “rất tinh tế (và không dễ vỡ)”.

Aerogel còn được gọi là Alcogel, do được chế tạo từ gel silica (SiO2) và ancol. Nói một cách đơn giản, Aerogel là một dạng ‘khí lẫn rắn’, có tới 90% thể tích là không khí, do đó nó chỉ nặng hơn không khí 3 lần và nhẹ hơn thủy tinh tới 1.000 lần. Tuy chủ yếu là khí, nhưng Aerogel có thể chịu được sức nặng gấp từ 500 đến 4.000 lần trọng lượng của nó. Vì thế, có thể nói Air Swipe của Coperni được làm từ vật liệu rắn nhẹ nhất trên hành tinh Trái đất, trở thành chiếc túi nhẹ nhất, chỉ nặng khoảng 33gam. 

Trước khi trở thành bước đột phá mới nhất của thời trang, nhờ khả năng cách nhiệt và cách âm đặc biệt, năm 1997, silica aerogel đã được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa vào sử dụng. Họ dùng loại vật liệu này để bọc con tàu “Sojourner” tránh sự xâm nhập của nhiệt độ lạnh giá trên sao Hoả…. Sáng tạo của Coperni đặt ra nhiều câu hỏi lớn về tương lai của phụ kiện thời trang. Nếu chúng ta có thể tạo ra một chiếc túi gần như từ không khí, tiếp theo là gì? Đây có phải là lời báo hiệu một tương lai bền vững hơn cho thời trang? 

Với công ty sản xuất kính mắt Marchon, một trong những chất thay thế nhựa thành công nhất được làm từ dầu của hạt thầu dầu.

Với địa hạt kinh mắt, có một điểm chung mà đôi khi chúng ta không mấy để tâm. Dù là chiếc kính râm hợp thời trang của một nhãn hàng xa xỉ hay chiếc kính cận kiểu dáng đơn giản lẫn rẻ tiền hơn, phần lớn sản phẩm kính mắt đều làm từ nhựa. Và dẫu được quảng bá có khả năng tái chế, mỗi năm, hàng triệu cặp kính được sản xuất từ nguyên liệu nhựa nguyên sinh (nguồn gốc hóa thạch) vẫn kết thúc vòng đời ở bãi rác, làm trầm trọng hơn nạn ô nhiễm trên toàn cầu. 

Marchon (trụ sở tại bang New York, Mỹ), một trong những nhà sản xuất, phân phối kính mắt cao cấp lớn nhất thế giới, hy vọng có thể góp phần chấm dứt thực trạng trên. Thay vì tiếp tục phụ thuộc vào vật liệu nhựa truyền thống, công ty đang cung ứng kính mắt cho Lacoste, Nike, Calvin Klein… này quyết định chọn giải pháp mang tính đột phá hơn hẳn. 

“Trong vòng vài năm qua, chúng tôi đã phát triển thành công hơn 10 loại chất liệu bền vững. Chúng có nguồn gốc thuần thực vật hoặc được tái chế từ các nguồn rác thải. Nhiều nhà sản xuất khác cũng đang bị hấp dẫn bởi xu thế sử dụng chất liệu thân thiện hơn cho môi trường”, Thomas Burkhardt, Chủ tịch điều hành Marchon, chia sẻ.

Để khuyến khích người tiêu dùng chọn các chất liệu thay thế nhựa polyme, vốn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, nhựa axetat sinh học là một giải pháp đầy tiềm năng. Gần đây, nhiều doanh nghiệp từ Á sang Âu đang dần ưa chuộng axetat sinh học – được xem là phiên bản tân tiến hơn hẳn nhựa axetat nguyên thủy, chất liệu cổ điển trong ngành sản xuất kính mắt. Vật liệu này làm từ sợi bông và bột gỗ thuần tự nhiên, 100% có thể tái chế và tự hủy sinh học.  

Mulberry kết hợp với De Rigo ra mắt bộ sưu tập kính theo toa và gọng kính râm, tất cả đều được làm từ axetat sinh học.

Năm 2022, nhà sản xuất tròng kính Yuehong Optical của Hồng Kông (Trung Quốc) chính thức ra mắt thị trường châu Á những sản phẩm tròng kính axetat sinh học đầu tiên. Tương tự, tròng kính râm, kính thuốc sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững của De Rigo – công ty lâu đời trụ sở tại Ý – là cái tên nổi bật không kém ở phân khúc cao cấp. Đặc biệt, De Rigo cung ứng những sản phẩm tròng kính có chất liệu bán sinh học độc đáo nguồn gốc từ cây thầu dầu cho không ít nhãn hiệu phụ kiện thời trang sang trọng như Mulberry (Anh), Chopard (Thụy Sĩ)…

Tính bền vững cũng đang là câu chuyện lớn của rất nhiều ngành sản xuất và trong giới trang sức cao cấp. Boucheron gần đây đã giới thiệu bộ sưu tập trang sức được sản xuất từ amiăng. Họ đã ra mắt các sản phẩm làm bằng Cofalit – kết quả của quá trình đốt nóng và nung chảy amiăng thành vật chất giống như xi măng. Quá trình này đã biến amiăng từ một loại hóa chất nguy hiểm trở nên vô hại hoàn toàn. Giám đốc sáng tạo của Boucheron Claire Choisne cho biết: “Cofalit hoàn toàn trái ngược với những gì được coi là quý giá trong trí tưởng tượng chung. Tôi đã lấy cảm hứng từ thực tế”.

Và Choisne không phải là nhà thiết kế duy nhất tìm kiếm những cách sáng tạo mới để tạo ra đồ trang sức bền vững hơn. Công ty trang sức Pomellato cũng đã sử dụng kỹ thuật hàn truyền thống của Nhật Bản (gọi là kintsugi) để tái chế những viên đá bị hư hỏng, trong khi Hemmerle cũng đã đi tiên phong trong việc sử dụng các vật liệu không cần khai thác như hóa thạch và vỏ sò trong nhiều thập kỷ. Hemmerle đã chứng minh được rằng việc “tái sử dụng” một cách cẩn thận những món đồ như vậy có thể làm tăng thêm vẻ đẹp và giá trị cho một tác phẩm trang sức.

Hemmerle đi tiên phong trong việc sử dụng các vật liệu không cần khai thác như hóa thạch và vỏ sò để làm đồ trang sức trong nhiều thập kỷ.

Nhà kim hoàn gốc Đức Judith Peterhoff tin rằng xu hướng này đang đạt được đà phát triển vì mọi người đang ngày càng đánh giá cao việc mua sắm có ý thức. “Khách hàng có thể sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và internet để tìm hiểu xem món đồ họ vừa mua đến từ đâu. Họ muốn đảm bảo rằng họ ủng hộ các chuỗi cung ứng lành mạnh và lý tưởng nhất là họ muốn việc mua hàng của mình sẽ đền đáp lại cho người lao động hơn là bóc lột họ,” bà nói.

Theo các chuyên gia tại tổ chức Sáng kiến ​​Đổi mới Vật liệu, quá trình này sẽ còn nhiều khó khăn. Nhưng tất cả những khó khăn này đều là dấu hiệu của một ngành mới đang trưởng thành.

Theo VnEconomy

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version