Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) dễ hứng chịu các tác động của biến đổi khí hậu, do bị phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm nguồn cung nguyên liệu. Điều này đang thúc đẩy cộng đồng F&B hướng hoạt động sản xuất và kinh doanh theo chiến lược bền vững…
Thực phẩm và đồ uống là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Báo cáo nghiên cứu F&B của Công ty The Business Research Company cho biết thị trường F&B được kỳ vọng sẽ có quy mô dự kiến tăng lên 9.225,37 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%. Trên thế giới, nhiều công ty F&B hiện đang hướng hoạt động nghiên cứu và phát triển vào công nghệ xanh, với 55% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã tăng cường đầu tư vào quy trình và sản phẩm bền vững hơn.
GIA TĂNG YÊU CẦU VỀ TIÊU CHUẨN BỀN VỮNG
Tại lễ khai mạc Triển lãm Vietfood & Beverage – Propack Vietnam 2024 vừa qua, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm. Từ một quốc gia nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới.
“Về khía cạnh thị trường, với quy mô dân số hơn 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, gia tăng tầng lớp trung lưu và thu nhập cao, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng nhất khu vực”, bà Thắng đánh giá.
Các thống kê của Bộ Công Thương cho thấy doanh thu thị trường ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam được dự báo tăng trưởng đạt hơn 720.000 tỷ đồng năm 2024, tăng 10,92% so với năm 2023; dự kiến đạt giá trị khoảng 1,4 tỷ USD vào năm 2029. Về xuất khẩu, Việt Nam đã xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm sang 180 thị trường. Tháng 7/2024, nhiều nhóm ngành lương thực, thực phẩm đã tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc, đặc biệt một số nhóm hàng đã ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2024 vượt 2 tỷ USD như thủy sản, rau quả, điều, cà phê, gạo…
“Các xu hướng phát triển bền vững trong ngành cũng liên tục được cập nhật và phát triển, bao gồm các khía cạnh về an toàn thực phẩm, đảm bảo tính xanh (bền vững trong việc sử dụng các nguồn nguyên liệu hữu cơ, tái sử dụng), tái chế chất thải hoặc sản phẩm dư thừa từ quá trình sản xuất, cho đến những biện pháp hạn chế sử dụng nhựa và giảm bao bì nói chung. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các nhà sản xuất, xuất khẩu thực phẩm đồ uống của Việt Nam để thay đổi và phát triển”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Nói về xu hướng xanh hóa trong ngành, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết: ngành chế biến lương thực, thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP.HCM, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tiêu chuẩn bền vững đối với sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Một số thay đổi hành vi tiêu dùng, đặc biệt là xu hướng nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ và có yếu tố xanh trong sản phẩm.
“Hiệp hội chúng tôi đã phát cảnh báo tới các doanh nghiệp rằng, trong năm 2025 nếu sản phẩm không có yếu tố xanh thì sẽ không thể xuất khẩu vào một số thị trường. Nhưng hiện tại, ngoài doanh nghiệp lớn như Vissan, Vinamilk… thì đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa hiểu nhiều về các tiêu chuẩn xanh, thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa biết phải bắt đầu xanh hóa từ đâu”, bà Lý Kim Chi cho biết thêm.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM đã liên tục tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn phổ biến tiêu chí xanh, cách sử dụng bao bì đóng gói, quy chuẩn trong nhà xưởng… Bên cạnh đó, bà Kim Chi cho biết, FFA đã kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền, ngành ngân hàng về vấn đề hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp khi đầu tư xanh hóa. Cụ thể là dành khoản vốn ưu tiên cho doanh nghiệp đang làm hàng xuất khẩu thực hiện xanh hóa sản xuất như đầu tư máy móc, công nghệ…
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam