Ngày hội Việt Nam Xanh 2024 tại TP.HCM như một ‘bữa tiệc xanh’ đầy cảm hứng giữa lòng thành phố, thu hút đông đảo người dân cùng hơn 60 doanh nghiệp tham gia.

Vỏ hộp thức uống có thể tái chế, và trong ngày hội người đem vỏ hộp đã qua sử dụng được đổi lấy quà – Ảnh: Q.ĐỊNH

Với các hoạt động ý nghĩa như đổi rác lấy quà, trải nghiệm sản phẩm tái chế và khám phá công nghệ thân thiện với môi trường, sự kiện đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp sống xanh và tiêu dùng bền vững.

Đem rác đổi quà xanh

Từ sáng sớm 9-11, Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1, TP.HCM) đã nhộn nhịp với dòng người đổ về tham dự Ngày hội Việt Nam Xanh 2024. Không khí rộn ràng, tươi vui với đủ mọi lứa tuổi: từ các em nhỏ nắm tay cha mẹ, những bạn trẻ năng động đến các cụ già háo hức trải nghiệm.

Điểm nhấn của ngày hội là khu vực “đổi rác lấy quà” luôn trong tình trạng “chật kín”. Tại đây, những chai nhựa, vỏ hộp giấy được “hồi sinh” theo cách đặc biệt. Nhiều người tham gia phân loại rác, tham gia các trò chơi để nhận những phần quà ý nghĩa.

Chị Nguyễn Ngọc Bảo Ngân cho biết biết đến sự kiện qua Facebook nên quyết định mang theo 42 vỏ hộp sữa tươi và gần 10 vỏ chai nhựa đến gian hàng của Vinamilk để đổi lấy quà. “Mình đã đổi được 3 hộp sữa tươi, 1 cây sen đá”, chị Ngân chia sẻ.

Chị Ngân cho biết gia đình chị có hai bé nhỏ, một bé 4 tuổi và một bé 7 tuổi, nên mỗi ngày dùng khoảng 10 hộp sữa tươi. Biết rằng hộp sữa là loại rác thải khó tái chế, chị Ngân luôn giữ lại vỏ hộp sữa, phân loại, rửa sạch và mang đi đổi thay vì vứt ra môi trường.

“Mình rất thích sự kiện này bởi vừa có thể đổi quà lại có thể vui chơi và nhận thưởng. Những hoạt động này không chỉ thú vị mà còn giúp mình hiểu thêm về việc bảo vệ môi trường”, chị chia sẻ.

Nhóm du khách Nhật Bản tham dự Ngày hội Việt Nam Xanh – Ảnh: VĂN TRUNG

Là người yêu thích lối sống xanh, chị Ngân còn rất hào hứng khi nghe tin tại sự kiện có một chiếc máy phân loại rác và tái chế ngay tại chỗ (Botol). Vì vậy, chị không chỉ tham gia một mình mà còn dẫn mẹ 68 tuổi cùng đi, để cả mẹ con cùng trải nghiệm máy tái chế và phân loại rác tại ngày hội.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thi Lan cũng không giấu được sự hào hứng: “Lễ hội thật tuyệt vời! Đổi đồ cũ lấy đồ mới, vỏ chai các loại này đã thành rác trong nhà tôi từ lâu mà chưa xử lý. Nay có cơ hội được tái sử dụng, không chỉ giúp giảm rác thải mà còn làm những món đồ hữu ích”, chị Lan bày tỏ.

Chị Lan chia sẻ bất ngờ nhất khi biết rằng bã cà phê có thể tái chế thành nhiều sản phẩm hữu ích như cốc, áo thun, bút và bình giữ nhiệt.

“Thật ấn tượng với các sản phẩm tái chế. Những thứ tưởng chừng là rác thải lại có thể biến thành những món đồ đẹp và hữu ích như vậy”, chị chia sẻ đầy ngạc nhiên.

Đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành và TP.HCM cùng các khách mời đặt chữ Việt Nam xanh, Ngày hội Việt Nam Xanh đã bắt đầu – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp đồng hành cùng sống xanh

Sự góp mặt của các doanh nghiệp như Vinamilk, ACB, Faslink và Coteccons, VinFast… không chỉ làm phong phú thêm các hoạt động tại sự kiện mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Tại gian hàng của ACB, khách tham quan không khỏi ngạc nhiên trước những sản phẩm từ vật liệu tái chế, vừa đẹp mắt vừa hữu dụng.

Không dừng lại ở đó, ACB còn công bố gói tín dụng lên đến 4.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho các dự án sản xuất xanh. Bước đi này cho thấy ngành tài chính cũng đóng vai trò chủ động trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua thách thức chi phí khi thực hiện các dự án bền vững.

Gian hàng của Công ty thời trang Faslink cũng mang đến bất ngờ khi giới thiệu các trang phục, phụ kiện từ sợi tái chế.

Ông Võ Thành Phước, đại diện Faslink, tin tưởng rằng những hoạt động xuyên suốt trong chuỗi hành trình của Việt Nam Xanh sẽ giúp định nghĩa rõ hơn và hình thành thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng, từ đó tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với môi trường.

Hoa hậu Ngọc Châu (bìa trái) và hoa hậu H’Hen Niê (bìa phải) tại gian hàng triển lãm của Gen Zero do hoa hậu Bảo Ngọc sáng lập – Ảnh: THANH HIỆP

“Faslink rất vui và vinh dự khi được đồng hành cùng Việt Nam Xanh và Tuổi Trẻ. Chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ của Tuổi Trẻ, tinh thần sống xanh và tiêu dùng xanh sẽ ngày càng được lan tỏa, góp phần cải thiện môi trường sống”, ông Phước nói.

Ông Phước nhấn mạnh rằng việc thay đổi tư duy tiêu dùng là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy kinh tế xanh.

“Khi nhu cầu tiêu dùng xanh gia tăng sẽ kéo theo sự phát triển của sản xuất xanh. Vì vậy, việc thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng bền vững không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi xanh mà còn thúc đẩy kinh tế xanh một cách toàn diện.

Khi cộng đồng thay đổi tư duy tiêu dùng sẽ thúc đẩy sản xuất xanh. Cùng nhau, các doanh nghiệp và cộng đồng sẽ thực hiện tốt hơn sứ mệnh bền vững của mình”, ông Phước nói.

Ông Lê Anh, giám đốc phát triển bền vững của Công ty CP nhựa tái chế Duy Tân, cho biết với sự tổ chức chuyên nghiệp của báo Tuổi Trẻ và sự đồng hành của Pro Việt Nam, chương trình đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực.

Điều này sẽ thúc đẩy việc tăng sử dụng các sản phẩm tái chế và giảm thiểu lượng nhựa nguyên sinh đưa vào sản xuất.

Duy Tân Recycling hiện thu gom và tái chế khoảng 180 tấn nhựa mỗi ngày, tương đương với khoảng 14 triệu chai nhựa.

Nếu xếp nối các chai này, tổng chiều dài có thể lên tới 850km. “Điều này giúp bạn hình dung rõ hơn về khối lượng lớn mà chúng tôi xử lý hằng ngày. Nếu lượng nhựa này không được xử lý, chúng sẽ chiếm một diện tích đáng kể trong lòng đất, gây tác động lớn đến hệ sinh thái”, ông Lê Anh giải thích.

Công ty Alta Plastic là điển hình gây ấn tượng với hệ thống tái chế Recycle Depot – giải pháp tái chế tự động và phân loại rác ngay tại chỗ, thu hút khách tham quan.

Hệ thống này biến chai nhựa thành những sản phẩm hữu dụng như chậu hoa, đồ trang trí hay văn phòng phẩm qua công nghệ in 3D. Công nghệ và ý tưởng sáng tạo có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận và xử lý rác thải, biến rác thải thành tài sản.

Theo ttbc-hcm

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version