Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 39/NQ-TW đã đi vào đời sống, nhiều địa phương đã đạt được các thành tựu nổi bật; song, bên cạnh đó vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn cần cơ chế khơi thông điểm nghẽn…

“Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững” là mục tiêu bao trùm của Nghị quyết 39/NQ-TW, trong đó nguồn nhân lực, vật lực và tài lực là ba trụ cột quan trọng của Nghị quyết 39.

Đối với nguồn tài lực, Bộ Chính trị yêu cầu đến năm 2025, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu – chi ngân sách nhà nước. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Ngoài ra, mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành và đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước; hoàn thành di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Nghị quyết 39 yêu cầu đến năm 2025, mức dự trữ quốc gia đạt 0,8 – 1,0%, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP.

Theo Nghị quyết 39, đến năm 2035, mức dự trữ quốc gia đạt 1,5% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt 70% GDP; nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20-30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn; thu ngân sách nhà nước về đất đai đạt 10%, thu từ khai thác tài sản công đạt 5% tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm.

Mục tiêu đến năm 2045, mức dự trữ quốc gia đạt 2% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt 80% GDP; nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 30 – 50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn; đồng thời, giữ ổn định thu ngân sách nhà nước về đất đai đạt 10%, thu từ khai thác tài sản công đạt 5%-7% tổng thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng nói chung về nâng cao hiệu quả quản lý khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế và Nghị quyết 39/NQ-TW nói riêng, các địa phương triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả nhất định.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 5 NĂM THỰC HIỆN 

Trong 5 năm thực hiện chủ trương này, tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đã đạt được nhiều kết quả tích cực như sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, ưu tiên đầu tư các công trình cấp bách, trọng tâm, trọng điểm; phát triển hạ tầng giao thông như tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, hạ tầng đô thị, hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại và dịch vụ, viễn thông. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện thu, chi ngân sách hợp lý, chặt chẽ; quản lý tài sản công, quản lý giá có hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…

Toàn cảnh buổi làm việc tại Cao Bằng.

Nhờ đó, kinh tế của tỉnh Cao Bằng trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 đã có sự khởi sắc, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 4,54% (6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,29%); vốn đầu tư Nhà nước trên địa bàn tăng 19,58%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,57%. Môi trường đầu tư kinh doanh năm 2023 có mặt được cải thiện với 7/10 chỉ số thành phần của PCI tăng điểm so với cùng kỳ năm 2022…

Tỉnh Lạng Sơn ghi nhận hạ tầng kinh tế phát triển khá toàn diện, từng bước được đồng bộ; hạ tầng văn hóa – xã hội ưu tiên hoàn thiện;… thu – chi ngân sách được đảm bảo, nguồn lực đầu tư cơ bản được bố trí phục vụ các mục tiêu phát triển của tỉnh…

Tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TW của tỉnh Phú Yên cho thấy các nguồn lực của nền kinh tế được khai thác, sử dụng có hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng GRDP giai đoạn 2019-2023 bình quân đạt 5,6%/năm; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Công tác quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã đi vào nề nếp, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tốt.

Mặc dù vậy, quy mô nền kinh tế của tỉnh Phú Yên vẫn còn nhỏ, chưa có nhiều dự án sản xuất, kinh doanh quy mô lớn; tích lũy nội bộ của nền kinh tế còn ở mức thấp. Nhiều dự án đã được cấp phép nhưng còn vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ. Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kinh tế trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu trong khi huy động theo hình thức xã hội hóa còn hạn chế.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, kinh tế – xã hội của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng khá; GRDP bình quân giai đoạn 2019-2023 tăng 10,28%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2023 gấp hơn 2 lần so với năm 2018; GRDP bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2018, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tăng hàng năm, năm 2023 tăng 1,3 lần so với năm 2018; đã thực hiện sắp xếp lại, xử lý toàn bộ các cơ sở nhà, đất; nợ công, nợ chính quyền địa phương được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA…

VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, trên thực tế, một số địa phương vẫn đang gặp phải các vướng mắc, khó khăn nhất định.

Báo cáo với Đoàn làm việc của Ban Kinh tế Trung ương, đại diện các sở, ngành của tỉnh Phú Yên đã chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết 39/NQ-TW qua thực tiễn của tỉnh, như: công tác triển khai quy hoạch, nhất là quy hoạch đất đai và năng lượng trên địa bàn tỉnh; cơ chế về liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương trong vùng; huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội; các vấn đề về triển khai Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Khoáng sản; sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước…

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ Trưởng Tổ Biên tập phát biểu đề dẫn nội dung buổi làm việc với tỉnh Phú Yên.

Báo cáo của tỉnh Ninh Thuận cho biết nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh còn khó khăn; nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư kết cấu hạ tầng còn rất hạn chế, nguồn lực đầu tư từ đất đai vẫn còn khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ và giải ngân các dự án.

Đại diện các sở, ngành tỉnh này cũng đề cập đến vướng mắc liên quan đến công tác triển khai quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch điện 8, quy hoạch hạ tầng năng lượng và quy hoạch đất đai trên địa bàn tỉnh; cơ chế về liên kết vùng, phối hợp giữa các địa phương trong vùng; huy động nguồn lực để tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng các chính sách về chuyển đổi số…

ĐỀ XUẤT CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO ĐỊA PHƯƠNG 

Để tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, nhằm khơi thông các nguồn lực, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: mở rộng ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng – Lạng Sơn; cần có cơ chế đặc thù phát triển khu kinh tế biên mậu của địa phương; phát triển lâm nghiệp trên cơ sở áp dụng cơ chế thí điểm thị trường carbon; chính sách đặc thù để ưu tiên, thu hút, tập trung đầu tư cho các dự án điện năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền theo tinh thần Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 23/NQ-CP của Chính phủ; các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng trung du và miền núi phía Bắc…

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version