Tôi đã sống ở Việt Nam đủ lâu để hiểu hai điều: Thứ nhất là có nguy cơ thực sự về việc người dân mất nhà cửa do mực nước biển dâng, và thứ hai là người dân khó có thể lường được những sự việc như vậy.

Trước các đợt lũ lụt gần đây, đặc biệt là khi Đà Nẵng bị ngập trong gần một tuần, tôi cảm thấy cần giải thích các nguy cơ đang đến.

Khi nói về việc mất nhà cửa do mực nước biển dâng, bạn hình dung điều gì xảy ra? Nó không giống như nước trong ly mà bạn có thể thấy: phẳng và dâng lên từng chút một theo chiều ngang. Mực nước biển, trên biển, trên đất liền hay thậm chí dưới lòng đất, không phải là chỉ số bất biến. Có thủy triều thấp và thủy triều cao, có những dòng sông với mực nước lên xuống. Mực nước biển ngầm dâng lên khi có mưa và hạ xuống khi hạn hán.

Mất nhà cửa do nước biển dâng sẽ tương tự như vậy. Cách tốt nhất để hình dung về nó như sau: thông thường một trận lụt sẽ chỉ kéo dài vài ngày mỗi năm, nhưng dần dà nó kéo dài nhiều ngày hơn mỗi năm, thậm chí dài ra cả tuần như chúng ta đã thấy. Và rồi những trận lũ kéo dài cả tuần, vài tuần sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Chúng xuất hiện lâu hơn, lâu hơn, và lâu hơn nữa. Cuối cùng, tại một khu vực nào đó, người dân quá mệt mỏi với việc đối phó với lũ lụt nên họ dần rời đi, thậm chí trước cả khi những nơi này bị nhấn chìm trong nước vĩnh viễn.

Ở những nơi ngập lụt nhiều, người dân sẽ chạy lên những khu đất cao hơn và tất nhiên, vì không liên tục bị ngập trong nước nên những khu vực này không được mô tả là “dưới nước”. Người dân sẽ không được bồi thường hoặc không được coi là nạn nhân của biến đổi khí hậu dù họ phải chịu đựng hậu quả từ tình trạng này.

Không khó để giải thích về cơ chế của lũ lụt. Nếu độ cao của mặt đất so với mực nước biển, như tại một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, là 50 cm, nghĩa là nếu đào sâu 50 cm vào lòng đất, bạn sẽ tìm thấy nước; nghĩa là chỉ 50 cm trên cùng của mặt đất có thể hấp thụ nước mưa. Giả sử 50 cm này hấp thụ được 25 cm nước và trong vòng một tuần hoặc vài ngày, lượng mưa lớn hơn khả năng hấp thụ, thì nơi đó sẽ bị ngập lụt. Tất nhiên, độ cao mỗi nơi một khác. Những nơi cao 40 cm sẽ bị ngập trước những nơi có cao độ 60 cm. Cần một khoảng thời gian nhất định để thẩm thấu lượng mưa, đặc biệt là khi nước đã ngấm vào lòng đất. Nên nếu trời mưa rồi tạnh, mưa và tạnh, lặp đi lặp lại như thế, khiến mặt đất ẩm ướt thì khi có một trận mưa khác, bất kể lớn hay nhỏ, sẽ có thể gây ra đợt lũ mới.

Vì vậy, mực nước biển càng cao, càng có nhiều nơi bị ngập lụt, đặc biệt là những nơi trũng thấp như đồng bằng sông Cửu Long, các vùng cạnh bờ biển của Việt Nam, và một số nơi thuộc đồng bằng sông Hồng. Sẽ có thêm nhiều vấn đề phát sinh ngoài ngập lụt, ví dụ: các tòa nhà bị hư hại do độ ẩm vì nền móng thường xuyên nằm trong vùng đất rất ẩm ướt. Nhìn chung, những nơi này sẽ không thể ở được lâu dài.

Hơn 10 năm qua, chính phủ Việt Nam đã bố trí hơn 16.000 tỷ đồng xây dựng công trình chống sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tình hình không cải thiện nhiều. Thống kê cho thấy, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khốc liệt. Đến năm 2018, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Nửa đầu năm 2020, riêng TP Cần Thơ xảy ra gần 20 vụ sạt lở (gần gấp đôi so với cùng kỳ 2019), ảnh hưởng tới 37 căn nhà; trong đó có 4 căn bị sạt hoàn toàn. Nhiều địa phương tại Long An, Cà Mau, Tiền Giang… đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở.

Lời khuyên của tôi dành cho người dân trong hoàn cảnh này là hãy cố gắng di chuyển ra khỏi những khu vực có nguy cơ ngập lụt càng sớm càng tốt và cố gắng xây dựng lại cuộc sống ở một nơi an toàn hơn.

Tốt nhất chính phủ nên thiết lập một kế hoạch di dời, cho phép người dân ở những khu vực rủi ro này chuyển đến những nơi an toàn hơn. Cách này sẽ đảm bảo quá trình di dời có trật tự, giúp giảm thiểu rủi ro và tổn thất về thu nhập hoặc vốn cho người nghèo. Nó cũng sẽ giúp lập kế hoạch cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầy đủ cho các khu vực mới sắp được xây dựng. Sau đó, vùng đất bị bỏ hoang có thể được tái sử dụng để trồng rừng ngập mặn và các môi trường sống tự nhiên khác, vừa chống biến đổi khí hậu vừa bảo vệ các khu vực trong đất liền.

Đây chỉ là mong muốn và hy vọng của một người nước ngoài sống ở Việt Nam. Sau cùng, chính người Việt Nam mới có thể quyết định tương lai của mình trước những biến đổi khó lường của môi trường sống.

Theo Báo VnExpress

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version