Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm ở người. Trong đó, bụi mịn là một trong những tác nhân hàng đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, âm thầm hủy hoại các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là hệ hô hấp. Nhiều người lầm tưởng rằng bụi mịn chỉ xuất hiện ở môi trường bên ngoài nhưng ít ai biết rằng, bụi mịn cũng đang lẩn trốn trong chính căn nhà tưởng chừng sạch sẽ của chúng ta.
Mỗi ngày, một người bình thường hít vào khoảng 10 nghìn lít không khí và chắc rằng có bụi mịn lẩn trong đó. Bụi mịn không chỉ có trong không khí ô nhiễm ngoài đường phố mà còn ẩn náu bên trong không gian sinh hoạt hằng ngày của bạn. Hãy cùng Greenstylr tìm hiểu những cách loại bỏ bụi mịn hiệu quả tại ngôi nhà của bạn nhé!
Bụi mịn trong nhà có nguồn gốc từ đâu?
Bụi mịn là hỗn hợp phức tạp gồm các hạt vô cơ, hữu cơ ở dạng rắn hoặc lỏng, có thể bay lơ lửng trong không khí. Các hạt này thường có hình dạng, thành phần không giống nhau nhưng đều có đặc điểm chung là kích thước rất nhỏ và đôi khi chỉ có thể quan sát được bằng kính hiển vi.
Về nguồn gốc, bụi mịn sinh ra từ rất nhiều chất khác nhau trong tự nhiên hoặc từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người như khí thải động cơ, cháy rừng, hỏa hoạn,… Chính vì vậy mà hàm lượng bụi mịn trong không khí ngày một cao hơn, nhất là ở những thành phố có công nghiệp phát triển, mật độ dân số cao. Tuy nhiên, điều đáng sợ ở đây là chúng ta không chỉ tiếp xúc với chúng khi đi ra ngoài mà bụi mịn còn tồn tại ngay chính trong căn nhà của chúng ta.
Bụi mịn trong nhà phần lớn xuất hiện từ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày nấu ăn bằng bếp củi, hút thuốc lá, đốt nến, nhang, sử dụng lò sưởi,… Ngoài ra, bụi mịn còn có thể đến từ phần tế bào da bị chết đi, phân của con mạt bụi, protein được tìm thấy trong chất thải của động vật, lông, sợi vải của chăn ga gối đệm, vi khuẩn, virus, nấm, bào tử nấm mốc hoặc từ môi trường bên ngoài thông qua các khe hở hay quần áo xâm nhập vào không gian sống trong nhà.
Bụi mịn còn tồn tại ngay chính trong căn nhà của chúng ta
Tác hại của bụi mịn trong nhà đối với sức khỏe
Bụi mịn được mệnh danh là “kẻ sát nhân” thầm lặng đối với sức khỏe con người. Mức độ gây hại của bụi mịn phụ thuộc vào kích thước của nó: Bụi càng nhỏ, càng đi sâu vào đường hô hấp thì càng nguy hiểm.
- Bụi có thích thước lớn hơn 10μm khó đi vào sâu trong hệ hô hấp nhưng có khả năng gây kích ứng da, mắt, làm tăng nguy cơ bị dị ứng, nhiễm trùng mắt và viêm kết mạc.
- Bụi có kích thước nằm trong khoảng 5- 10μm có thể xâm nhập vào đường thở và thường bị kẹt lại ở mũi và các bộ phận hô hấp trên. Việc này làm tăng nguy cơ xuất hiện hoặc làm trầm trọng các bệnh như tổn thương niêm mạch mũi, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi và bệnh bụi phổi silic.
- Nghiêm trọng nhất là các hạt bụi có kích thước nhỏ chỉ từ 0,5-5μm. Chúng có thể dễ dàng vào sâu đường hô hấp dưới, tấn công phổi và thậm chí có thể xâm nhập vào máu, đi đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra nhiều bệnh lý không chỉ liên quan đến hệ hô hấp mà còn liên quan đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh,…
Tác hại của bụi mịn không loại trừ bất kỳ ai, từ trẻ em đến người cao tuổi, tất cả những người từng tiếp xúc nhiều với bụi mịn thì đều có nguy mắc phải các vấn đề về sức khỏe. Trong đó, một số nhóm đối tượng thường đặc biệt nhạy cảm với bụi mịn và các ảnh hưởng sức khỏe cũng nghiêm trọng hơn như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người từ 65 tuổi trở lên, người có tiền sử mắc bệnh hô hấp hoặc tim mạch, người thường xuyên hít phải khói thuốc lá,…
Những tác hại nguy hiểm của bụi mịn trong nhà tới sức khỏe
Cách loại bỏ bụi mịn trong nhà hiệu quả
Vệ sinh nhà đều chưa hẳn sẽ loại bỏ hoàn toàn bụi mịn, vì bụi mịn có thể “ghé” đến không gian sống của bạn mỗi ngày, tham khảo các cách để loại bỏ bụi mịn sau đây nhé:
- Vệ sinh nhà cửa, đồ dùng trong gia đình thường xuyên. Bạn nên dọn dẹp và sắp xếp ngăn nắp các vật dụng trong nhà để tránh bụi mịn tích tụ.
- Đóng bớt cửa sổ để hạn chế bụi mịn từ bên ngoài bay vào trong nhà. Nếu muốn mở cửa cho nhà thông thoáng, bạn có thể lắp thêm lưới chống bụi. Việc làm này là rất cần thiết, đặc biệt với những ai sống ở nơi có không khí ô nhiễm nặng.
- Giặt chăn, ga, gối, đệm mỗi tuần 1 lần để loại bỏ bụi bẩn và mạt bụi.
- Chải lông, tắm rửa cho vật nuôi thường xuyên để hạn chế tình trạng rụng lông của chúng.
- Lắp máy điều hòa, máy lọc không khí trong nhà để thanh lọc không gian sống.
- Lưu ý, khi loại bỏ bụi mịn trong nhà, bạn nên đeo khẩu trang cẩn thận để bụi mịn không xâm nhập vào hệ hô hấp.
Bụi mịn không chỉ tồn tại ở không khí ô nhiễm bên ngoài mà còn ẩn nấp trong chính căn nhà của bạn. Hãy thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, chủ động loại bỏ, phòng tránh bụi mịn để bảo vệ sức khỏe chính mình và người thân xung quanh bạn nhé!
Nguồn tổng hợp