Tôi vẫn nhớ rõ là đến tận đầu những năm 1990, hoạt động thu mua phế liệu và giấy vụn vẫn rất phổ biến ở hang cùng ngõ hẻm, dù tôi sống tại thành phố phát triển nhất nước.
“Ai nhôm đồng sắt vụn giấy rách bán không” đã hằn vào tâm trí những đứa trẻ 8X chúng tôi – “đối tác quan trọng” của một trong những hình thức giao dịch kinh tế vỉa hè phổ biến lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, đến những năm 2000, tôi hầu như không còn thấy những người thu mua này xuất hiện nữa. Nhưng ngành thu mua phế liệu không lụi tàn. Mới đây, trường tiểu học của con trai Toàn – bạn học cũ của tôi – bắt đóng góp giấy vụn để làm “kế hoạch nhỏ”, thay vì đóng tiền mặt như mọi năm. Từ nhiều năm nay, nhà Toàn không còn đọc báo giấy và những tập vở cũ của cậu con trai đều đã được “giải tán” ngay vào đầu kỳ nghỉ hè để đỡ chiếm chỗ trong nhà. Vì vậy, với yêu cầu này của nhà trường, hai cha con Toàn thực sự áp lực, nhất là khi thỉnh thoảng cô giáo chủ nhiệm lại cập nhật với lũ trẻ: bạn A, bạn B ở lớp này lớp nọ đã đóng góp được 5 kg, 8 kg… Có gia đình cho xe chở cả tạ bìa carton đến trường. Phong trào thu gom giấy vụn dần trở thành “kế hoạch nhỏ” của phụ huynh thay vì khuyến khích học sinh “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.
Tháng 12 năm nay, phong trào “Kế hoạch nhỏ” tròn 65 tuổi. Tại lễ kỷ niệm 65 năm phong trào “kế hoạch nhỏ”, Hội đồng đội TP HCM đã đề nghị Đội các cấp đề xuất ý tưởng mới khả thi và phù hợp với tình hình hiện nay.
Phong trào “Kế hoạch nhỏ” xuất phát từ việc tham gia lao động của thiếu nhi hai tỉnh Sơn Tây và Hải Phòng vào năm 1958 để tiết kiệm tiền đóng góp xây dựng nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Hải Phòng). Phong trào dựa trên tinh thần lao động “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, sau đó lan rộng ra khắp nơi ở miền Bắc và khắp toàn quốc sau ngày Thống nhất đất nước. Trong suốt nhiều thập niên, hoạt động chủ yếu là thu gom phế liệu và giấy vụn – cũng hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ do sự thiếu hụt về nguồn nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều cải thiện, sự thiếu hụt về nguồn nguyên liệu sản xuất không còn xảy ra trên diện rộng, việc quy đổi từ kết quả lao động sang tiền không còn dễ dàng như trước, và nhiều nơi lại thay đổi bằng cách đóng góp tiền mặt vào phong trào. Điều này làm sai lệch ý nghĩa lao động “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” của thiếu nhi. Do đó, phong trào cần sự thay đổi hợp lý với tình hình hiện nay nhưng dứt khoát phải giữ được tinh thần khuyến khích lao động an toàn ở trẻ.
Ngược với giai đoạn khó khăn trước đây, khi nguồn nguyên liệu trở nên dồi dào hơn thì một vấn đề khác nảy sinh: ô nhiễm môi trường với rác thải không phân hủy. Luật Môi trường năm 2020 đã quy định về việc phân loại rác thải ngay tại nguồn, bao gồm chất thải rắn có khả năng tái chế hoặc sử dụng. Năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 45 quy định về xử lý các hành vi vi phạm Luật môi trường, trong đó có việc không phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, tình trạng gộp chung rác từ nguồn cho đến khâu thu gom, vận chuyển và tập kết vẫn diễn ra phổ biến trong thực tế. Để thay đổi thói quen này, bên cạnh các biện pháp hành chính mạnh mẽ từ nhà nước còn cần rất nhiều tác động thông qua giáo dục, nhất là giáo dục với trẻ nhỏ. Vì vậy, Đội hoàn toàn có thể xem đây là cơ hội.
Trường học là nơi mà rác thải chủ yếu đến từ các bao bì có thể tái chế như vỏ chai hộp nhựa và hộp giấy. Thay vì chờ đến ngày, đến tháng mới cấp tập gom rác, thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn trong nhà trường sẽ vừa giúp học sinh vừa có kiến thức vừa được thực hành phân loại rác một cách trực quan sinh động. Hoạt động này nếu diễn ra liên tục mỗi ngày trong suốt năm học có thể giúp hình thành thói quen tốt cho các em.
Vấn đề còn lại là kinh phí đầu tư trước và nguồn thu có được sau hoạt động từ đâu ra. Thực tế, trên mỗi địa bàn cấp tỉnh/ thành phố, nhất là ở các địa phương có hoạt động kinh tế sôi nổi, luôn có những nhà máy cần sử dụng vỏ chai nhựa hoặc bao bì tái chế cho hoạt động sản xuất của mình. Các Hội đồng Đội cấp tỉnh/ thành có kết hợp với những đơn vị ấy để trao thùng rác – thu gom nhận lấy nguyên liệu tái chế. Ý nghĩa gốc của phong trào “kế hoạch nhỏ” không phải là tài chính, mà là sự lao động để đóng góp xây dựng một điều gì đó. Trong trường hợp này, sự lao động cũng là sự học hỏi và rèn luyện thói quen, và điều xây dựng được chính là những thùng rác phân loại tại nguồn góp phần làm sạch môi trường.
Ngày nay khi cuộc sống ở nhiều địa phương không còn bị cái đói đe dọa thì chất lượng cuộc sống là điều nên hướng đến. Phong trào “kế hoạch nhỏ” vẫn nên được duy trì, chỉ là người tổng chỉ huy và các cấp thực hiện có đủ linh hoạt để nâng nó lên, phù hợp hơn với những đòi hỏi mới hay không?
Theo Báo VnExpress