Nông nghiệp tái tạo (regenerative agriculture) đã trở thành một lĩnh vực mới nổi và thu hút vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nền kinh tế, đặc biệt là ở châu Âu, chuẩn bị siết chặt quản lý khí thải nhà kính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như thúc đẩy quản lý đất đai bền vững.

Nông nghiệp tái tạo được phát triển dựa trên ý tưởng rằng, ngoài việc sản xuất lương thực, hoạt động trồng trọt cũng sẽ mang lại lợi ích cho tính đa dạng sinh học của đất cũng như chất lượng nước và đất. Chính vì vậy, việc thực hành thường liên quan đến việc giảm thiểu cày xới để giảm xáo trộn đất và trồng luân phiên hàng năm các loại cây trên cùng một địa điểm để tăng tính đa dạng của chất dinh dưỡng và giảm thiểu sâu bệnh. Tuy nhiên, không giống như canh tác hữu cơ, nông nghiệp tái tạo cho phép sử dụng hạn chế phân bón nhân tạo và thuốc trừ sâu.

“Đó là một cách nghĩ khác về đất đai. Mọi người sẽ coi đất đai như một thứ gì đó sống động, chứ không phải vô tri vộ giác”, Mark Durno, đối tác quản lý thực phẩm nông nghiệp của Công ty đầu tư tư mạo hiểm Rockstart , nói khi đề cập đến nông nghiệp tái tạo.

Giờ đây, nông nghiệp tái tạo cũng trở thành mối quan tâm lớn của doanh nghiệp và nằm trong kế hoạch phát triển bền vững của các tập đoàn thực phẩm lớn như Nestlé, Unilever và Danone.

Ngoài sự quan tâm ngày càng tăng này, nhiều công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ phát triển các công cụ nông nghiệp tái tạo đang xuất hiện. Và giới đầu tư ngày càng sẵn sàng rót tiền vào họ. Theo nhà cung cấp dữ liệu Dealroom, từ năm 2021 đến năm 2023, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót 1,4 tỉ đô la Mỹ vào các công ty startup về nông nghiệp tái tạo, tăng 46% so với ba năm trước đó.

Nhưng công nghệ có vai trò gì trong một xu hướng mới nổi với cốt lõi là công nghệ thấp, hoặc ít nhất là hoài nghi về nông nghiệp thâm canh công nghệ cao?

Một trong những lĩnh vực chính mà các startup công nghệ đang tham gia là phát triển các công cụ kỹ thuật số để cấp tín chỉ carbon cho nông dân canh tác theo phương pháp tái tạo. Về mặt lý thuyết, nông nghiệp tái tạo có thể làm tăng lượng carbon cô lập trong đất, giúp nông dân kiếm được tín chỉ carbon.

Theo nghiên cứu của ngân hàng Morgan Stanley, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện, nơi các công ty đặt mục tiêu bù đắp lượng khí thải nhà kính của họ bằng các chương trình tài trợ nhằm giảm lượng phát thải carbon hiện có giá trị khoảng 2 tỉ đô la Mỹ.  Nhưng quy mô của thị trường này có thể vượt quá 250 tỉ đô la vào năm 2050.

Agreena của Đan Mạch là một trong những startup đang nghiên cứu công cụ giám sát lượng carbon được cô lập trong đất và cấp tín dụng carbon cho nông dân canh tác theo phương pháp tại tạo. CEO Simon Haldrup của Agreena, cho biết, vai trò của công nghệ là cung cấp cơ sở hạ tầng giúp nền nông nghiệp tái tạo trở nên khả thi về mặt tài chính.

“Toàn bộ nền tảng của nông nghiệp tái tạo là công nghệ siêu thấp. Đằng sau đó, có các lớp quy trình ở hạ nguồn, giám sát và xác minh lượng carbon được cô lập trong đất. Chúng liên quan đến công nghệ và dữ liệu và đó là cơ sở hạ tầng tài chính chúng tôi đang xây dựng cho nền nông nghiệp tái tạo”, Haldrup giải thích.

Dù Agreena nhận được tài trợ từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, Haldrup nói rằng các công ty dạng này sẽ không hoạt động tốt với chiến lược chung của hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ông cho biết, để sinh lời, các doanh nghiệp nông nghiệp tái tạo cần có thời hạn dài hơn so với các công ty phần mềm mà các quỹ đầu tư mạo hiểm thường rót tiền vào. Vì vậy, những nhà đầu tư ngắn hạn khó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tái tạo.

Tuy nhiên, ngoài tín chỉ carbon, các nhà đầu tư cũng chỉ ra cơ hội kinh doanh trong các công cụ giúp nông dân tìm ra kỹ thuật canh tác  nào sẽ hoạt động hiệu quả nhất trên đất của họ.

“Nếu bạn là nông dân và sắp chuyển sang nền nông nghiệp tái tạo, rào cản lớn nhất là kiến thức và sự hiểu biết về các phương pháp tốt nhất. Chúng tôi hướng tới những thứ như trí tuệ nhân tạo (AI) để thiết lập một giao diện, cung cấp cho nông dân những lời khuyên đơn giản về nông học”, Mark Durno của Rockstart giải thích,

Theo Leslie Kapin, một lãnh đạo cấp cao của Công ty đầu tư mạo hiểm VC Astanor Ventures, những startup nghiên cứu các  giải pháp thay thế dựa trên sinh học cho phân bón tổng hợp thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ thông thường cũng có thể được xếp vào nhóm nông nghiệp tái tạo.

Phân bón là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ đô la, vì vậy,  các giải pháp thay thế có thể mang lại cơ hội kiếm lợi nhuận lợi. Các công nghệ mới cũng cho phép nông dân phun phân bón và thuốc trừ sâu chính xác hơn, từ đó giảm lượng sử dụng.

Ken Giller, giáo sư danh dự về hệ thống sản xuất cây trồng của Đại học Wageningen ở Hà Lan, cho biết, hiện các nhà khoa học còn tranh cãi về tính hợp pháp của tín chỉ carbon trong đất, một phần vì khó khăn trong việc định lượng lượng carbon bị cô lập . Tuy nhiên, ông chú ý đến các công nghệ như “amoniac xanh”.

Là thành phần quan trọng của phân bón, amoniac, một hợp chất của nitơ và hydro, thường được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch thông qua quy trình sử dụng nhiều carbon. Tuy nhiên, sản xuất “amoniac xanh” phát thải lượng carbon thấp hơn nhiều. Một cách tạo ra “amoniac xanh” là sử dụng hydro từ quá trình điện phân nước và nitơ tách ra từ không khí.

Đối với Giller, vấn đề lớn đối với nhà đầu tư là các hoạt động nông nghiệp tái tạo không giúp tỷ suất lợi nhuận tăng lên. “Bạn có thể thiết kế một hệ thống luân canh cây trồng hoàn hảo để giúp tạo ra nhiều chất hữu cơ hơn cho đất, nhưng điều đó thực sự có nghĩa là bạn phải loại bỏ một số loại cây trồng sinh lợi hơn”, ông nói.

Giller cũng cảnh báo rằng sự quan tâm của một số nhà đầu tư đến nông nghiệp tái tạo có thể xuất phát từ mục đích tiếp thị hình ảnh.

Dù vậy, giới đầu vẫn lạc quan về cả tác động sinh thái và lợi nhuận tài chính mà các công cụ nông nghiệp tái tạo có thể mang lại. Leslie Kapin của Astanor Ventures lập luận rằng, các quy định yêu cầu giảm khí thải nhà kính và các mục tiêu bền vững sắp tới sẽ khiến lĩnh vực này trở nên hấp dẫn hơn. Chẳng hạn, Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu (EU) nhắm đến các mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học quản lý đất đai bền vững.

“Chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tái tạo vì nhìn thấy một  thị trường rộng lớn”, bà nói.

Theo Thesaigontimes

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version